TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo BIDV nói về Hồ sơ Panama. Ảnh: L.Th |
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho hay cần thận trọng, không nên quá vội vàng và lo lắng với danh sách 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong danh sách Hồ sơ Panama vừa được công bố.
TS Cấn Văn Lực nói: Chúng ta nên nghe ngóng xem các nước như Việt Nam xem họ làm như thế nào chứ không nên vội vàng, không nên bỏ ra quá nhiều tiền và công sức để điều tra một việc có thể là không cần thiết.
Ông có bình luận gì về danh sách 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong danh sách này khi nhiều người nghi ngờ có liên quan hành vi rửa tiền, tham nhũng?
Không hẳn như vậy. Tôi nghĩ rằng cơ bản ở đây là người ta lách thuế. Nếu là rửa tiền, tài trợ khủng bố, cấm vận,.. sẽ bị Mỹ điều tra ngay và xử phạt rất nặng. Nên cơ bản tôi cho rằng ở đây là lách một chút thuế. Do đó, không nên vội vàng và có nên điều tra hay không và không biết điều tra ra thì kết quả sẽ như thế nào.
Đây là các cá nhân, tổ chức có nguồn thu nhập chính đáng và số lượng tiền gửi cũng không phải quá nhiều. Chúng ta là nước nhỏ thì cũng nên nghe ngóng xem các nước cũng có bối cảnh giống Việt Nam xử lý ra sao, không nên phản ứng một cách thái quá.
Ông có cho rằng chính sách thuế đang có kẽ hở và bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng chuyển tiền ra nước ngoài và tìm cách lách thuế?
Tôi cho rằng, sau vụ việc Panama tất cả các nước đều phải xem xét lại chính sách thuế. Mỹ đã làm từ 2003 tới nay và đã đưa ra đạo luật FATCA (đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ, được Chính phủ Hoa Kỳ thông qua vào năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 30/6/2014).
Theo đó, yêu cầu các tổ chức định chế tài chính ở nước ngoài khi có người dân Mỹ mở tài khoản giao dịch thì phải khai báo với Sở thuế của Mỹ, nếu không sẽ phải chịu chính sách phạt nặng hoặc cấm vận.
Theo tôi được biết, đã có một số ngân hàng lớn của Việt Nam tuân thủ theo Đạo luật FATCA. Nghĩa là, khi bất kỳ doanh nghiệp hay công dân Mỹ mở tài khoản giao dịch tại các ngân hàng này thì phải khai báo với Sở thuế của Mỹ.
Có loại trừ trường hợp ngân hàng, định chế tài chính đứng tên cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài nhằm lách thuế không thưa ông?
Đó là xu thế và cách làm của các nước và khá giống nhau. Tức là cá nhân thông qua định chế tài chính, công ty luật của mình hay công ty trung gian để chuyển, gửi tiền.
Quan điểm của tôi là nên nhìn nhận việc này hết sức bình tĩnh, xem xét hiện tượng và nghe ngóng các nước có bối cảnh giống Việt Nam xem họ phản ứng ra sao, không nên phản ứng thái quá, tạo ra tâm lý hoang mang. Đặc biệt khi chúng ta đang hướng tới đối tượng doanh nghiệp tư nhân, cũng như đối tượng giàu có. Tất nhiên về lâu dài cũng cần xem xét để quản lý thuế tốt hơn.
Vậy theo ông, chính sách thuế sẽ phải thay đổi như thế nào để bịt các kẽ hở, tránh trường hợp có thêm một “danh sách Panama” nữa?
Tôi cho là cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các định chế tài chính với các cơ quan thuế. Khi có khoản thu nhập lớn, bất ngờ thì phải có hình thức giải trình và nêu rõ nguồn gốc để hạn chế hiện tượng lách thuế. Đây cũng là cách thức phổ biến mà các nước đã và đang làm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận