"Nhiều luật ở trên trời, còn cuộc đời dưới đất"!

30/05/2018, 11:41

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu ví von như vậy khi nói về tình trạng nhiều dự án luật xa rời cuộc sống, thiếu thực tế.

ngo-duy-hieu

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu - đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng nay (30/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Góp ý vào nội dung này, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, chất lượng một số dự án luật vẫn chưa đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, doanh nghiệp và yêu cầu phát triển trong điều kiện mới.

“Nhiều dự án còn xa cuộc sống, có những dự án mới đưa ra dự thảo ban đầu đã nhận được sự phản đối rất gay gắt của nhân dân, có người nói rằng “pháp luật trên trời, cuộc đời dưới đất. Có qui định chưa đưa vào cuộc sống đã gặp vướng mắc, có những qui định đi vào cuộc sống lại cản trở sự phát triển”, ông Hiểu nói.

Tuy nhiên, theo ông, để xác định trách nhiệm từ ai, cơ quan nào dẫn đến tình trạng này hiện nay lại chưa rõ. “Trong khi ở khâu thực hiện chúng ta làm khá tốt, nếu một người thực hiện quy định của pháp luật có hành vi làm trái, gây thiệt hại thì có thể người đó phải đi tù. Nhưng ở việc tham mưu ban hành chính sách, pháp luật mà không đáp ứng yêu cầu, thậm chí cản trở sự phát triển, mặc dù đây là những vấn đề không đo đếm được, nhưng không có chế tài là sự không công bằng” – ông Hiểu nêu ý kiến và cho rằng phải tìm giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật cũng như đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong tham mưu xây dựng luật.

Đánh giá việc lấy ý kiến dự án luật đã được quy định chặt chẽ, tuy nhiên, ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, việc lấy ý kiến các đối tượng, các cơ quan, đơn vị còn chưa đầy đủ, làm giảm chất lượng dự thảo các dự án luật, gây mất thời gian thảo luận tranh luận “mà đúng ra phải làm rõ ở giai đoạn soạn thảo luật, pháp lệnh”.

ĐB đề nghị cần thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến theo quy định trước khi trình QH xem xét, thông qua. Cùng với đó, lấy ý kiến nhân dân cần cụ thể theo quy định chặt chẽ, như việc xây dựng kênh thông tin, gợi mở các vấn đề lấy ý kiến, cơ chế giải trình tiếp thu... để nâng cao tính khả thi và lâu bền của dự án luật.

ĐB Phan Anh Khoa (Phú Yên) góp ý cần nâng cao chất lượng chuẩn bị luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội. “Cần tập trung nguồn nhân lực tâm huyết, chuyên môn cao để chuẩn bị hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội, tránh đùn đẩy sang Quốc hội” - ông Khoa nói và đề nghị cần phải thực hiện hiệu quả việc xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là việc lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức nhiều hội nghị để toàn dân cùng tham gia xây dựng pháp luật.

ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP. HCM) nêu thực tế về tình trạng “nay xin rút, mai xin lùi” của một số dự án luật”. ĐB này cho biết tại kỳ họp thứ 4, ông đã chất vấn 17 đồng chí Bộ trưởng và trưởng ngành với cùng 1 nội dung về công tác xây dựng pháp luật và công tác pháp chế của các bộ, ngành. “Ý kiến của các Bộ trưởng, trưởng ngành đánh giá số lượng nhân sự làm công tác pháp chế còn hạn chế, chưa kiện toàn; cần nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn xây dựng công tác pháp luật; cán bộ làm công tác pháp chế còn ít kinh nghiệm, năng lực chưa đồng đều...”.

Do đó, ĐB đề nghị phải coi công tác pháp chế của các bộ, ngành, quan tâm công tác xây dựng pháp luật, chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân và nghiên cứu tính khả thi trong xây dựng pháp luật...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.