Sau vai “ông trùm” nổi tiếng Phan Quân trong “Người phán xử”, NSND Hoàng Dũng vừa trở lại màn ảnh chính luận với vai Trần Nghĩa - Chủ tịch tỉnh Việt Thanh trong phim “Sinh tử” chủ đề chống tham nhũng đang thu hút khán giả trên VTV1. Nghệ sĩ Hoàng Dũng đã chia sẻ về sự chuyển vai và những chuyện hậu trường nghiệp diễn của mình với Báo Giao thông.
Quen nhiều Chủ tịch tỉnh nhưng không bắt chước ai
“Sinh tử” khai thác việc chống tham nhũng ở thời kỳ mới. Ông đánh giá thế nào về độ hút khách của phim so với những phim chính luận trước đây?
Dòng phim chính luận phải cẩn thận và chăm chút hơn nhiều dòng phim tâm lý, tình cảm nên tôi nghĩ, chất lượng phim có khả năng hy vọng tốt hơn. Đề tài chính luận hơi khô và căng thẳng, là những cuộc chiến trong mỗi con người và giữa người với nhau chứ không có mảng tình yêu mềm mại để giải trí.
Tầng lớp nào quan tâm thời cuộc hoặc là những người chịu trách nhiệm về công việc của mình sẽ quan tâm tới dòng phim này hơn những người trẻ. Bởi thế, phim chính luận dù hay thế nào cũng hạn chế người xem. Đó là thách thức với đoàn phim. “Sinh tử” có dàn diễn viên nổi tiếng nên có thể đôi khi, khán giả xem vì có diễn viên mình yêu thích. Mới vài tập đầu nhưng tôi thấy hiệu ứng của khán giả tương đối tốt, đó cũng là tín hiệu đáng mừng.
Phim chính luận thường đụng chạm tới lãnh đạo cấp cao. Đoàn phim có chịu sức ép nào khi làm bộ phim này?
Nói sức ép thì vô cùng. Có những nhân vật có thể khán giả sẽ thấy một chút bóng dáng, nhưng chúng tôi không lấy nguyên mẫu một ai để xây dựng nhân vật, hoặc xây dựng đời sống nhân vật khác đi để đỡ sự liên hệ.
Tất nhiên cũng có sức ép nhưng đó là việc của VFC, của VTV, còn nhiệm vụ của diễn viên chỉ là làm tốt vai diễn của mình. Vì nếu làm không tốt, phim rất khó xem. Làm phim này thực sự rất căng thẳng vì lời thoại là những từ ngữ mang tính chính trị, kinh tế, lối phát triển. Ở Việt Nam, những thuật ngữ kinh tế, chính trị, xã hội ngày nay rất cập nhật, có nhiều từ mới mang tính chơi chữ nên đôi khi chúng tôi bị căng thẳng vì phải nhớ thoại. Những lớp diễn có tính chất đời sống thì dễ, còn những lớp thoại chuyên môn rất khó cho diễn viên tiếp cận và hiểu.
Vậy khi nhận vai diễn Chủ tịch tỉnh, ông có phải cân nhắc nhiều?
Tôi thích đề tài chính luận vì đòi hỏi nghệ sĩ phải nghiên cứu nhiều. Nếu tư duy không tốt hoặc không thích đề tài này thì không làm được. Tôi nghĩ VFC tin ở tôi vì sự tính toán kỹ lưỡng trong mỗi vai diễn và mình vẫn còn năng động trong tư duy, độ lão hóa so với những người cùng tuổi chưa nhiều. So với những người cùng tôi, tôi nghĩ mình vẫn “nảy số” nhanh hơn (cười). Tôi cũng là người chịu xem, chịu đọc nên độ cập nhật mọi thứ cũng nhanh hơn, tiếp xúc với người trẻ nhiều nên nhiều khi tư duy cũng trẻ hơn.
Tôi cũng thích nhân vật lần này của mình vì vai diễn rất người và rất đời. Ông Chủ tịch Nghĩa yêu quê hương và luôn muốn quê hương phát triển. Thế nhưng, ông sẽ phải cân nhắc vì nếu không làm khéo sẽ bị lợi dụng và có những sai lầm. Bản thân tôi dù quen rất nhiều Chủ tịch tỉnh nhưng tôi không bắt chước hình mẫu của bất cứ ai. Những nhân vật tôi đóng đến 99% là hư cấu.
Là một trong những người được VFC trả cát-sê cao nhất
Ông có thường xuyên xem lại vai diễn của mình và ông có hài lòng với những gì mình thể hiện?
Tôi thường xuyên xem lại các vai diễn. Có những chỗ tôi thấy được vì trước khi làm, tôi đã tính toán rất kỹ nên diễn thế nào, vì sao như thế. Tôi cũng là người có phản ứng nhanh, ra bối cảnh sẽ tự biết điều gì nên và không nên. Tôi luôn cố gắng để đạt được suy nghĩ của mình. Tất nhiên khi xem lại, có những chỗ tôi vẫn không hài lòng nhưng ai cũng thế cả. Có thể có những thứ chưa đúng, chưa hay nhưng đó là điều nằm ngoài đường đi của mình.
Sau những thành công không tưởng từ “Người phán xử” hay “Về nhà đi con”, ông có thể tiết lộ cát-sê của mình?
VFC là hãng phim Nhà nước nên tiền để trả cho phim là số tiền được quy định. Đương nhiên, tôi là người làm nghề lâu năm, đã đóng góp cho VFC trong rất nhiều phim và cả trong quá trình đào tạo diễn viên. Tôi có thể nói mình là một trong những người được trả thù lao rơi vào hàng cao nhất. Nhưng cao nhất của dòng phim Nhà nước khác xa so với dòng phim tư nhân.
Với vai diễn lần này, nhiều người nói NSND Hoàng Dũng lại tiếp tục giữ vững danh xưng “ông bố quyền lực nhất màn ảnh”. Ông nghĩ thế nào?
(Cười) Tôi toàn đóng vai những ông bố có quyền. Nhưng những vai diễn ông bố quyền lực ấy chỉ quát tháo con mình, điều này giống tính cách tôi ngoài đời. Tôi rất nghiêm khắc với con cái, luôn vì con và có lao động phấn đấu cũng chỉ cho con. Tôi cũng nổi tiếng là người rất chiều con. Đôi khi có những sự việc, nhiều người nói tôi chiều con quá khiến tôi phải ngẫm lại. Nhưng các con của tôi cũng ngoan, không hư. Nếu con hư, tôi sẽ lấy lại hết.
Một ông bố có quyền lực có thể rất tiện dùng sự ảnh hưởng của mình để giúp đỡ con. Ngoài đời, ông có dùng sự ảnh hưởng của mình để nâng đỡ con cái?
Tôi để con tự làm mọi thứ. Con trai lớn của tôi ngày xưa từng là “gà nhí” của bác Hưng (NSND Khải Hưng - PV) nhưng lên cấp 3, cháu lại không thích phim ảnh nữa. Trái lại, người con thứ hai của tôi từ bé tới lớn không có biểu hiện gì, bỗng một ngày lại nói muốn theo sân khấu điện ảnh. Cháu hay tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường nên được thầy cô yêu mến, môn văn lúc nào cũng được điểm 10.
Năm con thi vào ĐH Sân khấu điện ảnh, tôi không ngồi trong Hội đồng chấm thi. Con đi thi tuyển, tôi cũng kệ. Chỉ đến khi cháu thi học kỳ, tôi mới quan sát và xem con học hành thế nào, diễn xuất ra sao. Nếu thấy cháu phát triển tốt thì tôi sẽ kệ, còn nếu không tôi sẽ tìm hiểu vì sao để điều chỉnh. Tôi không bao giờ can thiệp vào bài vở của con và để cháu học theo cách thầy dạy trên lớp. Tôi chỉ nắn cho cháu tư duy dựng bài, cách nhận thức vấn đề và hướng dẫn những điều mà con chưa biết.
Vậy con của NSND Hoàng Dũng có được các đạo diễn ưu ái hơn khi tham gia các dự án phim?
Mọi người sẽ tưởng là như thế nhưng không phải đâu. Tôi nghĩ, có lẽ trường hợp này sẽ đúng nếu để xin cho cháu vào một cơ quan nào đó, đặc biệt là các cơ quan nghệ thuật. Thế nhưng khi đóng phim, nhân vật trong phim phải phù hợp thì đạo diễn mới chọn. Nếu cháu có khả năng, tự các đạo diễn sẽ mời. Còn nếu vai diễn không phù hợp thì ngay cả tôi họ cũng không mời chứ đừng nói con tôi. Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận