Mới đây, trang Fanpage chuyên phim Hoa ngữ chia sẻ đoạn video clip về một cảnh trong phim "Thịnh Đường huyễn dạ" của Trung Quốc có sử dụng Nhã nhạc cung đình Huế.
Đính kèm hình ảnh là dòng trạng thái bày tỏ bất bình của cư dân mạng: "Họ lấy Nhã nhạc cung đình Huế làm nhạc truyền thống trong phim cổ trang dưới thời Đường, trong khi Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là ‘kiệt tác truyền khẩu’ và là văn hóa phi vật thể nhân loại vào năm 2003".
Cụ thể, bản "Lưu thủy kim tiền" (Nhã nhạc cung đình Huế) đã được nhà sản xuất phim Trung Quốc sử dụng trong phân cảnh hiến vũ của các vũ công với dàn nhạc dâng lên cho hoàng đế và các quan trong buổi dạ yến.
Trước việc làm này, đông đảo khán giả Việt Nam tỏ ra bất bình: "Nhạc của người Việt nghe nhận ra ngay, đoàn phim lại đi ghép vào cảnh chẳng hợp. Đúng là "ăn cắp" quen tay"; "Nghe là biết Nhã nhạc"... là những bình luận của cư dân mạng.
Nhạc sĩ/ Nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Đặng Hoành Loan giải thích, Nhã nhạc có tiếp thu dàn nhạc (nhạc cụ) nhã nhạc của triều Minh, nhưng bản chất âm nhạc khác nhau hoàn toàn.
"Hơn nữa, mỗi bản nhạc lại được viết bởi một tác giả khác nhau, nên không có chuyện liên quan, "na ná" nhau được. Nếu phim Trung Quốc, truyện Trung Quốc, nhạc Trung Quốc mà đưa Nhã nhạc cung đình Huế vào là việc làm tầm bậy", nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho hay.
"Thịnh Đường huyễn dạ" được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Mậu Quyên thuộc thể loại cổ trang, huyền ảo xen lẫn các tình tiết điều tra phá án. Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ đình đám như Ngô Thiến, Trương Vũ Kiếm, Trịnh Nghiệp Thành...
Đáng chú ý, phim được nhiều trang phim, kênh truyền hình Việt Nam mua bản quyền phát sóng. Phim đã được chiếu trên sóng VTV8. Tuy nhiên, sau phản hồi gay gắt của khán giả, VTV8 đã bỏ lịch phát sóng của bộ phim này.
Theo bài viết của nhà Nghiên cứu Nguyễn Quang Long đăng trên Tiền phong ngày 25/7/2009, thuật ngữ “nhã nhạc” xuất hiện lần đầu vào thời nhà Hồ đầu thế kỷ 15 (1400 - 1407), mặc dù các tổ chức dàn nhạc cung đình đã được thành lập trước đó nhiều thế kỷ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: Vào năm 1402, Hồ Hán Thương đã cho “đặt nhã nhạc, lấy con các quan văn làm kinh vĩ lang, con các quan võ làm chỉnh đốn lang, tập múa các điệu văn, võ”.
Tại Việt Nam, sự ảnh hưởng lớn nhất, nếu có, chỉ xảy ra ở thời nhà Lê. Tuy nhiên, nhã nhạc thời kỳ này cho đến nay đã hoàn toàn thất truyền. Hiện nay, chúng ta không còn một bài bản nào được vang lên bằng âm nhạc, sự ảnh hưởng có chăng chỉ còn ở cái tên của một số bản nhạc và các nhạc cụ.
Nhà nghiên cứu cũng cho rằng, bản Lưu thủy kim tiền được định hình rõ nét và mang tính chất chuyên nghiệp, quy củ trong nhã nhạc cung đình Huế, được dùng trong sinh hoạt chính thống của triều Nguyễn.
Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận