ĐBQH Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hoá |
Chiều 13/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận trên hội trường về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Dẫn quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên, ĐBQH Mai Sỹ Diến - Phó đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng nội dung này mới chỉ có điều kiện cần nhưng chưa có điều kiện đủ để ràng buộc. Nếu quy định như vậy sẽ thiếu chặt chẽ, và đây sẽ là mảnh đất màu mỡ, là khoảng trống cho những hành vi đối phó.
Ông phân tích thực tế, vợ hoặc chồng của người có chức vụ, quyền hạn là chủ doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó luôn làm ăn có lãi và sự giàu có của gia đình mà mọi người trầm trồ mơ ước như nhiều đất đai, biệt thự, xe sang, con đi du học nước ngoài..., tất cả đều được kê khai từ nguồn thu nhập của doanh nghiệp. Còn thu nhập của người có chức vụ quyền hạn rất khiêm tốn, vẫn được đánh giá là nằm trong top những người "không sống được bằng lương".
Tương tự, con của người có chức vụ, quyền hạn là chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp đó thì dễ được đánh giá là làm ăn có lãi, sự giàu có của gia đình mà người có chức vụ, quyền hạn đang được hưởng đều do tài năng của người con làm doanh nghiệp mà có.
Từ thực tế ấy, ông Diến cho rằng đang có một câu hỏi lớn đặt ra: Đây có phải là nơi để hợp lý hóa tiền, tài sản bất hợp pháp của một số người có chức vụ, quyền hạn do tham nhũng mà có?
"Tuy chưa có số liệu thống kê có bao nhiêu người có chức vụ, quyền hạn mà vợ hoặc chồng, con thành niên là chủ doanh nghiệp, chưa có một báo cáo nào về việc kiểm tra, thanh tra liên quan đến việc rửa tiền như trên, nhưng nó đang là dấu hỏi lớn”, ông Diến nói.
Ông đề nghị luật phải thiết kế một điều để kiểm soát người có chức vụ, quyền hạn mà vợ, chồng, con làm chủ doanh nghiệp nhằm ngăn chặn những sự việc nêu trên, tránh hiện tượng "phía sau một người có chức vụ, quyền hạn thành đạt có một người vợ, chồng, con quản lý doanh nghiệp thành đạt".
Đặc biệt, ông đề nghị bổ sung quy định không bố trí người có chức vụ, quyền hạn làm việc ở địa phương mà vợ, chồng, con có doanh nghiệp hoạt động. Khi cấp giấy phép cho doanh nghiệp này, các cơ quan chức năng cũng khoanh vùng doanh nghiệp hoạt động để tránh lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn.
Bên cạnh đó, bố trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn ở vị trí không liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp do vợ hoặc chồng, con làm chủ.
Đưa nội dung Luật PCTN vào chương trình giảng dạy phổ thông
Tiếp cận ở góc độ khác, ĐB Mùa A Vảng (đoàn Điện Biên) cho rằng luật có nghiêm khắc đến đâu cũng khó xử lý triệt để tham nhũng nếu không tự từ bỏ lòng tham.
ĐB Mùa A Vảng - Điện Biên |
Theo ông, nhiều quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới mặc dù hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn thiện nhưng tham nhũng vẫn tồn tại và xếp hạng thấp, trong khi có những quốc gia không ban hành riêng Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng công tác phòng, chống tham nhũng lại đạt hiệu quả và được xếp hạng cao trên thế giới.
Nguyên nhân chủ yếu của sự thành công đó chính là sự công khai, minh bạch trong chính sách đầu tư, chi tiêu công, công tác cán bộ, sự giám sát của nhân dân và công tác giáo dục về phòng, chống tham nhũng khi còn đang trên ghế nhà trường.
Từ phân tích đó, ĐB tỉnh Điện Biên cho rằng con người mới là yếu tố quyết định sự thành công.
Ông đề nghị luật quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục Luật Phòng, chống tham nhũng vào môn Giáo dục công dân để giảng dạy tại các trường trung học phổ thông nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với tương lai của đất nước, tương lai của dân tộc, giáo dục để con người không muốn tham nhũng khi có cơ hội tham nhũng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận