Bất động sản

"Siết" niên hạn chung cư 50-70 năm: Giá căn hộ rẻ 30%

06/06/2022, 15:04

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu áp dụng niên hạn sử dụng chung cư 50-70 năm, giá căn hộ sẽ "hạ nhiệt", người dân sẽ dễ dàng tiếp cận.

Giá căn hộ 50 năm rẻ hơn 30%

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều dự án tổ hợp gồm trung tâm thương mại, căn hộ cho thuê, căn hộ để ở.

Theo đó, giá căn hộ ở lâu dài thường có giá cao hơn nhiều so với căn hộ sử dụng niên hạn 50 năm. Đơn cử như dự án HDMI Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, chỉ với 2 toà tháp, nhưng giá lại hoàn toàn khác nhau.

img

Dự án HDMI Trung Văn, Q Nam Từ Liêm, HN

Trong vai người mua nhà, chị Mai Hoa tư vấn cho PV, dự án có tổng diện tích xây dựng 8.266m2 với mật độ xây dựng khoảng 35%, gồm 2 tòa tháp cao 37 tầng và 39 tầng, 3 tầng hầm để xe. Tầng 1 đến tầng 4 dành cho thương mại dịch vụ và sinh hoạt công cộng. Dự án có 2 loại hình căn hộ là căn hộ ở lâu dài và căn hộ khách sạn còn niên hạn sử dụng 40 năm.

Theo đó, căn hộ ở lâu dài diện tích từ 115,5 - 136m2, giá bán thị trường từ 4,2 tỷ - 5 tỷ đồng/căn (36 triệu đồng/m2). Trong khi đó, giá bán căn hộ khách sạn chỉ từ 24 triệu - 28 triệu đồng/m2 (thấp hơn căn hộ lâu dài từ 22-33%).

Chị Hoa khẳng định, giá bán chênh nhau nhưng khách hàng mua nhà ở đây được hưởng đồng bộ tiện ích hạ tầng như nhau.

Tương tự tại dự án Green Phương Đông (Hoàng Mai), với 3 khối đế và 4 toà tháp, thế nhưng khoảng 1/3 căn hộ tại dự án này có niên hạn sử dụng 50 năm. Cùng nằm trong một thửa đất, hưởng đồng bộ tiện ích như nhau nhưng giá bán chênh nhau vài giá. Giá bán căn hộ sở hữu lâu dài lúc bàn giao khoảng 29 triệu, căn hộ sở hữu 50 năm chỉ khoảng 25 triệu/m2.

"Thúc" chủ đầu tư đưa đất vào sử dụng

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty Phương Đông, chủ đầu tư dự án Green Phương Đông (Hoàng Mai) cho biết, trong cấu hình giá nhà, căn hộ sở hữu lâu dài cao hơn giá căn hộ sở hữu 50 năm khoảng 15%. Phần chênh này chủ yếu là tiền sử dụng đất. Còn lại các khoản đầu tư xây dựng, chi phí makerting... là như nhau. Vị đại diện này cho rằng, nếu "siết" niên hạn sử dụng chung cư 50-70 năm thì giá căn hộ sẽ hạ nhiệt, hạ chính tiền sử dụng đất.

Mới đây, tại dự thảo Luật Nhà ở 2013 sửa đổi do Bộ Xây dựng soạn thảo đưa ra 2 phương án về thời hạn sử dụng nhà chung cư. Phương án thứ nhất quy định cụ thể thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng. Theo đó, nhà chung cư được quy định cụ thể về thời hạn sở hữu căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình (50 năm, 70 năm). Hết thời hạn sử dụng này, có kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền nhà chung cư không còn sử dụng được thì chấm dứt quyền sở hữu nhà ở chung cư, các chủ sở hữu thực hiện phá dỡ, xây dựng lại nhà ở.

Phương án 2 quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai. Phương án này thì nhà chung cư không có thời hạn sở hữu mà thực hiện theo pháp luật về đất đai là ổn định, lâu dài.

Dự thảo này của Bộ Xây dựng đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, nếu sửa niên hạn nhà thì phải sửa đồng bộ Luật Đất Đai bởi, dự án 50-70 năm là thuê đất trả tiền 1 lần, mà thuê đất trả tiền 1 lần thì không xây dựng được nhà ở. Nhà ở chỉ được xây dựng trên đất giao có thu tiền sử dụng đất.

Cùng quan điểm, Đại diện Hải Phát Land làm rõ thêm, từ năm 2013, Hà Nội đã xuất hiện loại hình căn hộ sở hữu 50 năm.

Nó gồm có 2 loại, 1 loại sở hữu 50 năm hình thành đơn vị ở và loại còn lại là căn hộ sở hữu 50 năm nhưng không hình thành nên đơn vị ở.

Với căn hộ hình thành đơn vị ở thì người sử dụng được các quyền lợi như căn hộ sở hữu lâu dài nhưng thời hạn ngắn hơn. Còn căn hộ không hình thành nên đơn vị ở thì người sử dụng chỉ lưu trú vì không có các quyền lợi như đăng ký hộ khẩu thường trú, cho con đi học đúng tuyến tại nơi đang cư trú mà không đăng ký được hộ khẩu.

Bên cạnh đó, đối với những căn hộ sử dụng 50 năm thì sau 50 năm sẽ lại phải đóng thuế nếu sử dụng tiếp, còn đối với căn hộ sở hữu lâu dài thì chỉ phải đóng 1 lần.

Và cũng vì quan niệm "ăn chắc, mặc bền" mà giá căn hộ lâu dài bao giờ cũng cao nhất, tiếp đến là căn hộ 50 năm hình thành đơn vị ở, cuối cùng là căn hộ 50 năm không hình thành đơn vị ở (căn hộ khách sạn - PV), so giá bán giữa căn hộ ở lâu dài với căn hộ niên hạn 50 năm, chênh nhau khoảng 20-30%.

Đánh giá về tác động nếu quy định này được áp dụng, đại diện Hải Phát Land cho rằng, giá mặt bằng chung cư trên thị trường vẫn sẽ tăng, nhưng sự xuất hiện nhiều của các loại căn hộ 50 năm sẽ giúp thị trường chung cư "hạ nhiệt". Không những thế, khi quy định này được áp dụng, nguồn lực về đất sẽ được tận dụng triệt để, không để lãng phí, "ôm" đất như hiện nay.

"Có những dự án được giao đất 10 năm, nếu giao thời gian sử dụng lâu dài, các chủ đầu tư "ôm" đất mà không bị ảnh hưởng về quyền lợi. Trong khi đó, 10 năm qua nhà nước không thu được thuế hay nguồn lực nào từ dự án này. Do đó, khi quy định 50 năm, các chủ đầu tư sẽ buộc phải tìm cách phát triển dự án, bởi chắc chắn, nếu dự án "đắp chiếu" 10 năm hay 20 năm thì không thể bán được giá bằng những dự án còn niên hạn 50 năm", vị đại diện nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.