Đường bộ

"Vượt bão" đưa cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cán đích sớm 3 tháng

11/05/2023, 19:17
image

Bão Covid-19, bão giá, khan hiếm vật liệu... không làm khó được chủ đầu tư, nhà thầu cao tốc Nha Trang -Cam Lâm. Dự án vẫn cán đích sớm 3 tháng.

Gồng mình trong dịch bệnh, bão giá

Những ngày trung tuần tháng 5/2023, mặc cơn mưa nắng thất thường, công nhân vẫn hối hả thi công hoàn thiện các hạng mục cuối cùng trên tuyến chính cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Xế trưa, kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc điều hành thi công dự án (Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm), miệt mài phóng những lượt xe để đi kiểm tra từng mũi thi công sơn kẻ vạch đường, hệ thống ATGT...

img

Hầm Dốc Sạn đã hoàn thành mặt đường bê tông nhựa

Vừa quệt mồ hôi trên khuôn mặt, vị kỹ sư đã 3 năm bám công trường vừa nói: Chỉ còn tuần lễ, dự án sẽ thông xe. Giờ có mệt chút nhưng ai cũng vui chờ đón ngày trọng đại.

Gắn bó nghề giao thông hàng chục năm, kinh qua đủ công trình lớn nhỏ, nhưng cao tốc Nha Trang- Cam Lâm để lại trong anh Tuấn Anh nhiều kỷ niệm sâu đậm.

Năm 2021, dự án được khởi công cũng là lúc cả nước đang bước vào đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Để đảm bảo an toàn, chủ đầu tư (Tập đoàn Sơn Hải) đã chỉ đạo anh em thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch Covid-19 ngay từ đầu.

Anh Tuấn Anh nhớ lại từng thời khắc trên công trường, chỉ huy cắt cử người giám sát nhắc nhở thường xuyên cán bộ, công nhân. Ngoài việc đẩy mạnh nhập vật tư để phục vụ thi công trong thời gian dài thì lãnh đạo Tập đoàn cũng yêu cầu công nhân ăn ở tại công trường.

Lúc cao điểm, có khoảng 200 cán bộ kỹ sư và công nhân ở tại công trường nhằm thực hiện “3 tại chỗ”. Công việc được bố trí đan xen nhau vừa thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo tiến độ. Doanh nghiệp cũng giảm thiểu các cuộc họp trực tiếp, tăng cường họp trực tuyến; giám sát người lao động và đối tác ra vào công trường.

Do đó, dự án giãn tiến độ nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu kép trong công tác phòng chống dịch Covid -19.

“Đơn vị đã lên các kế hoạch chi tiết để triển khai thi công. Thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch trong công trường; quản lý "3 tại chỗ" đối với việc ăn ở, sinh hoạt và thi công xây dựng; chia ca kíp với số lượng công nhân phù hợp, đảm bảo giãn cách, tránh tập trung đông người; ứng dụng công nghệ thông tin để tương tác, trao đổi công việc” - Giám đốc điều hành thi công dự án cho biết.

img

Đơn vị thi công hoàn thành những mét sơn đường cuối cùng trước khi thông xe

Khó khăn chồng lên khó khăn, bên cạnh nguy cơ chậm tiến độ và phát sinh chi phí do dịch bệnh, cùng thời điểm, giá hầu hết các vật liệu xây dựng tăng cao.

Đặc biệt là giá thép tăng đột biến từ 45 - 50%, không theo quy luật thông thường khiến dự án đối mặt với nguy cơ đội vốn. Cùng với đó, công tác nhập khẩu, vận chuyển vật liệu, vật tư thiết bị cũng gặp khó khăn bởi các nhà cung cấp gặp trở ngại trong logistics, giá cước vận tải tăng.

Ngoài ra, nguồn vật liệu đất, cát thiếu do khi dự án cần một lượng lớn và trong khoảng thời gian ngắn, khó khăn này đã được doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với địa phương tháo gỡ. Tỉnh Khánh Hòa cũng hỗ trợ kịp thời để hoàn thiện việc cấp phép khai thác cho 13 mỏ, với tổng trữ lượng khoảng 5,34 triệu m3 và nâng công suất khai thác 4 mỏ, với công suất khai thác nâng thêm là 0,6 triệu m3/năm, đảm bảo chỉ tiêu cho dự án.

Nét mặt rạng rỡ khi nhìn về con đường kéo dài tít tắp, kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ thêm, trước những khó khăn chồng chất, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) là nhà đầu tư dự án đã thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến động giá nguyên, nhiên liệu đến các hoạt động xây dựng. Dừng những hạng mục không cần thiết, chỉ thi công những hạng mục cơ bản và chuẩn bị mọi điều kiện để đẩy nhanh tiến độ sau này.

img

Quy mô, tầm vóc cao tốc Nha Trang-Cam Lâm hình hài

Ứng dụng công nghệ, bứt tốc tiến độ

Ngoài sức mạnh nhân lực, ngay từ đầu nhà đầu tư xác định công nghệ sẽ là một trong những giải pháp tiên quyết đẩy tiến độ.

Ghi nhận PV, xuyên suốt dự án, nhiều thiết bị hiện đại lần đầu tiên có ở Việt Nam được Sơn Hải đưa vào thi công giúp dự án về đích trước hạn.

Kỹ sư Tuấn Anh chỉ về dải phân cách như điểm nhấn ngay giữa công trường, bảo: như máy trộn bê tông từ châu Âu nên việc xây dựng dải bê tông phân cách giữa được đổ liền khối bề mặt láng mịn, không nứt nẻ. Mỗi ngày dây chuyền này có thể đổ một km dải phân cách giữa, tăng gấp đôi công suất so với cách làm cũ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã sử dụng máy trộn bê tông nhựa chuyên dụng của Đức, giúp tăng tốc độ thảm nhựa lên gấp đôi với làn rộng 8m so với 4m trước đây. Hệ thống này còn giúp giữ bê tông với nhiệt độ ổn định trong quá trình vận chuyển từ nơi trộn tới chân công trình. Công nghệ mới này còn giúp giảm được 15 nhân công cho một dây chuyền thảm.

img

Cung đường cao tốc Nha Trang - Vân Phong đẹp nên thơ

Kỹ sư Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cho biết: Thời điểm ký hợp đồng dự án gặp nhiều khó khăn do Covid-19 và giá cả nguyên vật liệu tăng cao. Tuy nhiên, đơn vị đã chuẩn bị từ trước, lập kế hoạch đầu tư, bố trí vốn phù hợp, áp dụng công nghệ hiện đại, cùng sự đồng lòng chung lưng đấu cật của lãnh đạo, kỹ sư, công nhân nên dự án sớm về đích.

Thỉnh thoảng trong lúc kiểm tra toàn tuyến, anh Huy lại dừng lại khu vực hầm Dốc Sạn. Vị trí được chọn là nơi khánh thành cao tốc Nha Trang-Cam Lâm những ngày tới với nhiều ý nghĩa.

Đây là hạng mục với nhiều đường găng kỹ thuật toàn tuyến. Hầm có tổng chiều dài 1,5 km, vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, nhà đầu tư đã xác định đây là công trình khó thi công và tiến độ của nó ảnh hưởng rất nhiều đến toàn dự án. Vì vậy, Tập đoàn Sơn Hải đã bố trí 4 mũi thi công đào và gia cố hầm, hai mũi thi công gia cố mái, cửa hầm. Các đơn vị tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp liên tục. Sau nhiều ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm” công trình đã hoàn thành sớm trước 3 tháng so với yêu cầu đặt ra.

Theo đánh giá của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, dự án được khởi công từ tháng 9/2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, các cấp chính quyền địa phương, chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án đã nỗ lực khắc phục khó khăn về “bão” giá, dịch bệnh, huy động tối đa nguồn lực. Nhờ vậy, dự án đã có những bứt tốc về tiến độ, đảm bảo hoàn thành dự án vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng ký kết.

Được biết, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, khởi công tháng 9/2021, với kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng. Dự án có 4 làn xe, đi qua huyện Diên Khánh, Cam Lâm, TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Nhà đầu tư là Tập đoàn Sơn Hải, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm.

Sau gần hai năm triển khai, đến nay, công trình cao tốc Nha Trang – Cam Lâm hoàn thành và được đưa thông xe vào đúng dịp sinh nhật Bác 19/5. Con đường càng có ý nghĩa khi cao tốc này cùng với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (hoàn thành đầu năm 2024) sẽ giúp kết nối với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ...

>>>> Video cán đích cao tốc Nha Trang - Cam Lâm:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.