Giáo dục

4 dấu hiệu bố mẹ dễ nhận biết nhất con mình đang hư hỏng, cần chỉnh đốn ngay

18/11/2021, 01:00

Quá trình nuôi con hoàn toàn không dễ dàng gì, đặc biệt đối với những đứa trẻ hư hỏng, bố mẹ cần kiên nhẫn chỉnh đốn mỗi ngày.

“Con chỉ cần học thôi, mọi việc khác để mẹ lo” có lẽ là câu cửa miệng của không ít bố mẹ. Đành rằng, bố mẹ luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình, không muốn chúng phải vất vả, chỉ cần tập trung học giỏi là được. Thế nhưng, liệu những điều này có thực sự tốt cho một đứa trẻ?

Mặc dù tình yêu của bố mẹ dành cho con cái là vô điều kiện nhưng cũng cần phải chú ý một số điều vì có thể gây phản tác dụng. Nếu nhận thấy con mình có 4 dấu hiệu sau, chứng tỏ chúng đang dần trở nên hư hỏng, bố mẹ cần đặc biệt chú ý.

1. Thích trao đổi, đe dọa bố mẹ

Không thể phủ nhận rằng, trẻ em ngày nay rất thông minh và giỏi quan sát. Việc trẻ nói năng trôi chảy, thích cãi lại bố mẹ chứng tỏ chúng có vốn từ đa dạng, biểu hiện của IQ cao. Tuy nhiên, nếu chủ quan với một số lời nói của trẻ, bố mẹ đang lầm tưởng con mình giỏi giang.

img

Ví dụ, khi bạn muốn trẻ giúp mình một việc gì đó, chúng sẽ ra điều kiện chẳng hạn như “nếu mẹ muốn con làm việc, phải cho con tiền tiêu vặt”, hoặc “nếu mẹ muốn con dọn dẹp đồ chơi, mẹ phải cho con xem TV”.

Khi đứa trẻ còn nhỏ, khoảng 2 tuổi, có lẽ bố mẹ cảm thấy thú vị khi con mình đưa ra những điều kiện trao đổi như vậy. Chỉ cần con ngoan ngoãn, họ sẽ vui vẻ đồng ý ngay.

Nếu không có sự kiểm soát, theo thời gian đứa trẻ sẽ nhận ra rằng, sự “ngoan ngoãn” mà bố mẹ muốn có thể đổi lấy những thứ bản thân muốn. Điều này sẽ khiến trẻ hình thành khái niệm “hành động” = “phần thưởng”.

2. Không có nguyên tắc

Mọi thứ trên đời đều không thể tách rời những nguyên tắc. Chỉ khi có nguyên tắc, bạn mới biết được đâu là ranh giới và phân biệt được đúng sai. Vì thế, ngay từ nhỏ trẻ cần phải biết tuân thủ những nguyên tắc bố mẹ đặt ra, chẳng hạn như không được ném đồ đạc lung tung, không được tự ý lấy đồ của người khác, không làm mất trật tự nơi công cộng…

img

Khi trẻ được 2 tuổi, chúng đã có thể nhận biết được đâu là “của người khác” và “của mình”. Việc hành động của trẻ lúc này cũng bắt đầu tùy ý hơn, chúng bắt đầu khám phá mọi thứ xung quanh và thích làm những điều mình muốn.

Trong giai đoạn nhạy cảm nhận thức này (sau 2 tuổi), bố mẹ cần thiết lập các quy tắc cho trẻ. Nếu một đứa trẻ 3 tuổi có những hành động ngỗ ngược, bướng bỉnh, bố mẹ không nên dung túng mù quáng, nếu không chỉnh sửa cho trẻ, chúng sẽ dễ dàng trở nên hư hỏng, khó dạy dỗ.

3. Lười biếng

Vì thương con cái, có không ít bố mẹ làm tất cả mọi thứ cho con. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy thường lười biếng và không có khả năng tự chăm sóc bản thân.

Bố mẹ không thể lúc nào cũng bên cạnh con cái, vì vậy chúng cần được rèn luyện những kỹ năng cơ bản để có thể tự sống tốt sau này. Trước tiên, bố mẹ cần để trẻ làm việc nhà. Mục đích của việc làm này là để giúp trẻ rèn luyện khả năng tự chăm sóc bản thân một cách cơ bản nhất.

img

Tiến sĩ Maria Montessori tin rằng: “Mục đích cao nhất của việc giáo dục trẻ em là tạo điều kiện cho chúng tự lập, không dựa dẫm vào bố mẹ, tự chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ và hành động của mình”.

Sau 3 tuổi là cột mốc quan trọng để trẻ tự phát triển khả năng sống tự lập, chỉ cần bố mẹ biết buông tay khi cần thiết. Có một số việc trẻ hoàn toàn có thể làm được như tự mặc quần áo, tự đánh răng, ăn uống… mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ.

Việc bố mẹ khuyến khích trẻ tự làm những việc của mình khi còn nhỏ sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ sau này.

4. Không biết kiềm chế ham muốn

Điều kiện sống ngày càng khá giả khiến nhiều bố mẹ dễ dàng đáp ứng được những yêu cầu của con cái. Một số bố mẹ cho rằng đây là biểu hiện của tình thương nhưng nếu mọi việc cứ tiếp diễn trong thời gian dài, trẻ chỉ biết đòi hỏi và xem việc bố mẹ đáp ứng là điều hiển nhiên. Lúc này, một khi bố mẹ không đáp ứng những yêu cầu của trẻ nữa, chúng sẽ trở nên oán hận và bực tức.

img

Nuôi dạy con cái một cách mù quáng về vật chất, đáp ứng mọi yêu cầu vô lý của trẻ sẽ khiến chúng không có khái niệm tiền bạc. Theo thời gian, bố mẹ đang nuôi dưỡng con mình trở thành một đứa trẻ vô ơn.

Ngoài ra, trẻ còn gặp những vấn đề khác trong quá trình lớn lên của mình như đối mặt với nỗi sợ hãi, với khó khăn, nguy hiểm, kiểm soát hành vi, ham muốn… Tất cả những vấn đề này đều có liên quan tới sự tự chủ của trẻ.

Những đứa trẻ có khả năng tự chủ mạnh mẽ sẽ biết cách kìm chế được ham muốn bản thân và kiểm soát được hành vi của mình. Bố mẹ dạy trẻ cách nhận biết và quản lý cảm xúc của mình là nền tảng cho tính tự chủ.

Bố mẹ thông minh sẽ biết nắm bắt cơ hội để con mình trưởng thành một cách đúng đắn. Trên thực tế, những đứa trẻ hư hỏng không phải bẩm sinh, nó hình thành trong quá trình nuôi dưỡng của bố mẹ. Vì thế, ngay khi thấy con mình có dấu hiệu trở nên hư hỏng, bố mẹ cần chỉnh đốn ngay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.