Tại sự kiện ông Trương Quốc Hùng, Giám đốc khách sạn Grand cho biết, hơn 3 năm tổ chức, đến nay đã có 33 đặc sản ẩm thực của 15 tỉnh được giới thiệu thực khách trong nước và quốc tế
Ngày 27/3, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với khách sạn Grand Saigon tổ chức đưa 4 món ăn địa phương, Bún rạm Quy Nhơn (Bình Định), Đuôi bò hầm sâm ba kích trắng (An Giang) và Bún cá, Mì cá chẽm Rạch Giá (Kiên Giang) để giới thiệu đến du khách ở TP.HCM.
Bún rạm Quy Nhơn - Bình Định
Ẩm thực Bình Định, ngoài nem chợ huyện, bún Song Thằn, bánh ít lá gai ngon nức tiếng…, bún rạm Quy Nhơn cũng là một món ngon khó cưỡng đối với những ai đam mê khám phá và thưởng thức đặc sản địa phương.
Đối với người dân miền Trung, bún rạm là món ăn quen thuộc với nhiều gia đình bởi nguyên liệu dễ có. Rạm là một loài thuộc họ cua sống rất nhiều các vùng đầm lầy nước mặn hay các đồng ruộng, cách chế biến cũng rất đơn giản.
Rạm khi được mua về rửa sạch, sau đó cho vào cối giã nhuyễn rồi lọc lấy nước. Để nồi nước ngon và không mất đi hương vị, phải đem nấu ngay trên lửa nhỏ sau khi vừa chế biến xong. Khi nồi nước rạm sôi lên phải nêm nếm gia vị, bỏ thêm một ít ớt, hành, rau thơm vừa với khẩu vị của gia đình thì sẽ có một nồi nước rạm thơm phức. Rạm càng tươi sống thì nước dùng càng ngọt, thơm và giá trị dinh dưỡng càng cao.
Để chiều lòng thực khách, đặc biệt là khách du lịch, một số quán ăn ở Bình Định hiện nay còn cho thêm vào nồi nước dùng một ít trứng, thịt xay hoặc cá rô đồng, cà chua thái lát để tô bún rạm thêm phần bắt mắt.
Tuy nhiên, người sành ăn thường chỉ thích thưởng thức tô bún rạm không pha trộn để cảm nhận hết được hương vị ngọt thơm của con rạm miền Trung.
Bún Cá Kiên Giang
Đĩa rau bắt mắt dùng ăn kèm với bún cá Kiên Giang
Mỳ cá chẽm Rạch Giá với gia vị chấm
Ngoài bún rạm Quy Nhơn, dịp này, Bún cá Kiên Giang và Bún cá chẽm Rạch Giá cũng có mặt trong thực đơn ở khách sạn Grand SaiGon.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, Bún cá ở địa phương này được đánh giá là ngon vì nồi nước lèo được nấu từ xương heo và xương gà, món chính trong tô bún này là cá lóc đồng được mua từ vùng U Minh Thượng.
"Ngoài cá lóc, cá chẽm khá phổ biến và có số lượng lớn ở Kiên Giang, người dân địa phương lại ít ăn cá chẽm vì vị tanh của nó. Để át đi mùi tanh, người chế biến phải tinh tế trong quá trình chọn lựa nguyên liệu, chế biến món ăn. Cá chẽm muốn ngon phải là những con cá nặng từ 7kg trở lên, khi đó thịt cá mới chắc, da cá sẽ dày, dai và giòn" ông Khánh nói.
Thịt cá lóc đồng ở U Minh Thượng được hấp chín, ăn kèm cùng tôm lột được tẩm ướp và rim vừa phải để ăn cùng sẽ khiến cho tô bún cá Kiên Giang thêm tuyệt vời. Càng đúng điệu hơn nếu có thêm chén nước chấm được pha chế từ củ kiệu và ớt bằm, ăn kèm với một đĩa rau sống gồm bắp chuối và rau răm. Đĩa rau bắt mắt dùng để ăn kèm với bún cá Kiên Giang, mì cá chẽm.
Đây là lần thứ 8 Ban tổ chức giới thiệu món ăn đặc sản địa phương, cũng tại sự kiện món đuôi bò tiềm sâm ba kích trắng của An Giang đã được thực khách yêu thích.
Đuôi bò tiềm sâm ba kích trắng hầm An Giang
Được biết, An Giang nổi tiếng là địa phương có ba kích trắng hay ba kích thiên, diệp liễu thảo, đan điền âm vũ, dây ruột gà… là một loại cây mọc hoang phân bố nhiều ở vùng đồi núi thấp của miền núi. Sâm ba kích có tác dụng bồi bổ và tăng cường sức khỏe. Đây là một loại thảo dược chữa bệnh bổ thận, kích thích ăn ngon…
Để đưa loại thảo dược này vào món ăn cho phong phú và nhiều chất dinh dưỡng, đầu bếp phải biết kết hợp với đuôi bò tiềm sâm ba kích hầm trong vòng 2 giờ cho nước lèo có vị ngọt thanh, từ đó tăng thêm vị đặc trưng và bổ dưỡng.
Để món ăn không bị nhàm chán nên dùng kèm với mì trứng và các loại rau sống. Đây không chỉ là một bài thuốc quý mà còn là món ăn mang giá trị dinh dưỡng cao.
Chương trình giới thiệu đặc sản địa phương vào khách sạn 5 sao do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Grand SaiGon triển khai từ năm 2018. Qua hơn 3 năm tổ chức, đến nay đã có 33 đặc sản ẩm thực của 15 tỉnh, thành được giới thiệu thực khách trong nước và quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận