Y tế

6 căn bệnh nguy hiểm các bé có thể mắc phải nếu thường xuyên bị đau bụng

12/11/2022, 16:00

Nếu bé nhà bạn thường xuyên bị đau bụng, đừng nên chủ quan, đó rất có thể là triệu chứng của những căn bệnh nguy hiểm.

Đau bụng là một vấn đề thường gặp ở trẻ em, nguyên nhân có thể do các bé bị nhiễm lạnh hoặc ăn phải đồ ăn bị hỏng, v.v... Trong những trường hợp như vậy, cơn đau thường chỉ kéo dài trong vài ngày là thuyên giảm.

Tuy nhiên nếu bé nhà bạn thường xuyên gặp tình trạng đau bụng, cơn đau kéo dài và ngày càng nghiêm trọng thì phải hết sức cảnh giác bởi rất có thể bé đã mắc phải một trong những căn bệnh nguy hiểm sau.

Viêm ruột thừa cấp tính

Triệu chứng chính của bệnh viêm ruột thừa cấp tính là đau ở vùng thượng vị và vùng xung quanh rốn, đôi khi sẽ xuất hiện những cơn đau thắt kèm theo sốt nóng lên tới 39 độ C.

Sau một thời gian, cơn đau sẽ dần dần di chuyển xuống vùng hố chậu phải, có trường hợp kèm theo đau quặn thắt, sốt cao và nôn mửa.

img

Khi đau trẻ thường nằm co ro và ôm lấy bụng, đổ mồ hôi liên tục.

Khi bị đau, trẻ thường ôm lấy bụng hoặc nằm co người. Đối với những bé quá nhỏ, chưa biết nói hoặc chưa diễn đạt được cơn đau qua lời nói, các phụ huynh nên để ý tới tiếng khóc của trẻ sẽ khác bình thường, trẻ khi đau thường hay cuộn tròn người và đổ mồ hôi liên tục.

Viêm đường ruột

Viêm đường ruột thường rất hay gặp ở trẻ nhỏ, nguyên nhân chủ yếu là do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, dễ bị vi khuẩn, virut tấn công. Bệnh thường khởi phát rất nhanh, có thể gây ra các tình trạng như tiêu chảy, sốt và nôn mửa.

Các loại viêm đường ruột thường gặp ở trẻ bao gồm: Viêm đường ruột do nhiễm vi khuẩn, viêm ruột do nhiễm ký sinh trùng, viêm ruột do truyền nhiễm.

img

Do hệ tiêu hóa còn non nớt, trẻ thường dễ bị vi khuẩn, virut tấn công đường ruột.

Để phòng tránh bệnh này cần thường xuyên vệ sinh bát đũa, bình sữa của trẻ bằng cách luộc chúng trong nước sôi 15 phút để khử trùng.

Ngoài ra cũng nên thường xuyên vệ sinh chăn mền và đồ chơi của trẻ, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, cho trẻ uống đủ nước, ăn uống hợp vệ sinh, ...

Viêm dạ dày mạn tính

Biểu hiện của viêm dạ dày mạn tính là các cơn đau kịch liệt thường xuất hiện bất chợt, tập trung ở vùng xung quanh và trên rốn. Những triệu chứng kèm theo là đau bụng trên, chán ăn, trẻ bị sụt cân, trào ngược axit và nôn mửa.

img

Khi mắc bệnh viêm dạ dày mạn tính, trẻ thường biếng ăn, sụt cân, thường xuyên nôn mửa.

Trong giai đoạn này, cần tránh cho trẻ ăn đồ ăn vặt và rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh. Nếu cơn đau ở quanh rốn và vụng bụng trên diễn ra liên tục thì nên đưa bé đến bệnh viện tiến hành nội soi dạ dày và để bác sĩ đưa ra phương án điều trị.

Lồng ruột

Lồng ruột thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Triệu chứng dễ nhận thấy là trẻ bị nôn mửa đột ngột, đau bụng từng cơn, phân nhão, có thể đại tiện ra máu đỏ hoặc nâu, phân có nước nhầy.

Cần phải nhanh chóng đưa trẻ đi bệnh viện chẩn đoán bằng cách chụp X-quang và siêu âm. Việc tháo lồng ruột cho trẻ cần phải được thực hiện trong vòng 48 giờ để tránh dẫn tới tình trạng tắc ruột.

img

Nếu không điều trị kịp thời, lồng ruột rất nhanh sẽ chuyển biến xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Có nhiều trường hợp do bố mẹ sơ suất, không để ý đến tình trạng sức khỏe của con, khi đến bệnh viện kiểm tra, trẻ đã bị chảy máu hoặc hoại tử ruột. Đến lúc này chỉ có thể điều trị bằng phẫu thuật, vừa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bé lại vừa tốn kém.

Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh do xuất hiện một ống thông nhỏ từ phần ổ bụng xuống vùng bẹn khiến cho dịch ổ bụng hoặc ruột chạy xuống, tạo thành khối phồng to ở bẹn. Ngoài ra bệnh cũng có thể hình thành do trẻ rặn quá nhiều khi bị táo bón hoặc ho liên tục trong thời gian dài.

img

Ngoài nguyên nhân bẩm sinh, trẻ có thể bị thoát vị bẹn do rặn khi bị táo bón hoặc ho liên tục trong thời gian dài.

Biểu hiện của bệnh là xuất hiện một khối u phồng ở vùng bẹn của bé. Bệnh tình có thể chuyển nặng hơn khi khối thoát vị bị nghẹt, không trở lại ổ bụng được, khiến cho vùng u phồng có thể sưng đau, kèm theo đó là những cơn đau bụng quặn thắt dữ dội, nôn mửa. Lúc này cần phải ngay lập tức đưa bé đi bệnh viện khám và điều trị.

Viêm loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em chủ yếu là do nhiễm khuẩn HP (helicobacter pylori). Bệnh thường gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 8 -15 tuổi. Triệu trứng thường gặp khi trẻ mắc bệnh này là đau rát ở vùng bụng giữa xương ức và rốn, buồn nôn và nôn, chán ăn, sút cân,...

Tuy nhiên những biểu hiện này thường rất phổ biến ở trẻ em bị bệnh nói chung, nên các phụ huynh thường chủ quan, không kịp thời phát hiện bệnh của con mình. Do đó, cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện khám lâm sàng và để bác sĩ chẩn đoán bệnh.

img

Viêm loét dạ dày tá tràng thường gặp ở trẻ từ 8 - 15 tuổi.

Trên thực tế, nguyên nhân gây ra đau bụng ở trẻ em còn có rất nhiều như đau bụng giun, viêm cơ tim, các bệnh về hệ nội tiết, sỏi mật, dị dạng đường tiêu hóa, sỏi đường tiết niệu,...

Do đó, cha mẹ cần phải để ý thường xuyên đến sức khỏe và triệu chứng bệnh của con, nên đưa bé đến bệnh viện để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.