Mong con cái thành đạt là tâm nguyện chung của tất cả các bậc cha mẹ. Để con cái có thể chuyên tâm vào chuyện học hành, phần lớn bố mẹ sẽ quan tâm đến sức khỏe mà bỏ qua các yếu tố tinh thần.
Khi nói đến sức khỏe tinh thần của con cái, nhiều bố mẹ không biết phải làm gì. Điều đầu tiên bố mẹ cần chú ý là cách nói chuyện của mình với con cái, đặc biệt cần chú ý tới một số câu nói có thể để lại bóng đen tâm lý cả đời.
1. “Con là niềm hy vọng duy nhất trong gia đình mình”
Có lẽ câu nói này rất quen thuộc trong nhiều gia đình. Có không ít bố mẹ thích đặt hy vọng của cả gia đình vào con cái mình.
Khi biết bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào mình, con cái cảm thấy có quá nhiều áp lực và muốn né tránh.
Khổng Tử từng nói: “Không nên ép người khác làm những điều bản thân không làm được”.
Đành rằng việc học rất quan trọng với con cái nhưng nó không phải là tiêu chí duy nhất để thành công sau này. Trong cuộc sống, ngoài chuyện học, trẻ cần có thái độ sống lạc quan, một trái tim nhân hậu, ý chí kiên cường… Những yếu tố này cũng góp phần không nhỏ tới thành công của một người.
2. “Bố mẹ làm những điều này hoàn toàn vì con”
Câu nói này có lẽ được nhiều bố mẹ nói từ lúc con cái còn nhỏ cho tới lớn. Mỗi khi con cái nghe câu nói này, phản ứng của trẻ không phải sự biết ơn mà là sự khó chịu.
Bố mẹ cứ nghĩ rằng, con cái sẽ cảm động, biết ơn đối với những gì mình làm. Thế nhưng, con cái lại xem điều đó như một “vũ khí” để đe dọa bắt mình nghe lời theo.
3. “Nếu không chịu học thì chỉ có về quê chăn bò thôi con”
Mục đích của bố mẹ nói như vậy là để mong con cái biết sợ hãi mà cố gắng phấn đấu vươn lên. Nhưng trẻ lại nghĩ rằng, đây là câu nói bố mẹ chê bai mình học dốt, không có tương lai nên có học cũng vô ích.
Thay vì khích lệ con cái học hành theo kiểu tiêu cực như thế này, bố mẹ có thể đưa con đến tham quan các trường học nổi tiếng, để chúng tự suy ngẫm và cố gắng, điều này hữu ích hơn rất nhiều.
4. “Bố mẹ là người thân ruột thịt của con, liệu có thể làm hại con sao”
Một số bố mẹ quá gia trưởng, thích quyết định mọi việc thay con cái. Khi con cái cãi lại, họ thường nói “bố mẹ là người thân ruột thịt của con, liệu có thể làm hại con sao” để ép trẻ phải nghe theo lời mình.
Mỗi đứa trẻ đều muốn được tự lập, đặc biệt trong độ tuổi vị thành niên chúng càng có xu hướng muốn tự khẳng định mình hơn. Nếu bố mẹ thường xuyên nói câu này, bên ngoài trẻ có thể vâng lời nhưng sự phản kháng bên trong ngày càng mạnh mẽ hơn.
Bố mẹ có thể nói với con rằng: "Mỗi người đều có quyền quyết định cách sống. Lời nói của bố mẹ chỉ là gợi ý chứ không thể thay con quyết định".
5. “Con nhìn người khác rồi nhìn vào bản thân mình xem”
Khi trẻ làm điều đó không đạt như mong đợi, bố mẹ thường nói câu này để động viên nhưng lại gây phản tác dụng, khiến trẻ bị tổn thương và làm giảm sự tự tin.
Nhiều bố mẹ thường so sánh con mình với “con nhà người ta” nhưng họ có bao giờ nghĩ rằng, con cái mình cũng sẽ so sánh với “bố mẹ nhà người ta”.
Khi trẻ bị điểm kém, gặp khó khăn và rắc rối, điều chúng cần là sự động viên, khẳng định, giúp đỡ của bố mẹ chứ không phải là những lời mỉa mai, chỉ trích. Bố mẹ không nên so sánh con mình với người khác mà nên so sánh với chính bản thân trẻ.
6. “Con không xấu hổ nhưng bố mẹ rất xấu hổ về con”
Trong quá trình lớn lên của trẻ sẽ không tránh khỏi có lúc mắc phải sai lầm. Nếu trẻ có thể học hỏi được từ những sai lầm của mình, điều đó có thể hữu ích hơn việc bị chỉ trích gấp nhiều lần.
Nhiều bố mẹ không giúp con phân tích nguyên nhân sai lầm mà chỉ nhấn mạnh lỗi sai. Điều này có vẻ như bố mẹ đang muốn giáo dục con cái nhưng thực chất họ chỉ đang xả sự bực tức của bản thân.
7. “Đừng có nghĩ con lớn rồi bố mẹ không quản được con”
Con cái khi lớn lên chắc chắn sẽ có những chủ kiến riêng, bố mẹ không nên lúc nào cũng nói những điều như vậy để ép con cái phải nghe theo lời mình.
Câu nói này có thể hữu ích khi trẻ còn nhỏ nhưng khi con cái lớn lên, nó giống như một lời thử thách của bố mẹ, làm khơi dậy sự phản kháng của con cái.
Có nhiều cách để giáo dục con cái, bố mẹ tìm được phương pháp phù hợp để dạy dỗ con mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận