Theo đó, 7 trường đại học thuộc khối kỹ thuật ("nhóm G7" ) gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội chính thức ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác truyền thông.
Nội dung của việc hợp tác sẽ được hướng đến 4 trọng tâm chính: Phối hợp truyền thông các sự kiện và các hoạt động chung được tổ chức bởi 7 trường như: truyền thông tuyển sinh, tổ chức các chương trình giới thiệu trực tuyến và quảng bá ngành nghề của nhóm 7 trường tới công chúng; truyền thông các hoạt động khoa học công nghệ của 7 trường.
Đại diện lãnh đạo 7 trường cùng ký kết hợp tác. Ảnh: Quang Phương.
Ngoài ra, các trường còn hợp tác và cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu.
Cụ thể hàng năm tổ chức tập huấn truyền thông cho lãnh đạo và cán bộ truyền thông của 7 trường; Lập kênh fanpage chung của 7 trường, luân phiên mỗi trường có 1 bài truyền thông/tuần về các hoạt động chung của 7 trường, tiến đến mục tiêu xây dựng trang web của nhóm 7 trường; Phối hợp xây dựng cơ chế tổ chức thông tin chung của 7 Trường nhằm đảm bảo an toàn thông tin, bản quyền và sở hữu trí tuệ.
Phát biểu tại lễ ký kết, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục đào tạo) cho rằng: Việc gia tăng sức mạnh cộng hưởng trong công tác truyền thông, truyền tải các thông điệp, chính sách của ngành giáo dục đến cho phụ huynh, xã hội là việc rất tốt.
Việc gia tăng hợp tác của 7 trường đại học lớn thuộc khối kỹ thuật là mô hình cần nhân rộng.
Bởi sự hợp tác trên mang đến rất nhiều lợi ích không chỉ về mặt thương hiệu, công tác tư vấn tuyển sinh, định hướng ngành nghề, mà quan trọng hơn sự hợp tác này sẽ tạo sức mạnh lan tỏa và truyền tải thông điệp tốt đẹp, những cố gắng của ngành giáo dục đến phụ huynh, học sinh một cách đầy đủ hơn.
"Có một thực tế hiện nay là ngành giáo dục có rất nhiều đổi mới và dấu ấn tích cực.
Toàn ngành đã và đang thực hiện được rất nhiều đổi mới nhưng công tác truyền thông và truyền tải vẫn còn hạn chế, chưa ghi nhận đầy đủ những cố gắng và dấu ấn của ngành.
Vì vậy, việc các trường liên kết, hợp tác cùng nhau để tạo nên sức mạnh truyền tải những điểm tốt, những mặt tích cực của ngành là rất đáng quý"- PGS.TS Thủy nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm với báo chí về mục tiêu và hướng trọng tâm trong hợp tác của 7 đơn vị, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Mục tiêu của hợp tác là xây dựng một cộng đồng "G7" đoàn kết, có định hướng và chiến lược bài bản trong truyền thông để qua đó đưa đến cho thí sinh những thông tin đúng đắn, chính xác nhất về chương trình đào tạo, ngành nghề tuyển sinh và các chính sách của ngành, của trường.
Được biết, trước đó ngày 27/6/2020 tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), "nhóm G7" đã cùng nhau ký kết về một số nguyên tắc phát triển các chương trình đào tạo kỹ sư như số tín chỉ, mô hình đào tạo và tiêu chuẩn các chương trình chung.
Tiếp đó, ngày 22/1/2021, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhóm "G7" lại cùng nhau ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác toàn diện, thúc đẩy và hỗ trợ nhau cùng phát triển trong giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Sự hợp tác toàn diện của nhóm "G7" từ chương trình đào tạo, truyền thông cho đến đổi mới chương trình đào tạo, chuyển đổi số... được kỳ vọng sẽ tạo sức bật lớn cho các trường, giúp hội nhập sâu rộng hơn với quốc tế và định hình được một nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận