Chiều 5/10, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có buổi làm việc với tổ chức Vital Strategies về chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức về an toàn giao thông (ATGT) tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia và bà Sandra Mullin, Phó chủ tịch, phụ trách Truyền thông và Vận động chính sách toàn cầu của Vital Strategies cùng các thành viên trong đoàn làm việc đã thảo luận về các thách thức, định hướng vai trò của truyền thông trong việc nâng cao ATGT.
TS Trần Hữu Minh cho biết, từ đầu năm 2023, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có kế hoạch, chiến lược tổng thể cho công tác tuyên truyền nâng cao ATGT tại Việt Nam. Trong đó đẩy mạnh ứng dụng, đào tạo và chuyển giao công nghệ, tổ chức các buổi hội thảo bồi dưỡng, tăng cường năng lực truyền thông cho các bộ, ban, ngành liên quan.
Ủy ban cũng thực hiện các phân tích, đánh giá chi tiết về tình hình nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông Việt Nam và sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm phục vụ các chiến lược ATGT.
Chia sẻ tầm nhìn của Ủy ban ATGT Quốc gia, bà Sandra Mullin cho rằng, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong công tác đảm bảo ATGT, nâng cao ý thức chấp hành của người dân về ATGT đường bộ.
Vị chuyên gia đánh giá cao sự chủ động của Ủy ban ATGT Quốc gia và đề nghị Ủy ban tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, cho ra các số liệu báo cáo, minh chứng cụ thể, phục vụ cho chiến lược truyền thông sắp tới. Đặc biệt chú ý phân loại cụ thể đối tượng mục tiêu, từ đó có các giải pháp truyền thông phù hợp cho từng nhóm người và có sự kết nối giữa các nhóm.
Theo TS Trần Hữu Minh, nghiên cứu của Ủy ban cũng cho thấy các nhóm đối tượng có liên hệ mật thiết. Ông đưa ví dụ cụ thể, có tới 97% vụ việc vi phạm nồng độ cồn liên quan tới nhóm nam giới. Tuy nhiên nếu thông qua nữ giới để tác động tới nam giới, các chuyên gia bước đầu đánh giá hiệu quả rất rõ rệt.
Chia sẻ kinh nghiệm, đại diện Vital Strategies đề xuất, các thông điệp truyền tải trước hết cần tập trung vào các hành vi vi phạm phổ biến như nồng độ cồn, vượt tốc độ hoặc không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Sử dụng các câu chuyện có thật, cùng với nhân chứng, nạn nhân... để tác động mạnh tới số đông. Trong đó, nên tập trung truyền thông vào đối tượng nạn nhân là trẻ em.
Thông điệp vừa phải được truyền tải trên các nền tảng công nghệ mới như báo điện tử, mạng xã hội, podcast… vừa duy trì các phương thức truyền thống như truyền hình, phát thanh, báo giấy. Các đoạn phim mang tính hài hước, bắt kịp xu hướng mạng xã hội đều luôn thu hút đông đảo lượt xem.
Bà Sandra Mullin đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện liên tục, lặp lại các chiến dịch truyền thông về ATGT và gắn kết chặt chẽ với cưỡng chế hành vi. Phó chủ tịch Vital Strategies chia sẻ kinh nghiệm mới nhất về truyền thông an toàn giao thông tại Australia, Colombia và khẳng định các bộ ban ngành cần phối hợp, đưa ra các chính sách pháp luật rõ ràng, dựa trên tình hình thực tế của từng khu vực đi cùng với các chế tài đảm bảo người dân chấp hành ATGT mới đem lại hiệu quả thay vì chỉ trông chờ sự thay đổi ý thức.
Kết thúc buổi làm việc, TS Trần Hữu Minh cảm ơn những góp ý của Vital Strategies cho Việt Nam và cho biết thời gian tới, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ ban ngành địa phương nhằm triển khai hiệu quả các kế hoạch nâng cao ATGT, nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận