Thị trường

ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam

26/09/2017, 17:36

ADB dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt 6,3%, thấp hơn so với dự báo trước đó.

adb-ha-du-bao-tang-truong-cua-viet-nam

ADB dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt 6,3%, thấp hơn so với dự báo trước đó

Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) ngày 26/9 cho biết, GDP của Việt Nam tăng 5,7% trong sáu tháng đầu năm 2017, nhỉnh hơn một chút so với sáu tháng đầu năm 2016.

Theo ADB, tăng trưởng GDP có khả năng vẫn duy trì được khá tốt trong sáu tháng cuối năm 2017 dù hoạt động của ngành khai thác khoáng sản tiếp tục giảm sút và sẽ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng.

Trong Báo cáo cập nhật ngày 26/9, ADB đã giảm dự báo kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,3% cho năm 2017. Tăng trưởng 2018 cũng được ABD dự báo chỉ còn 6,5%, giảm 0,2% so với dự báo trước đây.

Sản lượng khai thác khoáng sản được dự báo sẽ khôi phục nhẹ nhưng ADB lại dự báo khai thác dầu thô sẽ xuống mức thấp nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Các chỉ số kinh tế khác được dự báo sẽ mạnh trong năm sau. Trong đó, đơn hàng tồn đọng tăng lên vào tháng 7 (tốc độ cao nhất trong 6 năm) trong khi lượng hàng tồn kho thành phẩm giảm xuống cho thấy các doanh nghiệp sẽ tăng sản lượng trong những tháng tới.

Các ngành khác cũng được dự báo tăng khá như nông nghiệp được dự báo đạt khoảng 3% cho cả năm 2017.

Theo báo cáo của ADB, lạm phát đã có xu hướng tăng những tháng gần đây và được “tiếp nhiệt” bởi động thái giảm lãi suất, cầu trong nước mạnh và tăng trưởng GDP tốt. Kế hoạch tăng giá và phí dịch vụ giáo dục và y tế, tăng lương tối thiểu 6,5% có hiệu lực vào năm 2018 sẽ gia tăng áp lực lạm phát.

Lạm phát cả năm 2017 được ADB dự báo trung bình ở mức 4,5%, tiếp tục tăng lên 5,5% trong năm 2018, cao hơn 1% so với dự báo hồi tháng 4.

Do tăng thu ngân sách cao hơn kỳ vọng, nên mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3,5% GDP trong năm 2017 và 4,0% trong năm 2018 của chính phủ được ADB đánh giá là khả thi. “Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào những nỗ lực đốc thu tiếp theo và việc kiểm soát chặt chẽ hơn chi ngân sách cho tiền lương và các khoản chi thường xuyên khác”, báo cáo có đoạn.

ADB cho rằng, nợ công hiện nay đã chạm trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, nên kỷ luật ngân sách yếu đi sẽ đe doạ quá trình củng cố tài khoá và bền vững nợ. Tương tự như vậy, bất kỳ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nào cũng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề nợ xấu vốn đã và đang là vấn đề nghiêm trọng của hệ thống ngân hàng.

“Nghị quyết mới đây của Quốc hội đã xác định đúng đắn các biện pháp giải quyết một số rào cản pháp lý đang ngăn trở việc xử lý nợ xấu một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang siết chặt quản lý đối với hệ thống ngân hàng, thông qua áp dụng các chuẩn mực Basel II. Để đảm bảo các biện pháp này đạt được hiệu quả, cần nới lỏng những quy định kiểm soát quá chặt hiện nay đối với sở hữu nước ngoài”, các chuyên gia ADB khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.