Pháp luật

Ai bồi thường 320 xe máy đang tạm giữ bị cháy?

10/04/2017, 07:37

Báo Giao thông ghi nhận ý kiến một số luật sư xung quanh vấn đề này.

3

Hiện trường vụ cháy bãi giữ xe vi phạm

Sáng 8/4, một vụ cháy lớn xảy ra tại bãi giữ xe vi phạm của công an thuộc địa phận phường Tam Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai) khiến 320 xe các loại bị cháy rụi hoàn toàn. Vậy ai sẽ bồi thường thiệt hại? Cách thức bồi thường ra sao? Báo Giao thông ghi nhận ý kiến một số luật sư xung quanh vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM):

Thấy không thỏa đáng, có thể kiện ra tòa

Xe bị tạm giữ tại bãi giữ xe của công an là những tài sản của chủ phương tiện đang bị tạm giữ để xử lý hành chính. Nên nếu xảy ra sự cố gây thiệt hại thì trước hết trách nhiệm thuộc về cơ quan đang tạm giữ phương tiện. Cơ quan giữ phương tiện này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại giá trị của chiếc xe cho chủ xe theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và đây là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nguyên tắc bồi thường là phải bồi thường toàn bộ và kịp thời, có thể thỏa thuận để thống nhất việc bồi thường.

Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm bồi thường cũng có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý. Việc này phải được sự thống nhất sau khi hai bên tự thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp nếu mức bồi thường không phù hợp thực tế thì bên bị thiệt hại có thể yêu cầu toà án đứng ra xác định và giải quyết việc bồi thường. Trong trường hợp chứng minh có người, tổ chức cố ý làm hư hỏng tài sản thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định trong Bộ luật Hình sự.


Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM):

Không phải bồi thường nếu cháy do “bất khả kháng”

Khoản 2, điều 6, Nghị định 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính quy định: “Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy, nổ và đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường”.

Về trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, Điều 9, Nghị định 115 quy định: “Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện”. Nhưng không thấy quy định nào quy định riêng về mức bồi thường trong trường hợp bị cháy, nổ.

Tuy nhiên, căn cứ vào Bộ luật Dân sự, chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì hoàn toàn có thể buộc người có hành vi gây thiệt hại về tài sản phải bồi thường. Trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Bên cạnh đó, nếu có căn cứ xác định được người bồi thường thì cơ sở để tính giá trị bồi thường là tương đối phức tạp, vì khi lập biên bản giữ phương tiện, các bên thường không ghi nhận hiện trạng thực tế của phương tiện.


Luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Sẽ có hội đồng định giá tài sản thiệt hại

Nếu xác định được trách nhiệm bồi thường, mức bồi thường sẽ dễ xác định vì căn cứ vào biên bản tạm giữ phương tiện, xác định đó là loại phương tiện nào, mua từ năm bao nhiêu, từ đó trừ đi mức khấu hao sẽ ra giá trị phương tiện phải bồi thường.

Nguyên nhân nếu do cơ quan công an có lỗi bảo quản dẫn đến thiệt hại thì công an sẽ dùng tiền ngân sách đền bù. Vì thế, họ không thể thích thoả thuận đền bù thế nào cũng được mà phải căn cứ vào luật, có cả hội đồng định giá tài sản cũng như có cuộc họp giữa liên ngành đánh giá thực tế thiệt hại xảy ra rồi mới đưa ra được mức bồi thường.


Luật sư Tạ Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):

Tiền bồi thường lấy từ ngân sách

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do đơn vị quản lý xe vi phạm thực hiện. Nguyên tắc trong bồi thường thiệt hại về tài sản là 2 bên tự thoả thuận với nhau, nếu không đồng ý và thống nhất được có thể khởi kiện ra toà. Tiền bồi thường sẽ là tiền được trích từ ngân sách Nhà nước.

Quy trình đòi bồi thường là sau vụ cháy phải tiến hành giám định thiệt hại, thống kê thiệt hại để thông báo cho chủ sở hữu tài sản, đưa ra phương án giải quyết mức bồi thường. Trường hợp nếu chứng minh lỗi do công tác PCCC thì người gây ra thiệt hại, người có lỗi trực tiếp do không làm hết trách nhiệm để xảy ra lỗi sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu vụ cháy do nguyên nhân chủ quan của con người thì người được giao quản lý phương tiện vi phạm phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, ngoài ra sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 285 Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp chứng minh được cháy do nguyên nhân bất khả kháng, theo quy định của pháp luật thì đơn vị đó không phải bồi thường, vì thiên tai, địch họa do bất khả kháng sẽ được loại trừ trong bồi thường thiệt hại. Trường hợp này, nếu chủ xe cơ giới có tham gia bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm sẽ chi trả theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp không đồng ý với cách giải quyết này thì có thể khởi kiện ra tòa án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.