Đường bộ

Ai chịu trách nhiệm bảo trì QL18 qua TP Hạ Long?

19/03/2021, 10:00

Đoạn tuyến mà UBND TP Hạ Long đầu tư nâng cấp, mở rộng có nguy cơ bị bỏ hoang sau khi hết thời gian bảo hành, không có đơn vị quản lý bảo trì.

img

Đoạn tuyến QL18A được TP Hạ Long nâng cấp, mở rộng Ảnh: Quang Minh

Việc UBND TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) sử dụng nguồn vốn địa phương đầu tư dự án cải tạo, mở rộng QL18 đoạn từ nút giao đường Hoàng Quốc Việt đến cầu Bãi Cháy khiến đoạn tuyến qua thành phố này có nguy cơ bị bỏ hoang sau khi hết thời gian bảo hành, không có đơn vị quản lý bảo trì.

Không đủ căn cứ để nhận bàn giao

Bộ GTVT vừa có văn bản từ chối nhận bàn giao đoạn tuyến QL18 qua địa bàn TP Hạ Long do thành phố này sử dụng nguồn vốn khoảng 500 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để đầu tư dự án cải tạo, mở rộng QL18 đoạn từ nút giao đường Hoàng Quốc Việt (Km 107+283) đến cầu Bãi Cháy (Km 114+927) từ đường hiện hữu cũ 4 làn xe thành 6 - 10 làn xe khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, không phù hợp với các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Bộ GTVT không đủ thẩm quyền tiếp nhận quản lý, vận hành khai thác.

Từ việc nêu trên, đoạn tuyến mà UBND TP Hạ Long đầu tư nâng cấp, mở rộng có nguy cơ không có đơn vị quản lý bảo trì. Theo lãnh đạo UBND TP Hạ Long, do thời điểm thực hiện dự án này từ lâu, thuộc thời kỳ trước nên không thuộc thẩm quyền.

“Có thể thành phố đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền. TP Hạ Long đang chuẩn bị toàn bộ tài liệu để báo cáo xin ý kiến của tỉnh”, vị này cho hay.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cho hay: TP Hạ Long thực hiện dự án không xin ý kiến của Bộ GTVT.

Đến nay họ đề nghị Bộ GTVT nhận lại nhưng Bộ không có căn cứ để nhận. Trước đây, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ GTVT quản lý, bảo trì hai làn đường cũ và Quảng Ninh bảo trì làn đường mới.

Tuy nhiên, tuyến quốc lộ này trước đây chỉ có 2 làn đường. Khi UBND TP Hạ Long mở rộng nhưng lại không làm từ tâm đường cũ nên không xác định được 2 làn của tuyến đường cũ nằm ở đâu.

“Dự án đang trong thời gian nhà thầu bảo hành trong thời gian 3 năm, trước mắt tỉnh Quảng Ninh tạm thời dùng nguồn vốn của tỉnh quản lý, bảo trì. Khi hết bảo hành, việc quản lý bảo trì, đến thời kỳ trung hay đại tu phải rõ ràng. Về lâu dài phải xử lý dứt điểm bằng việc xác lập được chủ sở hữu là Bộ GTVT hay tỉnh Quảng Ninh”, ông Minh cho biết.

Cho biết QL18 là tuyến đường qua đô thị do nhà đầu tư BOT quản lý, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, cách giải quyết vấn đề là tỉnh Quảng Ninh sẽ góp vốn với Trung ương cùng quản lý bảo trì. Phần mặt đường địa phương và Trung ương chia nhau cùng quản lý.

Lòng đường cũ trước đây do Bộ GTVT quản lý. Việc xác định làn đường cũ không khó, việc này có thể căn cứ vào hồ sơ hoàn công của tuyến đường cũ.

Phần mở rộng thêm bao nhiêu thì tỉnh Quảng Ninh sẽ quản lý, bảo trì và quản lý luôn phần vỉa hè, điện chiếu sáng theo quy chế đường đô thị. Về lâu dài, sau khi hết thời hạn dự án BOT, tỉnh Quảng Ninh vẫn đóng kinh phí quản lý, bảo trì tương tự.

Nghiên cứu cơ chế chung cho cả nước

Tìm hiểu của PV cho thấy, Luật Ngân sách năm 2015 quy định, các tỉnh, thành phố chỉ được dùng vốn ngân sách đầu tư cho những tuyến đường địa phương quản lý, không được dùng để đầu tư các tuyến đường Trung ương quản lý.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, Luật Ngân sách quy định nguyên tắc nguồn vốn dùng vào mục đích gì, thẩm quyền đến đâu. Phải xem xét trách nhiệm của cán bộ tham mưu cũng như lãnh đạo UBND TP Hạ Long trong việc sử dụng sai ngân sách.

“Đây là việc đã rồi, con đường đã được làm và mang lại giá trị sử dụng cho xã hội. Bộ GTVT và tỉnh Quảng Ninh không thể tự giải quyết, cần báo cáo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo”, luật sư Cường nói.

Đề cập đến khả năng Chính phủ cho phép Bộ GTVT trích tiền ngân sách trả Quảng Ninh, ông Cường cho rằng, nguồn vốn của Bộ GTVT đã có kế hoạch chi cho từng công trình cụ thể, trong đó ưu tiên cho công trình giao thông trọng điểm quốc gia, nay phải phân bổ cho một đoạn đường chưa cần thiết, ảnh hưởng đến mục tiêu, kế hoạch sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Còn theo Luật sư Đoàn Văn Hướng, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cần xem xét trước khi UBND TP Hạ Long đầu tư, nâng cấp tuyến đường này chất lượng thế nào, có hư hỏng hay không, có nhu cầu cần phải sửa chữa nâng cấp hay không. Sau khi xác định thẩm quyền, mục đích của UBND TP Hạ Long, tiếp tục giám định có thiệt hại hay không và xác định trách nhiệm.

Nhấn mạnh về bản chất kết cấu hạ tầng giao thông đều là tài sản công, ông Lê Hồng Điệp cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là nên ứng xử sao cho đạt được lợi ích chung.

“Đến lúc nào đó nên bàn giao lại đoạn tuyến này cho tỉnh Quảng Ninh quản lý, bảo trì”, ông Điệp nói và lý giải: Nhiều địa phương kinh tế phát triển muốn dùng ngân sách địa phương để cải tạo hạ tầng giao thông qua địa bàn, nhất là các đoạn tuyến qua đô thị và đề nghị chuyển cho tỉnh quản lý. Đơn cử như Bắc Giang đề nghị dùng ngân sách địa phương cải tạo QL31. Tỉnh Vĩnh Phúc nhận lại bàn giao QL2B để quản lý, bảo trì. Đồng Nai đề nghị chuyển QL1 đoạn qua TP Biên Hòa.

“Trước đây, Bộ GTVT cũng quản lý bảo trì các tuyến đường của Hà Nội nhưng sau khi có Luật Thủ đô chuyển giao hết lại cho Hà Nội. Với TP HCM cũng tương tự. Bản chất ở các tỉnh cũng giống như chuyển cho Hà Nội và TP HCM quản lý, chỉ khác là cấp quản lý, trình tự thủ tục. Vì vậy, cần có quy chế chung để chuyển quốc lộ qua đô thị cho các địa phương quản lý”, ông Điệp nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.