Đình Lương Xá trước khi bị phá dỡ (Ảnh do nhà nghiên cứu di sản Nguyễn Hoài Nam chụp năm 2016) |
Ông Vinh phân tích, dân rất quý đình nên mới đóng góp tu sửa, xây dựng đình. Người dân còn quan tâm tới ngôi đình của mình hơn cả “mấy ông trên huyện, trên thành phố”. “Cách đây mấy năm có tu bổ đình bằng gỗ nhưng đình vẫn xuống cấp nên mới xây dựng lại. Và người dân nghĩ rằng xây dựng đình bằng bê tông thì tốt hơn. Từ tâm thức rất yêu quý đình, đừng chỉ trích dân khi họ muốn có một ngôi đình mới bằng tiền của chính họ”, ông Vinh nói.
Theo KTS. Lê Thành Vinh, việc đình Lương Xá bị phá bỏ nên được coi là một tai nạn. Trong đó, trách nhiệm chính thuộc về cán bộ từ cấp huyện tới thành phố, chứ không phải trách nhiệm chính ở phía các cụ bô lão trong làng hay chính quyền xã. Bởi các vị trưởng lão trong làng hay người dân chỉ muốn tốt cho làng. “Người dân không cố tình phá đình. Người dân có tâm thức tốt khi xây đình. Chỉ có điều, họ xây không đúng cách theo như những người làm di sản nói. Còn cán bộ xã chỉ theo dân”, ông Vinh nói.
Trước khi tu sửa, xây dựng lại đình, xã Liên Bạt đã có văn bản xin ý kiến huyện Ứng Hòa. Cán bộ huyện dường như đã làm đúng trách nhiệm của mình khi gửi xuống một công văn yêu cầu phải làm đúng quy trình, phải làm hồ sơ xin phép gửi lên Sở VH-TT. “Đáng ra cán bộ huyện phải xuống, cùng với cán bộ xã, cùng với dân xem xét sẽ chặn được việc phá hoại này. Lỗi nặng nhất là ở cán bộ huyện. Khi gửi văn bản báo cáo lên huyện xin làm, người ta chưa phá đình đâu. Nhưng vì sự tắc trách của cán bộ huyện nên mới phá được”, ông Vinh nhấn mạnh.
Theo KTS. Vinh, các cơ quan quản lý phải làm sao để người dân tự nguyện giữ gìn di sản. Để làm được điều đó tất cả do cơ chế quản lý di tích. “Vì sao người dân Hội An tự nguyện giữ di sản như vậy. Do cơ chế hết. Có phải dân Hội An thông thái hơn, có văn hóa hơn dân nơi khác đâu. Nhưng cách làm quản lý di sản đúng đắn đã giúp cho người dân ở đây tâm đắc với việc giữ gìn di sản. Giữ di sản ở Hội An còn khó hơn nhiều so với các nơi khác. Bởi di sản ở đây động đến từng ngôi nhà dân, từng phòng ăn, căn bếp của người dân. Vậy mà dân ở đây lại đồng lòng giữ gìn di sản. Đó là do cách quản lý di sản ở đó thích ứng với cuộc sống”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận