Hỏi:
Tôi ngoài 40, trong gia đình có người thân từng điều trị ung thư cổ tử cung. Vậy tôi có nên tầm soát bệnh lý này không, thưa bác sĩ?
Trần Thị Hồng (Hà Nội)
BSCKII Trần Xuân Vĩnh, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trả lời:
Người bệnh cần đi tầm soát ung thư cổ tử cung khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: xuất huyết âm đạo bất thường; Dịch âm đạo nhiều bất thường, có mùi hôi, có màu xanh, vàng hoặc có lẫn máu; Đau khi quan hệ; Đau vùng xương chậu hoặc vùng lưng dưới; Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt; Rối loạn tiểu tiện, có lẫn máu trong nước tiểu; Khi khối u chèn ép vào các dây thần kinh ở chân gây ra tình trạng sưng đau.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACCS) và cơ quan Y tế Dự phòng Hoa kỳ (USPSTF), việc tiêm vaccine có khả năng phòng ngừa, hạn chế tác động của các virus HPV đối với cơ thể. Tuy nhiên, cần thực hiện đồng thời các xét nghiệm sàng lọc, tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để tăng hiệu quả phòng nguy cơ ung thư.
Cũng cần lưu ý những người nên thực hiện tầm soát sớm ung thư cổ tử cung gồm: phụ nữ trong độ tuổi trung niên, có nguy cơ cao và chưa thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung trước đó. Tuy nhiên, phụ nữ từ 21 tuổi cũng có thể thực hiện xét nghiệm tầm soát.
Phụ nữ viêm nhiễm phụ khoa mạn tính, quan hệ tình dục sớm, quan hệ không lành mạnh và có nhiều bạn tình, mang thai nhiều lần hoặc mang thai khi tuổi còn quá trẻ (trước 20 tuổi), có tiền sử mắc các bệnh lý lây qua đường tình dục như giang mai, HIV... cũng có thể tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Nếu có dấu hiệu bất thường nên tầm soát ung thư sớm. Ngoài ra, các trường hợp bị suy yếu hệ miễn dịch hoặc hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích cũng cần tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
Tầm soát ung thư cổ tử cung có vai trò quan trọng, giúp phát hiện bệnh sớm và cải thiện đáng kể tỷ lệ điều trị thành công, ngăn ung thư tiến triển, di căn tới các khu vực lân cận và điều trị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận