Riêng 1 thành phố, hơn 11.300 người thiệt mạng
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), tính đến ngày 15/9, đã có hơn 38.640 người ở Đông Bắc Libya phải di dời khỏi các khu vực bị lũ lụt nặng nề.
Trong đó, thành phố cảng Derna là thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất trong trận lũ lụt tồi tệ vừa qua ở quốc gia Bắc Phi này khi đã có 2.217 tòa nhà tại đây bị phá hủy.
Cũng riêng ở thành phố này, hãng tin AP dẫn thông báo của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya cho biết, số người thiệt mạng vì bão đã lên tới 11.300 tính đến ngày 14/9 (theo giờ địa phương).
Ngoài con số thiệt mạng ở thành phố Derna, khoảng 170 người khác ở các khu vực khác của Libya đã thiệt mạng vì bão Daniel.
Giới chức dự báo số người thiệt mạng sẽ tiếp tục tăng do vẫn còn khoảng 10.100 người mất tích.
Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh quốc gia Libya, ông Haider al-Sayeh, các cơ quan chức năng cần phải sơ tán khẩn cấp người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt.
Đã có ít nhất 55 trường hợp ô nhiễm nước được báo cáo ở thành phố Derna do nước uống bị hòa lẫn với nước thải.
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến con số thiệt mạng vì bão lũ nghiêm trọng nhất, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cho rằng, hai nguyên nhân chính là do tác động của biến đổi khí hậu và thiếu năng lực ứng phó khẩn cấp trước thảm họa.
Tranh cãi về việc tiến hành chôn tập thể
Trước tình trạng khẩn cấp này, Bộ trưởng Y tế chính quyền miền Đông Libya, ông Othman Abduljaleel cho biết, cơ quan này đang phối hợp để an táng nạn nhân tại các hố chôn tập thể bên ngoài thành phố Derna cũng như tại các thị trấn và thành phố gần đó.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhóm hỗ trợ khác cho rằng, an táng các nạn nhân của thảm họa lũ lụt tại các hố chôn tập thể có thể gây ra những hậu quả nặng nề về mặt xã hội, pháp lý cũng như gây ra nỗi đau tinh thần về lâu về dài đối với thân nhân gia đình của nạn nhân.
WHO đưa ra quan ngại trên trong tuyên bố chung với các tổ chức khác gồm Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.
Trong văn bản này, WHO cũng kêu gọi giới chức Libya không nên vội vàng đào những hố chôn tập thể hoặc hỏa táng tập thể. Theo LHQ, kể từ khi xảy ra thảm họa, đã có hơn 1.000 nạn nhân được an táng theo hình thức nói trên.
Để hỗ trợ Libya, Phó Tổng Thư ký LHQ thông báo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ đã điều nhóm ứng phó thảm họa gồm 15 người đến đây.
Ngoài ra, ông Griffiths cho rằng chưa thể xác định chính xác và cụ thể mức độ thiệt hại do thảm họa gây ra, do có hai chính quyền đối địch cùng tồn tại ở Libya cung cấp những số liệu khác nhau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận