Kinh tế

Ám ảnh những khu trọ chật hẹp giữa Thủ đô

28/05/2024, 08:19

Thông tin về vụ cháy ở Trung Kính khiến cộng đồng đau xót, tiếc thương cho 14 nạn nhân xấu số. Nhiều người cũng không khỏi lo lắng khi đang phải sống trong những căn nhà trọ thiếu an toàn.

Biết nguy hiểm vẫn phải chấp nhận

Lên Hà Nội sinh sống được gần 10 năm chị L.T.H (quê Thanh Hóa) hiện vẫn sống trong khu nhà trọ cũ hơn 10m2 trong một ngách nhỏ ở khu vực Mỹ Đình với giá 2 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước.

“Tôi đã nhiều lần nghĩ nếu cháy thì xoay xở thế nào trong cái “chuồng cọp” này?”, chị H nói và cho biết, đang tìm chỗ trọ mới xa khu trung tâm, giá phòng vừa rẻ, vừa rộng rãi chứ không muốn tiếp tục phải sống thấp thỏm như hiện nay. Nhưng chị cũng phải cân nhắc rất nhiều, bởi chỉ với thu nhập gần 7 triệu đồng/tháng, sẽ không dễ để thực hiện ý định.

Ám ảnh những khu trọ chật hẹp giữa Thủ đô- Ảnh 1.

Nhiều dãy nhà cho thuê có diện tích con ngõ chỉ vừa 1 chiếc xe máy khiến công tác PCCC gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, anh Ngọc (quê Quảng Ninh) cũng trải qua 4 năm sống trọ trong căn phòng rộng hơn 12m2 với 2 người khác ở khu vực Triều Khúc (Thanh Trì). Căn phòng ở tầng 1, không có cửa sổ, chỉ có lỗ thoáng nhỏ bằng 2 viên gạch.

Theo anh Ngọc, khu Triều Khúc tập trung đông sinh viên, có nhiều trường học, bệnh viện, phòng nào cũng dùng bếp gas, chỗ để xe chật ních, có khi còn phải trèo lên xe để mở cửa. Đó cũng là lối thoát nạn duy nhất của khu trọ.

“Tôi lên đây chạy xe ôm công nghệ. Chạy từ sáng đến tối, trừ hết chi phí mỗi tháng còn khoảng hơn 6 triệu đồng nên bắt buộc phải tìm chỗ trọ rẻ. Làm gì có ai muốn sống ở nơi chật chội, nguy hiểm đâu. Hoàn cảnh buộc mình phải chấp nhận”, anh Ngọc ngậm ngùi.

Quan trọng nhất là ý thức

Theo một cán bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phòng cháy chữa cháy (Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an), nhận thức về pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn hạn chế, đặc biệt về những điều liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản.

Theo vị này, về trang thiết bị tại chỗ, có đến khoảng 80% các hộ dân chưa trang bị. Mặt nạ phòng độc là thiết bị rất có tác dụng, nhưng chưa thấy người nào sử dụng để băng qua đám cháy thoát khỏi tầng một.

Ám ảnh những khu trọ chật hẹp giữa Thủ đô- Ảnh 2.

Những dãy trọ chật hẹp xếp đầy xe cộ trên phố Trung Kính.

Còn Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Công tác phòng cháy (Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an) đánh giá, vấn đề nan giải nhất nằm ở cầu thang hở. Trong đó, tầng một và tầng hầm thường được sử dụng để làm nơi để xe. Khi xảy ra cháy nổ, khói sẽ dần lan lên các tầng phía trên, gây ngạt, khiến việc triển khai lực lượng cứu nạn gặp khó khăn.

“Khi số người ở nhiều hơn, nhu cầu sử dụng vật dụng bằng điện cũng tăng lên như điều hòa, bếp điện… kéo theo công suất truyền tải điện tăng cao. Nếu không cải tạo đường dây điện để phòng tránh nguy cơ quá tải đường truyền, nguy cơ chập điện sẽ cao hơn. Cháy lan nhanh còn do nguyên nhân các xe để sát vào nhau”, Trung tá Hải phân tích.

Sau vụ hỏa hoạn tại nhà trọ trên đường Trung Kính khiến 14 người tử vong, Công an Hà Nội đề nghị ban quản lý, chủ (người đại phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về điều kiện an toàn tại công trình do mình làm chủ.

Theo khuyến cáo của lực lượng công an, nơi để xe phải đúng vị trí quy định, không vượt quá số lượng cho phép; không để chung với vật dụng dễ cháy, nổ, các thiết bị điện (tủ điện, máy bơm…). Đảm bảo có lối thoát an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người thuê trọ.

Với người thuê nhà, không nên sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; không sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm.

Thiết kế phòng trọ theo lối mở

Có hơn 20 phòng trọ cho thuê trong nhà 3 tầng và hiện có khoảng 30 khách, căn nhà của bà Nguyễn Thị Mùi cách đám cháy ở Trung Kính 500m. Bà cho biết, ngôi nhà được thiết kế ban công mở, không rào chắn.

Chủ nhà trọ này khá tự tin cho biết, nếu có hỏa hoạn, người trong nhà có thể thoát ra phía ban công chính hoặc từ ban công phía hông nhà có thể nhảy sang ban công nhà hàng xóm.

Ngoài ra, nhà bà Mùi còn có 2 cửa ra vào ở 2 phía khác nhau và đã trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Tương tự nhà bà Mùi, nhà bà Nguyễn Thị Thủy cũng có 15 phòng cho thuê ở ngõ 75 Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy). Tầng 1 là nơi để xe, các tầng còn lại cho sinh viên và người lao động thuê.

Theo bà Thủy, ngoài hệ thống phun nước tự động khi có hỏa hoạn, bà trang bị cửa chống khói, chống lửa. Bà cho biết, cánh cửa này con trai bà mua với giá hơn 10 triệu đồng. “Nếu chẳng may có hỏa hoạn thì cánh cửa này sẽ chống được khói lửa bốc lên, lan vào trong, có thời gian cho mọi người ứng phó”, bà nói.

Ngoài ra, bà quy định, hành lang và các lối lên cầu thang không được để bất cứ thứ gì gây cản trở cho việc chạy thoát khi có cháy. Sắp tới, bà cũng sẽ trang bị đèn báo ở lối thoát hiểm để đảm bảo khi có hỏa hoạn, điện mất, cư dân vẫn nhìn thấy lối thoát.

Nguy cơ lớn tại các khu trọ công nhân

Ám ảnh những khu trọ chật hẹp giữa Thủ đô- Ảnh 3.

Đường dẫn vào khu trọ công nhân nằm sâu trong ngõ nhỏ ở xã Yên Trung, Yên Phong, Bắc Ninh.

Có mặt tại nhiều khu trọ kiên cố, tự phát ven các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, PV ghi nhận việc xe máy, xe đạp điện được để lẫn trong khu trọ rất phổ biến.

Chiều 24/5, trong vai người cần thuê trọ, chúng tôi được nhiều người giới thiệu đến nhà trọ H.L, ở thôn Ấp Đồn, xã Yên Trung, huyện Yên Phong. Sau khi đi qua 2 con ngõ nhỏ quanh co, chỉ rộng hơn 1m là dãy trọ khép kín cao 4 tầng với khoảng 30 phòng được hàn kín bằng lưới sắt xung quanh.

Anh N.V.H, chủ khu trọ trên giới thiệu, khoảng sân ở giữa có thể để được từ 30-40 xe máy và xe đạp điện, phía trên là các phòng ở khép kín, mỗi phòng giá 800 nghìn đồng/tháng, trong khi các khu vực khác đều có giá từ 1,2 đến hơn 2 triệu đồng/phòng.

“Giá rẻ vì đất xây nhà tận dụng trên đất vườn nên không phải xin cấp phép và hoàn thiện các thủ tục kinh doanh, phòng cháy chữa cháy. Đến nay cũng chưa có bất kỳ đơn vị nào đến kiểm tra, nhắc nhở gì”, anh H cho hay.

Khảo sát tại các khu trọ xung quanh, PV ghi nhận tình trạng tương tự, nhiều nhà trọ được thực hiện trên đất nông nghiệp hoặc cơi nới, xây thêm phòng cho công nhân đến ở. Điểm chung của các khu trọ này là mô tô, xe máy được để dưới tầng 1, các tầng trên là phòng ở, kết hợp với nấu ăn trong phòng, trong khi công tác phòng cháy chữa cháy chưa bảo đảm.

Theo ông Nguyễn Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung, huyện Yên Phong, do nằm sát Khu công nghiệp Yên Phong 1 nên trên địa bàn xã hiện có khoảng 3,4 nghìn hộ kinh doanh nhà trọ, cao điểm có hơn 30 nghìn công nhân đến thuê trọ. Việc quản lý với công trình từ 2 tầng trở xuống do công an xã đảm nhiệm, từ 3 tầng trở lên do Công an huyện phụ trách.

Nguyễn Thương


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.