Chậm tiến độ, kém hấp dẫn
Cách đây 2 năm, thị trường bất động sản phía Nam Đà Nẵng nhộn nhịp khi nhiều dự án giao thông được triển khai. Hệ thống cầu, đường kết nối ven sông Cổ Cò được đầu tư liên tục, kỳ vọng sẽ tạo sức bật lớn cho sự phát triển của thị trường bất động sản nơi đây.
Trong đó, nổi bật là dự án nạo vét sông Cổ Cò đi qua TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Việc sông Cổ Cò được khơi thông sẽ giúp các dự án ven sông tăng giá trị lên nhiều lần.
Dù hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, các dự án bất động sản ven sông Cổ Cò vẫn “bất động” (trong ảnh: Cầu ông Điền bắc qua sông Cổ Cò).
Thế nhưng, thực tế hiện nay bất động sản ven sông Cổ Cò hiện nay ảm đạm bởi sức thanh khoản kém, nhiều dự án đình đám chưa thể triển khai hoàn thiện, vướng pháp lý. Thậm chí, có dự án chủ đầu tư bị khách hàng tố cáo lừa đảo.
Theo khảo sát của PV, dự án Khu đô thị FPT tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) từng có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư khi nằm sát sông Cổ Cò, hệ thống cầu, đường bắc qua sông được đầu tư mới.
Thế nhưng, hơn 2 năm qua, khi thị trường bất động sản nói chung đóng băng, giá đất nền tại dự án liên tục giảm sút, dù dự án này được đánh giá khá cao về tính pháp lý.
Theo anh Trần Mạnh Hoàng, Giám đốc phát triển Công ty TNHH Bold Land, tại đây vẫn có thanh khoản nhưng đa số đi thu mua từ chủ đầu tư bán cắt lỗ. Giá đất nền rẻ nhất tại dự án này ở mức 2,3 - 2,4 tỷ đồng/lô, đường 7m5, giảm khoảng 25 - 30% so với đầu năm 2022.
Trong khi đó, một số dự án khác ven sông Cổ Cò chậm hoàn thiện do gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng như dự án Khu đô thị DatQuang Riverside, dự án Khu đô thị số 4 (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện.
Một số dự án khác ven sông Cổ Cò tại Quảng Nam như: Khu đô thị Đại Dương Xanh, Khu đô thị Coco Riverside, Khu đô thị An Phú, Khu dân cư đô thị mới Điện Thắng Trung, Khu đô thị Phú Thịnh do Công ty TNHH Xây dựng, thương mại và dịch vụ An Dương làm chủ đầu tư thì bị khách hàng tố cáo lừa đảo đến cơ quan công an.
Theo các chuyên gia bất động sản, có nhiều lý do khiến các dự án ven sông Cổ Cò dần kém hấp dẫn. Trong đó tính pháp lý của dự án, minh bạch của nhà đầu tư đối với dự án cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
Khó phát triển như kỳ vọng
Theo anh Trần Mạnh Hoàng, trên thực tế các dự án bất động sản ven sông Cổ Cò phát triển mạnh là nhờ “ăn theo” việc nạo vét sông Cổ Cò, biến con sông này thành tuyến đường du lịch.
“Thời điểm các dự án ven sông có sức nóng thì các doanh nghiệp đã đạt hết kỳ vọng bán hàng rồi, tức là đã đạt mức giá như mong muốn, không còn gì mới mẻ nữa nên khó hấp dẫn nhà đầu tư. Muốn phát triển các dự án ven sông thì phải đúng với mục tiêu ban đầu, tức là khơi thông và khai thác du lịch”, anh Hoàng cho hay.
Tìm hiểu của PV, dự án nạo vét sông Cổ Cò được khởi công ngày 30/7/2020, thời hạn hoàn thành ngày 5/7/2022, kỳ vọng tạo nên sản phẩm du lịch mới kết nối từ Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đến TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), đồng thời, tạo ra quỹ đất, không gian mới cho liên kết hạ tầng, đô thị, công nghiệp và dịch vụ hai địa phương ven biển…
Thế nhưng đến nay dự án đang chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Nguyên nhân do chưa xác định được nguồn gốc đất, một số cây cầu bắc qua sông Cổ Cò chưa có mặt bằng thi công. Do đó, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp ven sông không thể tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để thu hút nhà đầu tư.
Theo ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án DKRA Group, hiện nay thị trường bất động sản ven sông Cổ Cò gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lý, đồng thời giá thị trường đã lập đỉnh khá cao so với mặt bằng chung nên việc phát triển thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Thắng cho rằng, thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam còn manh mún, mạnh ai nấy làm, hình thức phân lô bán nền là chủ yếu. Trong quá trình phát triển tiếp theo, ngoài việc gỡ vướng về mặt pháp lý thì cần có quy hoạch tổng thể hơn, mang tính chất đồng bộ hơn, tránh tính chất đầu cơ và bỏ hoang.
Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Công trình này dài 19km, có tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng là 237,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2025.
Dự án gồm các hạng mục như: thi công cầu Ông Điền, cầu Nghĩa Tự, nạo vét luồng từ Km9+500 đến Km14.
Đến nay, ngoài cầu ông Điền đã hoàn thành, các hạng mục khác đều chậm tiến độ do vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận