Ngày 13/7, HĐND tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tiến hành phiên bế mạc kỳ họp thứ 14.
Cao tốc mở ra vận hội mới
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua 20 Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023, chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2024; thành lập hai đoàn giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và các Nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, pháp chế, dân tộc…
Quang cảnh kỳ họp.
Cũng tại phiên bế mạc, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng đã đăng đàn làm rõ thêm một số vấn đề cần quan tâm khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023 và những vấn đề có liên quan đến nội dung trả lời chất vấn của giám đốc các sở, ngành.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trong năm 2023, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp cùng các địa phương khởi công hai tuyến cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó có cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn tỉnh An Giang. Khi các dự án hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ mở ra vận hội mới, tạo không gian phát triển mới cho cả nước nói chung, An Giang nói riêng.
Về tình hình phát triển kinh tế của địa phương, người đứng đầu UBND tỉnh đánh giá đã đạt được nhiều chỉ tiêu đề ra, đời sống người dân được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm của tỉnh An Giang là 6,5%, đứng thứ tư trong khu vực ĐBSCL.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Điển hình là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành những công trình trọng điểm, những điểm nghẽn của tỉnh về hạ tầng tiếp tục chậm tháo gỡ.
Hay tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài tại các bãi rác tập trung, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen kẽ trong các khu dân cư, khu đô thị nhưng chậm được xử lý; tiến độ triển khai đầu tư các nhà máy xử lý rác chậm so kế hoạch đề ra...
Nổi cộm thời gian gần đây, một số vấn đề phát sinh mới được bà con cử tri quan tâm như tình trạng phạm tội trong lứa tuổi thiếu niên, hình thành các băng nhóm tội phạm gây mất an ninh trật tự, gây tâm lý hoang mang, lo sợ...
Sẽ làm hồ nước ngọt lớn nhất đồng bằng
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã đưa ra bốn nhóm giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm. Đó là nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; nhóm giải pháp tập trung thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường; nhóm giải pháp đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, chấn chỉnh kỷ luật - kỷ cương hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự và quốc phòng, an ninh; kéo giảm tội phạm trên tất cả lĩnh vực; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
Cũng tại kỳ họp, ông Bình cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì họp với lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL để rà soát việc triển khai các dự án cao tốc.
Tại hội nghị này, tỉnh An Giang đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới sẽ đầu tư một số dự án trọng điểm bằng nguồn vốn ODA trên địa bàn tỉnh. Trong đó có đề xuất làm hồ trữ nước ngọt với vốn ước tính khoảng 3.100 tỷ đồng. Đây sẽ là hồ nước ngọt lớn nhất khu vực ĐBSCL.
Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất đầu tư Dự án cầu Tân Châu - Hồng Ngự với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.200 tỷ đồng, bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
"Trong quá trình làm việc với An Giang, Thủ tướng đã cơ bản đồng ý với đề xuất này. Đồng thời, Thủ tướng cũng đã giao tỉnh An Giang cùng với Đồng Tháp các bộ, ngành Trung ương đề xuất vay vốn ODA để thực hiện cây cầu này. Có như vậy thì bộ mặt Tân Châu nói riêng, toàn tỉnh An Giang nói chung sẽ phát triển", Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận