“Trung đi bộ đến nơi cháu H. đang đứng, đẩy cháu rơi điện thoại, ngã xuống bờ sông Nhuệ. Thấy cháu H. đứng dậy kêu “tha cho em”, Trung nhảy xuống dìm cháu xuống nước. Khoảng 10 phút khi thấy cháu không cử động, Trung đẩy xác cháu H. ra lòng sông. Sau đó, Trung lấy điện thoại và xe đạp điện cướp được mang đi bán, tất cả được 3,3 triệu đồng”.
Đọc những bản tin viết về vụ án đối tượng Nguyễn Xuân Trung (SN 1985, ở xã Văn Phú, huyện Thường Tín) sát hại nữ sinh viên Học viện Ngân hàng, chắc hẳn nhiều người không khỏi rùng mình ớn lạnh về mức độ lạnh lùng, tàn ác của nghi phạm.
Một thông tin đáng chú ý là Trung là đối tượng nghiện ma túy, gã xuất hiện ở bờ đê sông Nhuệ cùng “bạn nghiện” Nguyễn Văn Quân (SN 1983, ở xã Quất Động, huyện Thường Tín) sau khi đi trộm cắp tài sản. Ngay sau khi giết nữ sinh, cướp xe đạp điện , điện thoại đem bán, hắn đã lập tức mua ma túy để sử dụng.
Một nữ sinh tuổi đời còn quá trẻ, một tương lai sáng ngời vụt tắt bởi hành vi mất hết nhân tính của kẻ thủ ác khiến chúng ta uất nghẹn.
Cái chết của nạn nhân không phải là đầu tiên và có lẽ cũng chưa phải là tội ác cuối cùng của những con nghiện.
Đã có rất nhiều vụ thảm án xảy ra mà hung thủ là những đối tượng nghiện ma túy, gây án trong trạng thái kích thích hoặc trong lúc quay cuồng với ý nghĩ phải làm gì để có tiền mua ma túy.
Ma túy có thể làm cho người nghiện thực hiện những hành vi tàn ác vượt qua khỏi suy nghĩ của những người bình thường.
Tháng 3/2020, tại Hải Phòng cũng xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng. Trong cơn “ngáo đá”, tên Nguyễn Sỹ Thắng (SN 1994, ở xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy) đã lẻn vào nhà một người dân, thấy nữ sinh lớp 9 (con gái chủ nhà) đang ngồi một mình gã đã ra tay sát hại dã man… chẳng vì lý do gì.
Một cán bộ điều tra về vụ án trên chia sẻ: ‘Chúng tôi vốn là những cảnh sát hình sự dày dạn nhưng khi chứng kiến hiện trường thi thể cháu bé, vẫn rùng mình ớn lạnh bởi sự tàn độc của kẻ thủ ác”.
Vụ án nữ sinh Học viện Ngân hàng bị sát hại tiếp tục đặt ra câu hỏi cần phải làm gì để ngăn chặn, phòng ngừa người nghiện ma túy gây án tại cộng đồng.
Trước đây, Bộ luật Hình sự cũ quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý hình sự theo Điều 199 - tội danh “Sử dụng trái phép chất ma túy”. Xử lý hình sự với hành vi này có tác dụng răn đe tốt.
Từ năm 2009, Bộ luật Hình sự mới đã bỏ tội này. Từ đó, người nghiện được coi là người bệnh.
Theo Điều 95 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, người phải vào trại cai nghiện bắt buộc vì có hành vi vi phạm hành chính, không phải vi phạm hình sự, cũng đồng nghĩa người nghiện không phải là tội phạm.
Những biện pháp quản lý người nghiện, xử lý vi phạm... đều có những bất cập, hạn chế.
Trung tá Lương Thanh Tuấn, cựu cán bộ Đội CSĐT tội phạm về ma túy (Công an quận Lê Chân, Hải Phòng) chia sẻ: “Đầu những năm 2000, tình trạng người nghiện ma túy trên địa bàn đường tàu Lê Chân (tuyến đường sắt qua quận Lê Chân, Hải Phòng) diễn ra nhức nhối.
Khi đó, nơi đây được coi là “chợ tử thần” với cảnh người nghiện hút chích, gây án diễn ra như cơm bữa. Lực lượng công an đã phải truy bắt, kiên quyết đưa đối tượng nghiện vào trại cai nghiện. Chính điều này đã hạn chế việc người nghiện gây án. Giai đoạn sau này, việc đưa đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện tập trung khó hơn nhiều”.
Vì người nghiện ma túy được coi là người bệnh nên giờ đây có nhiều hình thức cai nghiện tại cộng đồng thay vì bắt buộc phải cai nghiện tập trung như trước đây. Những đối tượng nghiện ma túy chưa bị phát hiện và cả những người nghiện được thống kê vẫn hàng ngày sống quanh ta khiến không ít người bất an.
Ai sẽ bảo vệ chúng ta trước những người nghiện không bị quản thúc đã, đang và sẽ có thể gây án chỉ vì thèm một liều heroin vài trăm ngàn? Trước nhiều vụ án đau lòng do người nghiện ma túy gây ra, trước những cái chết oan khuất, rất cần một cơ chế quản lý hiệu quả, có tính ngăn đe, phòng chống đặc biệt đối với đối tượng này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận