ATM hết “ùn tắc”
Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch, thói quen thanh toán của người dân đã thay đổi, chuyển mạnh từ tiền mặt sang thanh toán qua kênh ngân hàng, ví điện tử, nhất là khu vực trung tâm thành phố lớn như Hà Nội.
Chính vì vậy, những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 năm nay, ATM tại Hà Nội vắng vẻ hơn cả năm 2020.
ATM của BIDV ở Linh Đàm rất vắng. Ảnh chụp ngày 27/1
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông tại nhiều cây ATM nội thành Hà Nội, thi thoảng mới có người tới rút tiền mặt. Nhiều cây ATM phải đợi tới hàng tiếng đồng hồ mới có người xuất hiện.
Các cây ATM tại các khu đông dân cư, khu văn phòng hay khu vực đông đúc như tại Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai, lượng người đến giao dịch những ngày cận Tết cũng rất vắng vẻ.
Chị Nguyễn Thanh Lan (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết chị vừa rút tạm vài triệu đồng để mua hoa và bình về cắm Tết do có người bán yêu cầu tiền mặt. “Còn lại các mặt hàng khác cần mua sắm cho ngày Tết tôi đều thanh toán qua các app hoặc bằng thẻ ngân hàng rất tiện lợi mà không phải mang ví dầy tiền như các trước”, chị Lan cho biết.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã lường trước xu hướng này và cho rằng nhu cầu rút tiền mặt Tết năm nay sẽ không tăng mạnh do thanh toán online lên ngôi và thu nhập người dân cũng giảm vì dịch.
Theo số liệu của cơ quan này, đến cuối năm 2021, số lượng và giá trị giao dịch qua điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) tăng tương ứng hơn 14% và 12,6% so với cùng kỳ 2020; Qua kênh Internet tăng 49% và 29%; Qua kênh điện thoại di động tăng 72% và 85%; Qua kênh QR Code tăng 54% và 120% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code...
Còn theo dữ liệu từ Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam, năm 2021, hệ thống ngân hàng đã ghi nhận kỷ lục hơn 3,9 tỷ giao dịch điện tử, tăng 94% về số lượng giao dịch và hơn 130% về giá trị giao dịch so với năm 2020.
ATM của VIB trên đường Thái Hà rất lâu mới có một người tới rút tiền. Ảnh chụp ngày 27/1
Vẫn đảm bảo ATM thông suốt
Để đảm bảo khả năng hoạt động và đáp ứng nhu cầu của người dân, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn và giao nhiệm vụ cụ thể cho các nhà băng. Cơ quan này cũng đã có công văn yêu cầu các ngân hàng chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Đồng thời, các ngân hàng phải có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn ); Hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc của khách hàng trong quá trình giao dịch qua ATM, ưu tiên xử lý nhanh chóng đối với các trường hợp ATM nuốt thẻ.
Tại các địa bàn có khả năng xảy ra quá tải do nhu cầu giao dịch đột biến (khu công nghiệp, khu chế xuất...), hoặc các địa bàn không có ATM và chi nhánh ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng tăng cường hoạt động ATM lưu động; Chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý; Triển khai giải pháp thay thế ATM (chi trả tiền mặt tại bàn/quầy lưu động, chi trả qua máy POS của ngân hàng...).
Người dân chuyển sang thanh toán không tiền mặt, ATM không còn đông đúc chen lấn như mấy năm trước. Ảnh chụp ngày 27/1
Ngân hàng nghỉ Tết, vẫn giao dịch bình thường
Theo lịch nghỉ Tết được phê duyệt và công bố năm nay, các ngân hàng cũng đã có lịch nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Hầu hết các ngân hàng đều nghỉ giao dịch trực tiếp từ ngày 31/1/2022 đến hết ngày 4/2/2022.
Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ tết, các giao dịch trên Internet Banking, LiveBank và trên hệ thống ATM vẫn hoạt động bình thường.
Khách hàng vẫn có thể sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng như rút tiền tại ATM, chuyển khoản qua ATM, chuyển khoản qua các ứng dụng online như Mobile Banking, Internet Banking, ví điện tử...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận