Sách

Ba giải pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xuất bản khu vực ASEAN

15/09/2023, 20:05

Tại Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Hội Xuất bản Việt Nam đưa ra ba đề xuất nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xuất bản.

ABPA bước đầu đáp ứng được các nhu cầu giao lưu, hợp tác

Sáng 15/9, tại TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA).

Ba giải pháp tăng cường hợp tác trên lĩnh vực xuất bản trong khu vực ASEAN - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á. Ảnh: BTC.

Hội nghị tập trung vào những nhóm chủ đề như: Rà soát thực trạng ngành xuất bản của các nước thành viên ABPA; thảo luận đề xuất các đường hướng thúc đẩy hợp tác nội khối, tăng cường giao lưu, tìm hiểu, trao đổi, giao dịch bản quyền giữa các nước thành viên ABPA; thảo luận và quyết định nước nào sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024-2025.

PGS. TS Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch luân phiên ABPA bày tỏ niềm vui khi Việt Nam là một phần của một cộng đồng đã sát cánh cùng nhau trong 18 năm qua.

"Hiệp hội bước đầu đáp ứng được các nhu cầu giao lưu, hợp tác giữa các nước thành viên. Hiệp hội trở thành một kênh trao đổi thông tin, chia sẻ những chính sách mới của ngành xuất bản mỗi nước, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.

Qua đó các thành viên có cơ hội học hỏi lẫn nhau, tùy chỉnh áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng nước", PGS. TS Phạm Minh Tuấn nói.

Sau gần 2 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ABPA, Hội Xuất bản Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp ngoại giao nhân dân, đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. 

Việt Nam hiện có 57 nhà xuất bản, trên 2.000 pháp nhân kinh doanh sách, 13.000 điểm phát hành sách trên cả nước.

Ngành Xuất bản Việt Nam nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, có hệ thống pháp luật đầy đủ để đáp ứng hoạt động.

Giải pháp tăng cường hợp tác trên lĩnh vực xuất bản trong khu vực

Hội nghị dành nhiều thời gian để lắng nghe thực trạng ngành xuất bản của các nước thành viên ABPA.

Đại diện các hội thành viên ABPA đã cùng thảo luận, đề xuất các các đường hướng thúc đẩy hợp tác nội khối cũng như trao đổi kinh nghiệm và các giải pháp để tăng cường hợp tác trên lĩnh vực xuất bản trong khu vực.

Ba giải pháp tăng cường hợp tác trên lĩnh vực xuất bản trong khu vực ASEAN - Ảnh 2.

PGS. TS Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng Giấy chứng nhận cho một số thành viên kỳ cựu và trao Giấy chứng nhận cho đại diện các đoàn tham dự Hội nghị. Ảnh: BTC.

Với tư cách Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2022-2023, Hội Xuất bản Việt Nam đưa ra 3 đề xuất chính. 

Một là, thực hiện sáng kiến "One ASEAN", thông qua hiệp hội thúc đẩy giao lưu hợp tác đưa ASEAN thành trung tâm xuất bản, từng bước vươn tầm thế giới. 

Hai là, thành lập trung tâm bản quyền trực thuộc ABPA nhằm giới thiệu sách của các nhà xuất bản thuộc các hiệp hội thành viên, thúc đẩy giao dịch bản quyền và xử lý vi phạm bản quyền. 

Ba là, Giải thưởng sách ASEAN, với ban giám khảo là chủ tịch các hội xuất bản thành viên ABPA, trao giải cho sách viết về chủ đề ASEAN (bằng tiếng Anh hoặc kèm bản dịch tiếng Anh).

Đại diện đoàn Thái Lan, Malaysia ủng hộ đề xuất "One ASEAN" của Việt Nam, đồng thời đề xuất sáng kiến lập Hội chợ bản quyền ASEAN. Đây sẽ là những hoạt động để các nước thành viên hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong khu vực.

Đoàn các nước thành viên khác trong ABPA cũng nêu một số thách thức mà ngành xuất bản khu vực đối mặt khi tổ chức giải sách ASEAN, trong đó rào cản lớn nhất là ngôn ngữ bởi mỗi nước sử dụng một ngôn ngữ riêng.

Đại diện đoàn Singapore cho rằng khu vực Đông Nam Á không thiếu những nhà văn có khả năng được đề cử Nobel và ABPA có thể học hỏi mô hình trao giải của Nobel. Các quốc gia cần tập trung nguồn lực, thể hiện quyết tâm để tổ chức được giải sách của khu vực.

Hội nghị cũng đã thảo luận, 100% biểu quyết Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024-2025 là Malaysia. Lễ chuyển giao sẽ được tổ chức vào cuối năm 2023.

Dịp này, các thành viên ABPA cùng tham gia nhiều hoạt động bên lề, tìm hiểu về văn hóa và xuất bản Việt Nam: thăm di tích Bến Nhà Rồng, đường sách TP.HCM, hệ thống nhà sách Phương Nam, hệ thống nhà sách FAHASA…

img
img

Các đại biểu tham quan khu vực triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ảnh: BTC.

Trong khuôn khổ Hội nghị Xuất bản Đông Nam Á, Đường sách TP.HCM tổ chức Triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ ngày 14-16/9. 

Triển lãm trưng bày khoảng 100 tựa sách được chia thành 3 cụm: Không gian sách Hồ Chí Minh, sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Triển lãm được khai mạc vào sáng 15/9.

Tháo gỡ khó khăn trong bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng

Trong khuôn khổ Hội nghị, chiều 15/9, Ban Tổ chức (BTC) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng".

Hội thảo tập trung vào những nhóm chủ đề như: Nhận diện những hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số; Đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền sách trên các nền tảng số; Thực trạng bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay: Đánh giá thể chế, thiết chế và các giải pháp kỹ thuật bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số hiện nay; Chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số của các nước Đông Nam Á…

Tham gia hội thảo, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên án sách lậu, sách giả: "Theo mức độ lộng hành của nó, hiện nay sách giả, sách lậu đã có thể gọi là 'quốc nạn'. Nó giống một thứ virus, một thứ dịch bệnh liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng.

Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa của Việt Nam nói riêng".

Ba giải pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xuất bản khu vực ASEAN - Ảnh 4.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: BTC.

Ông kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao ý thức chống sách giả, sách lậu, đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền.

Ông Arys Hilman Nugraha -Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia, cho biết vi phạm bản quyền sách đã trở thành một vấn nạn lớn trong ngành xuất bản Indonesia.

"Thế giới kỹ thuật số rất dễ dãi đối với việc vi phạm bản quyền và sao chép bất hợp pháp. Các quy định không có lợi cho các nhà xuất bản sách.

Hơn 75% thành viên của Hiệp hội Nhà xuất bản Indonesia (Ikapi) đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Thủ tục khiếu nại và loại bỏ sách lậu khỏi chợ không hề dễ dàng.

Các sàn thương mại thậm chí có thể trốn tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp", ông Arys Hilman Nugraha nói.

Ba giải pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xuất bản khu vực ASEAN - Ảnh 5.

Các đại biểu chủ trì hội thảo. Ảnh: BTC.

Năm 2019, 11 nhà xuất bản thuộc Ikapi báo cáo sách bị vi phạm bản quyền, thiệt hại lên tới 7,5 triệu USD. Con số thiệt hại thực tế chắc chắn còn lớn hơn khi số lượng thành viên Ikapi năm đó là khoảng 1.600.

Ông Atty. Dominador D. Buhain - Chủ tịch Hội Xuất bản Philippines, cho biết tại Philippines, "những tên cướp" - những kẻ bắt chước và sao chép tràn lan các tác phẩm của người khác bất hợp pháp - đang nhắm mục tiêu vào ngành xuất bản.

Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ Philippines cử một cơ quan phụ trách bảo vệ bản quyền. Cơ quan này nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục ý thức bản quyền và thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý tạo ra sự thay đổi lâu dài trong việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền.

Với thực trạng trên, BTC kỳ vọng các nước trong Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á cùng nhau có tuyên bố chung góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền sách nói chung, trên không gian mạng nói riêng.

Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA) là cộng đồng thân thiện, nơi hợp tác, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của các nhà xuất bản ở khu vực Đông Nam Á và các đối tác trong ngành.

Hội được thành lập vào ngày 25/8/2005 bởi 6 thành viên gồm các nước: Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore.

Hội Xuất bản Việt Nam là thành viên đồng sáng lập ABPA năm 2005 và hiện là Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2022-2023.

Triển khai 4 quy định mới của Ban Bí thư liên quan đến báo chí xuất bảnTriển khai 4 quy định mới của Ban Bí thư liên quan đến báo chí xuất bản

Những quy định mới của Ban Bí thư Trung ương được quán triệt, triển khai đến các đại biểu tại hội nghị tổ chức tại Thanh Hoá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.