Bắc Giang cần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược để phát triển
|
Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Du lịch tỉnh Bắc Giang 2018, vừa diễn ra sáng 10/10 với sự tham dự của gần 300 đại biểu bao gồm lãnh đạo các Bộ, ngành TW, địa phương; Các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp; Các cơ quan thông tấn, truyền hình…
Trong tổng số 16 dự án thuộc lĩnh vực du lịch được nhận chứng nhận đăng ký và biên bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị này với tổng giá trị đầu tư trên 35.000 tỷ đồng, Tập đoàn FLC là nhà đầu tư lớn nhất với 4 dự án và tổng giá trị cam kết đầu tư lên tới 13.900 tỷ đồng.
Cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Tùng nhấn mạnh: Thực tế cho thấy du lịch và kinh tế của rất nhiều tỉnh, thành đã thay đổi diện mạo đáng kể sau khi các nhà đầu tư chiến lược như FLC, Vingroup, Sun Group… đến đầu tư, ví dụ như Thanh Hóa, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Định…
Do đó, tỉnh Bắc Giang cần kêu gọi, thu hút và tạo điều kiện tối đa để các nhà đầu tư chiến lược xây dựng tổ hợp khách sạn, khu vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo điểm nhấn nổi bật thu hút khách du lịch.
Thứ trưởng cho rằng tài nguyên du lịch Bắc Giang tuy phong phú nhưng chưa có sản phẩm du lịch điển hình; ngành du lịch tỉnh cần tính toán ưu tiên xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hoặc nghỉ dưỡng kết hợp chơi golf cuối tuần, du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn phù hợp thị hiếu và quỹ thời gian của khách từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương lân cận.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL chỉ đạo tại hội nghị |
Chỉ cách Hà Nội khoảng 60 km, Bắc Giang cần phấn đấu trở thành một trong những điểm đến vệ tinh quan trọng của Thủ đô Hà Nội, hòa nhập phát triển theo thế và lực chung của ngành, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng chỉ đạo.
Cũng theo Thứ trưởng, tỉnh Bắc Giang cần đẩy mạnh liên kết với Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh tập hợp sản phẩm đơn lẻ, gắn kết tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch có tính tổng thể mang nét đặc trưng của vùng.
Như vậy, du lịch mới có thể trở thành động lực phát triển kinh tế, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đúng như định hướng Tỉnh ủy đã đề ra.
“Xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch có tác động tương sinh lẫn nhau. Khi đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch phát triển, sẽ thu hút khách du lịch. Ngược lại khi khách du lịch đã đạt về lượng nhất định, sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư du lịch”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng kết luận.
Đưa Bắc Giang trở thành tỉnh có thương hiệu về du lịch
Bắc Giang nằm cách không xa các trung tâm kinh tế, du lịch, đô thị lớn của “Tam giác kinh tế phát triển”: Hà Nội-Hải Phòng- Quảng Ninh. Nếu tận dụng tốt lợi thế này, Bắc Giang có khả năng thu hút khách du lịch đến các trung tâm này khi đi qua địa phận tỉnh nhà. Ngoài ra, Bắc Giang có tài nguyên du lịch vùng núi, trung du và đồng bằng, thích hợp các loại hình du lịch đường sông, đường bộ và đường sắt.
Với những nỗ lực trong việc cải thiện hạ tầng giao thông và thu hút đầu tư, năm 2017, Bắc Giang đón 1,2 triệu lượt khách, tăng trưởng lên tới 128% so với năm 2016, tổng thu từ du lịch đạt 750 tỷ đồng.
“Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng Bắc Giang trở thành tỉnh có thương hiệu về du lịch; là điểm đến của du lịch văn hóa - tâm linh, lịch sử - văn hóa, sinh thái - nghỉ dưỡng hấp dẫn; có vị trí quan trọng trong khu vực Đông Bắc bộ; Trung du và Miền núi phía Bắc. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.” Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết.
Vị Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh: Thời gian tới Bắc Giang mong muốn và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư với các dự án xây dựng khách sạn 03 sao trở lên; phát triển hệ thống nhà hàng, siêu thị, trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa, trung tâm mua sắm; xây dựng phát triển các khu du lịch.
Tập đoàn FLC đầu tư lớn tại Bắc Giang
Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Tập đoàn FLC - Phó Tổng giám đốc Đào Nam Phong cho biết: Sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển du lịch nhưng Bắc Giang gần như vẫn chưa ghi dấu ấn, tên tuổi trên bản đồ du lịch Việt Nam. Ngành du lịch của tỉnh nhà còn đang đứng trước nhiều khó khăn từ phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng du lịch, đến các sản phẩm du lịch nhằm giữ chân du khách.
Tập đoàn FLC đứng đầu về số vốn cam kết đầu tư vào Bắc Giang |
Hiện trên địa bàn tỉnh có 360 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 4.700 buồng nghỉ, trong đó mới chỉ có 2 khách sạn 4 sao.
Nhận thấy tiềm năng này, Tập đoàn FLC đã nghiên cứu đầu tư 4 dự án du lịch tại đây, chiếm gần nửa tổng giá trị đầu tư của 16 dự án được trao chứng nhận và biên bản ghi nhớ đầu tư sáng nay. Trong đó, lớn nhất là Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Khuôn Thần tại huyện Lục Ngạn với quy mô dự kiến 497,29 ha, được thiết kế đồng bộ và hiện đại, với hệ thống sân golf tiêu chuẩn quốc tế, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, cùng với nhiều tiện ích đạt chuẩn 5 sao.
Doanh nghiệp này cam kết sẽ triển khai dự án với tiến độ nhanh nhất và chất lượng tốt nhất ngay sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư.
Ông Đào Nam Phong tin tưởng, khi khu du lịch này đi vào hoạt động sẽ trở thành một điểm đến mới không chỉ của người dân miền Bắc Việt Nam, mà còn hướng tới phục vụ nhân dân cả nước và du khách quốc tế.
Cùng quan điểm với các nhà đầu tư khác, Tập đoàn FLC mong muốn các cấp lãnh đạo Trung ương quan tâm, tạo nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực đầu tư du lịch để tạo thêm động lực cho Bắc Giang bứt phá mạnh mẽ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận