Bước tiến vượt bậc
Hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình NTM, diện mạo Yên Dũng có những thay đổi vượt bậc, kinh tế phát triển khá. Bên cạnh các chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, Yên Dũng xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm gồm: Sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao; lúa chất lượng, rau màu thực phẩm, thủy sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương trao Huân chương lao động hạng Nhì cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Dũng.
Huyện chủ động ban hành chính sách hỗ trợ. Nhờ vậy, nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với ứng dụng công nghệ cao và hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn.
Từ việc xác định thế mạnh, huyện tập trung dồn điền, đổi thửa. Giai đoạn 2014-2018, toàn huyện dồn đổi được gần 4,7 nghìn ha đất nông nghiệp, đứng đầu tỉnh về quy mô diện tích.
Qua đó hình thành những ô thửa lớn, tạo thuận lợi cho xây dựng vùng sản xuất tập trung một số sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Trong đó, diện tích lúa chất lượng 9,4 nghìn ha, đứng đầu toàn tỉnh với thương hiệu Gạo thơm Yên Dũng; 33 vùng sản xuất lúa quy mô từ 50 ha/vùng trở lên, tổng diện tích 1.166 ha, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất đại trà từ 15-20%; hình thành 7 vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng diện tích 120 ha, doanh thu đạt 200-250 triệu đồng/ha/vụ (sản xuất 3-4 vụ/năm); 50 mô hình nhà màng, nhà lưới diện tích hơn 12 ha.
Bà Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang trao quyết định công nhận huyện nông thôn mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Dũng.
Tại xã Tiến Dũng có sản phẩm “Rau sạch Yên Dũng” được cấp nhãn hiệu tập thể. Đây là điểm sáng về nông nghiệp công nghệ cao của toàn tỉnh.
Đến nay, huyện có 9 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao; có 6 sản phẩm đã có nhãn hiệu tập thể. Nhiều HTX nông nghiệp doanh thu từ 15-40 tỷ đồng/năm. Điển hình như HTX Rau sạch Yên Dũng, HTX Dịch vụ tổng hợp Lúa Vàng, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên… Hiện toàn huyện có 62 HTX nông nghiệp; 100% xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững.
Đem lại sự tươi mới cho nông thôn Yên Dũng là phong trào làm đường giao thông. Hơn 10 năm qua, toàn huyện cứng hóa, cải tạo, nâng cấp hơn 664 km đường, kinh phí hơn 835 tỷ đồng.
Một góc KCN Song Khê-Nội Hoàng, huyện Yên Dũng.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 06 và 07 của HĐND tỉnh Bắc Giang về cơ chế hỗ trợ xi măng giai đoạn 2017-2019, huyện cứng hóa hơn 445km đường nông thôn, tổng nguồn lực khoảng 381 tỷ đồng, nâng tỷ lệ cứng hóa toàn huyện lên hơn 80% (tăng 37% so với năm 2011). Năm 2019, huyện vinh dự được Bộ Giao thông - Vận tải tặng Bằng khen về phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2020.
Xây dựng NTM, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Từ năm 2011 đến nay, huyện đầu tư 125 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu hội họp, vui chơi, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân.
Hệ thống y tế được củng cố và đạt chuẩn. Sự nghiệp giáo dục đào tạo có bước phát triển vững chắc cả về quy mô, chất lượng và cơ sở vật chất với 59/60 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 98,33%. Huyện cũng chỉ đạo quyết liệt công tác thu gom, xử lý rác thải, không để những điểm tồn lưu rác gây ô nhiễm môi trường, đồng thời đẩy mạnh phong trào xây dựng xóm làng sáng, xanh, sạch đẹp. Đến nay, toàn huyện có 16/16 xã NTM; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 thị trấn đạt văn minh đô thị và 10 thôn NTM kiểu mẫu.
Những bài học kinh nghiệm
Từ địa phương còn gặp nhiều khó khăn do địa hình, đến nay Yên Dũng vươn lên mạnh mẽ, KT-XH phát triển, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, nông thôn đổi mới; đời sống vật chất tinh thần của người dân nâng lên rõ nét.
Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp năm 2021 đạt 115,8 triệu đồng, tăng gần gấp 2 lần so với cách nay 10 năm. Thu nhập bình quân 61,87 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 giảm còn 3,45%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90,3%, tăng 5,5 % so với năm 2011...
Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Bùi Quang Huy thăm mô hình trồng dưa trong nhà màng của HTX Rau sạch Yên Dũng.
Có được những kết quả trên, bài học kinh nghiệm của Yên Dũng là phải có sự tập trung, vào cuộc quyết liệt, thống nhất cao, quán triệt sâu sắc, phân công rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Thường xuyên tổng kết thực tiễn, quan tâm bố trí nguồn lực kịp thời và có chính sách phù hợp. Huyện ủy, UBND huyện ban hành nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá, tiên phong như: Hỗ trợ và thưởng các xã, thôn về đích NTM hằng năm; hỗ trợ kiên cố hóa trường lớp học; xây mới, cải tạo nâng cấp nhà vệ sinh trường học; hỗ trợ phát triển sản xuất, cứng hóa đường giao thông nông thôn, kênh mương, giao thông nội đồng; hỗ trợ hỏa táng người chết, trùng tu tôn tạo di tích...
Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Yên Dũng đạt chuẩn NTM, trở thành địa phương thứ 4 trong tỉnh Bắc Giang có được vinh dự này. Năm 2021, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Dũng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba.
Nhiều tuyến đường tại Yên Dũng được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu lưu thông, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Việc ban hành cơ chế hỗ trợ vừa để đầu tư, vừa kích cầu huy động nguồn lực xã hội hóa. Sau hơn 10 năm xây dựng, tổng nguồn lực huy động toàn huyện hơn 4,4 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của cộng đồng dân cư, vốn khác gần 1,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, toàn huyện vận động nhân dân hiến 180 ha đất nông nghiệp, 21,3 ha đất thổ cư, tháo dỡ 46,8 km tường rào và hàng trăm nghìn ngày công lao động.
Một bài học khác, đó là sự đồng thuận của người dân - yếu tố quyết định đến sự thành công của Chương trình. Huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, từng nội dung phải được nhân dân bàn bạc, công khai, minh bạch tạo sự đồng thuận, ủng hộ.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, sâu rộng, giúp người dân hiểu rõ lợi ích, tin tưởng và hưởng ứng phong trào. Bên cạnh đó, phát huy mạnh mẽ vai trò, sức sáng tạo của cán bộ chủ chốt ở cơ sở; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đồng thời tập trung chỉ đạo, đổi mới tư duy trong phát triển sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận