Dù tuổi già sức yếu nhưng ông Gangadhara Tilak Katnam vẫn cặm cụi làm công việc“bác sỹ vá đường” |
Về hưu đa phần mọi người thường ở nhà nghỉ ngơi, vui tuổi già. Nhưng với ông Gangadhara Tilak Katnam, 67 tuổi, đến từ TP Hyderabad, Ấn Độ, một công chức đã nghỉ hưu, vẫn phơi lưng ngoài trời nắng làm cái việc không giống ai “vá đường”.
“Bác sỹ vá đường”
Trời Ấn Độ, mới 8h thời tiết đã nóng nắng như thiêu đốt da. Lúc này, ông Katnam đã tay cờ hiệu, tay chổi và một số dụng cụ khác cùng một nhóm học sinh tình nguyện, khoảng 16 tuổi, bắt đầu công việc “vá đường” thường ngày. Hôm nay, ông cùng các cháu học sinh có kế hoạch sửa 3 ổ gà, ổ voi trên một con đường mới được báo xảy ra tai nạn.
Năm ngoái, vì một vài vấn đề sức khỏe, ông buộc phải giảm bớt cường độ công việc. Hiện nay, ông chỉ làm khoảng 2-3 giờ/tuần. Nhưng khi được hỏi, liệu ông có tiếp tục công việc “bán mặt cho đường và bán lưng cho trời” nhưng ý nghĩa này hay không?, ông trả lời ngay, “tôi sẽ làm đến hơi thở cuối cùng”. |
Trước đó, ông nhận được một bức ảnh chụp hiện trạng đường cùng lời kêu than nhờ ông sửa đường. Sau bức ảnh là câu chuyện: người mẹ chở con bằng xe ga đi học, vấp phải ổ gà và ngã ra đường khiến cháu bé bị thương nặng. Vội vã đưa bé đến bệnh viện, người ta bỏ quên cả chiếc giày của cháu bé bên đường. Chỉ vào bức ảnh, ông Katnam cho biết: “Đằng sau mỗi chiếc giày như thế này là một vụ tai nạn buồn”.
Sau khi xác định vị trí, mấy ông cháu đeo găng tay, dùng chổi quét sạch bụi bẩn, hất đất đá khỏi ổ gà. Sau đó ông trộn nhựa đường và đổ lên để “vá đường”. Người “bác sĩ vá đường” ấy từng là một kỹ sư trong ngành Đường sắt Ấn Độ trong 35 năm. Ông nghỉ hưu từ tháng 10/2008. Một năm sau, ông được một công ty phần mềm tuyển dụng với mức lương 1.075 USD.
Từ bức xúc thành hành động
Cơ duyên trở thành “bác sỹ vá đường” bắt đầu từ đầu năm 2010. “Mỗi sáng đi làm, tôi thường xuyên vấp phải những ổ gà đầy nước bẩn, bắn cả lên người các cháu học sinh đi bộ đến trường. Mỗi lần như vậy, tôi cảm thấy vô cùng kinh khủng”. Ông Katnam đã hai lần chứng kiến tai nạn do ổ gà, ổ voi. Hầu hết cư dân TP Hyderabad nói riêng cả Ấn Độ nói chung đều không ít lần trải qua cảm giác kinh khủng ấy nhưng ít người biến nó thành hành động.
Ông Katnam cho biết, mỗi ngày tại TP Hyderabad - nơi ông sinh sống có nhiều người thiệt mạng và bị thương vì ổ gà, ổ voi. Không chỉ vậy, những vết lồi lõm lớn trên đường còn là nguyên nhân gây chấn thương chân và lưng cho người tham gia giao thông. Trong khi, đây là những tai nạn hoàn toàn có thể tránh được. “Tôi đã tới đồn cảnh sát để khiếu nại và bày tỏ mong muốn cảnh sát để tâm tới những người chết oan vì những vết lồi lõm trên đường nhưng họ không làm gì cả”, ông bức xúc nói.
Ông cũng khiếu nại lên TP để sửa chữa nhưng nhận lại chỉ là sự im lặng. Cuối cùng, ông quyết định tự tay vá đường. “Bác sỹ” Katman tự chi tiền cá nhân để mua nguyên vật liệu cần thiết. Năm 2011, ông chính thức nghỉ việc tại công ty phần mềm và dành toàn bộ thời gian miệt mài làm đẹp những con đường.
Song, đây cũng là lúc ông gặp khó khăn. Không còn lương, toàn bộ các khoản chi tiêu gia đình và chi phí tu sửa đường đều phụ thuộc vào khoản lương hưu 23.000 rupee (hơn 7,7 triệu VND). Do đó, tài chính khá eo hẹp. Hơn nữa, ở tuổi xế chiều, sức khỏe không cho phép ông chịu được thời tiết nắng nóng ngoài trời nhiều tiếng liền. Dù không phản đối ra mặt nhưng vợ ông rất lo lắng nguy cơ ông bị đột quỵ.
“Tháng 6/2012, vợ tôi đã gọi con trai hiện đang là kỹ sư phần mềm tại Mỹ về nhà để động viên tôi bỏ việc; Hai cha con nổ ra trận cãi vã lớn. Nhưng, có lẽ “điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi hai cha con cãi vã nảy lửa, một người đi xe đạp vấp phải ổ gà và ngã lăn ra đường trước mắt hai cha con. Lúc đó, con tôi mới nhận ra giá trị công việc tôi đang làm. Thằng bé đã thay đổi suy nghĩ, hơn nữa còn quyết định giúp đỡ tôi”, ông kể.
Sức mạnh lan tỏa
Con trai ông Katman đã thành lập một trang Facebook để chia sẻ về công việc của cha và kêu gọi sự giúp đỡ. Cũng từ đây, ông được nhiều người biết đến và công nhận. Một số tổ chức dân sự đã đề nghị cung cấp nguyên vật liệu sửa chữa đường miễn phí. Nhiều người liên hệ và chung tay tình nguyện giúp ông vá đường. Siêu sao Bollywood Amitabh Bachchan cũng biết tới câu chuyện và đã trực tiếp gửi lời động viên, ủng hộ công việc đầy ý nghĩa này.
Sau 6 năm, thành quả của ông là lấp 1.244 ổ gà, ổ voi. Nhưng với ông, thành quả đó không là gì so với những tình cảm mà người dân dành tặng. Có lần, một gia đình đang đưa con đi học, nhận ra ông đã dừng ngay xe lại và rối rít cảm ơn cũng như chia sẻ với công việc ý nghĩa ông đang làm. Lần khác, một người đi bộ bên đường đã dừng lại và bày tỏ cảm kích với công việc tuyệt vời mà “bác sỹ vá đường” đang cần mẫn thực hiện. Nhân lần đó, ông cũng chia sẻ bạn trẻ thông điệp: “Nếu một người già như tôi còn làm được thì cớ gì người trẻ như cháu không làm được”.
Tuy nhiên, ông vẫn tiếc một điều, sau nhiều năm giới chức địa phương vẫn phớt lờ lời đề nghị sửa đường. Ông đã đề xuất một giải pháp đơn giản đó là cảnh sát giao thông hãy chụp ảnh những hố lồi lõm trên đường, gửi tới các tổ chức dân sự để họ tới nơi sửa chữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận