Ông Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ) |
TP.HCM là nơi “đất lành chim đậu” từ nhiều thế kỷ nay, nhưng theo ông Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ), để nâng TP.HCM lên một vị thế mới phải có định hướng, chiến lược cụ thể về nhân lực.
Chuyển dịch kinh tế phải đi đôi với nguồn nhân lực
Chúng ta có định hướng về phát triển kinh tế 5-10 năm, ông có nghĩ rằng quy hoạch về nhân lực phải đi đôi với phát triển kinh tế?
Đúng vậy, với xu thế chuyển hóa kinh tế hiện nay, ngành Công nghiệp nặng từ thành phố (TP) sẽ phải dần chuyển ra vùng ven với những sản phẩm không phức tạp về kỹ thuật lao động và kết nối hạ tầng tốt. Cụ thể, các công ty có số lượng lao động phổ thông lớn dần chuyển ra vùng ngoại ô. Ngay cả công nghệ bậc trung như cơ khí điện tử, lắp ráp… về lâu dài cũng sẽ phải dịch chuyển dần, có thể là về Đồng Nai, Long An...
"Giữa 2 Nhà nước chủ động và thụ động, chắc chắn chúng ta sẽ chọn Nhà nước chủ động và có định hướng. Một Nhà nước chủ động sẽ không mãi bàn “gà có trước hay trứng có trước”, rồi để cơ hội này đến cơ hội khác trôi đi”. |
Nghĩa là tương lai, ngành công nghiệp nặng và lao động rẻ sẽ không còn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế lâu dài của TP mà chỉ tập trung các lĩnh vực mũi nhọn cơ bản như: Giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng, IT, phần mềm công nghệ cao, đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu, du lịch, khách sạn, y tế, dịch vụ xuất nhập khẩu và hậu cần… Dựa vào định hướng phát triển kinh tế, nhìn thấy lĩnh vực mũi nhọn và từ đó chuẩn bị nguồn nhân lực cho phù hợp.
Ví dụ, với xu hướng công nghệ cao phát triển thì 5 năm tới cần có 300.000 lập trình viên và các lập trình viên này đòi hỏi kỹ năng nào, phải chủ động trước 5 năm chứ không phải đến ngày mới tìm đặt hàng. Hay trong 5-10 năm nữa chúng ta buộc phải tuyển nhân viên có ngoại ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh rồi đến tiếng Nhật, Nga, Trung Quốc...
Nói như ông thì đây là xu hướng tất yếu của bất cứ quốc gia nào trong quá trình phát triển?
Dĩ nhiên rồi. Ở Mỹ, đầu thế kỷ XX đi sâu vào công nghiệp nặng: Dệt, may mặc, giày dép, sắt thép, xe hơi chế tạo ngay ở các trung tâm. Còn bây giờ, nền kinh tế nước Mỹ không còn coi sản xuất xe hơi là công nghiệp chiến lược vì các nước khác đã bắt kịp công nghệ này từ lâu và làm tốt hơn, điển hình là Nhật Bản. Trong khi nguồn lao động nước ngoài dồi dào, tinh vi và giá thấp hơn, nhờ vậy khi nhập xe hơi từ nơi khác rẻ hơn. Đó là một thực tế trong quá trình hội nhập, mà nước Mỹ đang dẫn đầu.
Trước đó tại Mỹ, công nghiệp nặng như sắt thép cực kỳ phồn thịnh. Sau một chu kỳ họ đã chuyển đổi vùng miền, rồi chuyển ra nước ngoài. Ngay cả vùng New England (gồm 6 bang) từng nổi tiếng nhất thế giới về kỹ nghệ dệt, nhưng đến nay đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là những ngành nghề công nghệ cao nổi tiếng thế giới. Để làm đầu tàu cho nền kinh tế thế giới, nước Mỹ luôn chủ động đi trước. TP.HCM muốn tiếp tục làm đầu tàu cho cả nước thì cũng phải vậy thôi.
Các ngành công nghiệp nặng, công ty có lao động phổ thông lớn của TP Hồ Chí Minh cần được dịch chuyển dần về phía ngoại ô, Đồng Nai, Long An... (Trong ảnh: Khu công nghiệp Long Bình, tỉnh Đồng Nai) |
Thế giới phẳng và cơ hội làm việc đa quốc gia
Tại Mỹ chiến lược đào tạo nhân lực thế nào, thưa ông?
Họ có nhiều Trung tâm kế hoạch nhân lực, nằm trong các trường ĐH nghiên cứu.
Tại Bang Massachusetts nơi tôi sống nói riêng và nước Mỹ nói chung, thống kê dữ kiện về nguồn nhân lực ở các trung tâm rất đầy đủ từ số người tham gia lao động, ngành nghề, độ tuổi, số người thất nghiệp, trình độ học vấn và chia nhỏ ra từng lĩnh vực. Báo cáo được cập nhật hàng tháng, quý rất chi tiết và chính xác giúp người làm chính sách về nguồn nhân lực như chúng tôi rất nhiều trong các đề xuất và lập kế hoạch.
Công việc chúng tôi được ví như một bác sĩ có đầy đủ thông tin về bệnh nhân, qua các máy đo, khử, phân tích rất tinh vi và khoa học, chuẩn đoán vấn đề công việc hay bệnh trạng không phải là điều quá khó. Một khi hệ thống vận hành hợp lý, khoa học và tinh vi thì công việc dự báo sẽ chính xác và hiệu quả hơn rất nhiều, còn không thì phần lớn chỉ là đoán mò rồi sau đó đổ lỗi cho nhau.
Thường thì Bộ Lao động, Bộ Y tế và Xã hội và các công ty lớn của Mỹ là nguồn tài trợ cho các đề tài nghiên cứu của các giáo sư, trung tâm, đại học, nghiên cứu và đề xuất kế hoạch lao động, nhân sự. Sau khi nghiên cứu, họ tổ chức hội thảo mở, giúp những người làm ở các bộ phận liên quan đến giáo dục và đào tạo có cái nhìn tổng quát, sau đó phác họa chính sách chứ không phải ngồi đợi các bộ chỉ đạo xuống như trong nước chúng ta.
Để khuyến khích các lĩnh vực trọng tâm, Chính phủ hay TP tại Mỹ có hỗ trợ gì không, thưa ông?
Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, các công ty chuyên về IT và phần mềm ở Mỹ gặp khó khăn khi tìm nhân sự có chuyên môn cao. Chính phủ Mỹ đã chỉ tạo điều kiện các trường đại học, trung tâm đào tạo thêm nguồn, đồng thời Quốc hội đã phê chuẩn tăng số chuyên viên nước ngoài được phép vào Mỹ làm việc theo chương trình H1B (và các chương trình khác) đến190.000/người/năm. Hiện nay, con số này đang ở mức 65.000 người và visa làm việc tối đa 6 năm, sau đó có thể gia hạn.
Ông Trần Đức Cảnh có hơn 4 năm sống và làm việc tại Mỹ, nguyên Giám đốc Chương trình Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Di trú và các Chương trình Xã hội của chính quyền bang Massachusetts. Ông từng là Tư vấn trưởng dự án Ngân hàng Thế giới; Tổng giám đốc Công ty Selco-VN, công ty đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải Công ty Mỹ xuất sắc năm 2001. Ông Cảnh tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế, Thạc sĩ hành chính công trường John F. Kennedy, Đại học Harvard. Ông giúp kết nối các chương trình giáo dục và đào tạo lớn giữa Việt Nam và Mỹ. Hiện, ông là nhà đầu tư và rất quan tâm về giáo dục, đào tạo trong nước. |
Sở dĩ nền CNTT và phần mềm ở Ấn Độ phát triển tốt như hiện nay, phần lớn là do đào tạo, tiếp nhận, đầu tư và chuyển giao công nghệ với các công ty Mỹ trong quá trình gần 3 thập kỷ. Trong đó, chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành nghề này là yếu tố quyết định. Lưu ý đây không phải dạng tổ chức xuất khẩu lao động mà trong một xu hướng mở, thế giới phẳng, bất kỳ người ở nước nào nếu có năng lực thì đều có thể làm việc đa quốc gia. Người Ấn Độ qua Mỹ du học và làm việc rất nhiều, sau họ về nước mở công ty, hợp tác và một số nhận các đơn hàng từ chính các nơi họ đã từng làm việc tại Mỹ.
Chẳng hạn, ở Mỹ tổ chức những trung tâm dịch vụ trả lời và phục vụ khách hàng (Call Center) cho cả thế giới. Khi các hãng bán đủ những loại sản phẩm, đặc biệt là máy móc thiết bị phức tạp, liên quan đến phần mềm, vi tính, trách nhiệm của trung tâm này là hướng dẫn khách hàng về kỹ thuật, giải quyết các khiếu nại. Nếu công ty Mỹ thuê làm việc tại Mỹ 1 giờ tốn 20 USD, thì công ty tại Ấn Độ họ chỉ nhận đơn hàng là 7 USD, tiết kiệm rất nhiều. Mỗi một trung tâm như vậy có khoảng 5.000 người, thậm chí 10.000 người làm việc 24/24h. Đây là một trong những công việc, dịch vụ điển hình có thể thực hiện tại TP.HCM trong tương lai.
Nghĩa là Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có thể học mô hình đào tạo nhân lực từ Mỹ và phát triển mạnh nguồn nhân lực của Ấn Độ?
Đúng vậy, TP.HCM phát triển mô hình như Ấn Độ không khó, quan trọng là phần chuyên môn kỹ thuật phải được đào tạo và cập nhật, phần tiếng Anh và các ngoại ngữ khác phải tốt. Giả sử Việt Nam chỉ cần 10.000 người có điều kiện làm việc tại Mỹ một thời gian, sau đó họ chịu trở về và có điều kiện phát triển, cùng với sự phát triển trong nước thì chúng ta sẽ có nguồn lực dồi dào về IT và công nghệ phần mềm. Do vậy, TP.HCM nên khuyến kích lĩnh vực CNTT, phần mềm vì TP hoàn toàn có thể là nơi đặt một trung tâm dịch vụ như thế để nhận các đơn hàng từ Mỹ. Chương trình học bổng VEF mà tôi từng tham gia ở giai đoạn đầu đã đào tạo 317 người, trong đó có 232 tiến sĩ, 85 thạc sĩ và khoảng 250 người còn đang theo học ở các trường nghiên cứu hàng đầu ở Mỹ. Tôi cho đây là một trong những nguồn lực tốt nhất để phát triển các ngành kỹ thuật trong nước, nhưng hiện nay sự phát triển khả năng của họ khi về nước còn hạn chế.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận