Đời sống

Bài học phòng chống thiên tai sau mưa lũ lịch sử miền Trung

06/12/2020, 06:36

Mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung vừa qua cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong ứng phó, phòng chống thiên tai.

img

Mưa lũ lịch sử tại miền Trung khiến số người chết do sạt lở đất ở mức kỷ lục

Thiệt hại lịch sử, 10 năm sau cũng không thể khôi phục

Từ tháng 9 tới giữa tháng 11, khu vực duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 - 13) và 2 áp thấp nhiệt đới, trong đó bão số 9 đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với sức gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6 - 7 tiếng. Bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung.

Tình trạng ngập lụt trên diện rộng diễn ra tại 7 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam với nhiều đợt nối tiếp và thời gian kéo dài kỷ lục, nhiều nơi ngập kéo dài nửa tháng. Cao điểm là vào ngày 12/10 và 19/10 có trên 317 nghìn hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.

“Tác động dồn dập trong thời gian rất ngắn của 9 cơn bão và mưa lũ lịch sử sau bão kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề, khiến 249 người chết và mất tích. Trong đó số người chết do sạt lở đất ở mức kỷ lục với 112 người thiệt mạng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nói và nhấn mạnh: “Tổng số thiệt hại do mưa lũ miền Trung ước tính hơn 30 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều thiệt hại lớn khác không thể đong đếm, thậm chí có những thiệt hại mà 10 năm sau không thể khôi phục được”.

Qua những con số trên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, công tác ứng phó phòng chống thiên tai hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, lực lượng phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn thiếu chuyên nghiệp, chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu; thiếu trang thiết bị chuyên dùng…

1 đồng cho phòng ngừa sẽ bớt được 7 đồng khắc phục thiên tai

Từ thực tiễn quá trình chỉ đạo, điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả đợt bão, mưa lũ tại miền Trung, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xân Cường cho rằng, có nhiều bài học lớn được rút ra, đặc biệt trong công tác phòng ngừa.

Cần quản lý và bảo vệ thật tốt rừng tự nhiên; tiếp tục trồng và tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển. Rà soát tất cả các quy hoạch chiếm dụng đến đất rừng, hạn chế tối đa việc tác động thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối.
Bộ trường Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

“Tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ rủi ro thiên tai có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, thiên tai đã xác lập tình trạng bình thường mới, nhiều khu vực đã không còn an toàn. Tính mạng của người dân và thành quả của xã hội chỉ được đảm bảo an toàn khi công tác phòng ngừa và ứng phó được coi trọng và thường xuyên lồng ghép trong các hoạt động KT-XH. Đặc biệt cần quan tâm đầu tư cho giai đoạn phòng ngừa bởi 1 đồng cho phòng ngừa sẽ bớt 7 đồng khắc phục, trong khi thực tế giai đoạn này vẫn thường bị xem nhẹ”, ông Cường dẫn giải.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp nhất là về mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai.

Do đó giải pháp trước mắt cần rà soát, đánh giá tình hình thiên tai, các tác động đến mọi mặt của dân sinh, năng lực dự báo, ứng phó và cứu hộ cứu nạn, cơ chế chính sách... một cách bài bản, toàn diện; đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để hoạch định chiến lược, tổ chức bộ máy, nguồn lực và các bước đi phù hợp.

“Nâng cao năng lực cơ quan phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn cả về tính chuyên nghiệp và trang thiết bị để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng nặng nề và cấp bách, bảo vệ xã hội có quy mô ngày càng lớn về dân số và giá trị nền kinh tế. Trong đó, tập trung xây dựng trung tâm điều hành, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp với thực thi nhiệm vụ trong điều kiện thiên tai, bổ sung, tăng cường lực lượng chuyên nghiệp, nhiệt huyết, giỏi nghiệp vụ, không sợ khó khăn nguy hiểm”, ông Cường nhấn mạnh.

Về lâu dài cần xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, nhất là bão lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.

Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư trong giai đoạn bảo đảm thực hiện đa mục tiêu, gắn với phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh đó nhanh chóng xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng, miền. Xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lụt hạ du các hồ chứa với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời, tái định cư…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.