"Dưa hỏng thì vụ sau trồng tiếp. Tôi hi vọng các cháu sẽ nhận ra lỗi lầm của mình để sửa chữa. Chỉ có tha thứ mới làm cho con người gần nhau hơn".
Đó là chia sẻ của ông Phan Văn Tôn (SN 1956, ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An), người đã gào khóc thảm thiết bên ruộng dưa hấu sắp đến ngày thu hoạch bị kẻ xấu đập phá không thương tiếc, cách đây vài ngày.
Ông Tôn nằm khóc khi thấy ruộng dưa hấu đến kỳ thu hoạch bị hái trộm và đập phá tới đỏ ruộng. (Ảnh do người dân ghi lại)
Nhìn hình ảnh ông Tôn lăn lộn bên hàng trăm quả dưa bị đập nát, văng tung tóe khắp ruộng, nhiều người không khỏi xót xa. Càng thương cảm hơn khi biết hoàn cảnh của vợ chồng ông, có 4 người con nhưng không được lành lặn, quanh năm lấy viện làm nhà.
Mọi chi phí, sinh hoạt của cả nhà chỉ trông vào mấy sào dưa. Bởi thế mà khi chứng kiến ruộng dưa vô cớ bị phá hoại, ông đã tuyệt vọng đến nhường nào.
Chuyện xảy ra vào trưa 3/7, khi đi qua ruộng dưa hấu của gia đình ông Tôn, nhóm 5 thanh thiếu niên là người địa phương vào ăn trộm thì bị phát hiện và bị nhắc nhở.
Cùng ngày, khi đi uống rượu về, các đối tượng quay lại ruộng dưa hấu của gia đình ông Tôn đập phá nhằm trả thù.
Không khó khăn gì, ngay sau đó công an đã tìm ra được 5 thanh thiếu niên nói trên. Đáng chú ý, trong số này có 3 người chuẩn bị tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Vốn là những nông dân nghèo, không được ăn học nên cả hai vợ chồng ông Tôn đều không biết chữ.
Nhưng ông bà đã làm một việc đầy tình người, đó là nhờ viết đơn bãi nại cho các thanh thiếu niên đã phá ruộng dưa nhà mình. Nhờ thế, 3 thiếu niên kia mới có cơ hội về tham dự kỳ thi vào ngày 7/7.
“Cuộc sống ai cũng có sai lầm mà các cháu thì tuổi đời đang trẻ, suy nghĩ chưa được chín chắn nên mới hành động dại dột như vậy.
Nếu gia đình tôi không làm như vậy các cháu sẽ lỡ kỳ thi quan trọng cả đời”, ông Tôn lý giải về việc viết đơn bãi nại, tha thứ cho những kẻ đã khiến ông đau đớn như cắt từng khúc ruột khi chứng kiến ruộng dưa bị phá.
Sau khi câu chuyện được báo chí phản ánh và lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự cảm kích trước tấm lòng của vợ chồng người nông dân nghèo.
Hành xử của vợ chồng ông thực sự khiến không ít người phải suy nghĩ, coi đây là bài học về tính nhân văn, ứng xử giữa con người với nhau trong xã hội.
Hành xử ấy chắc chắn sẽ cảm hoá được những thanh thiếu niên bồng bột, để họ sẽ không phạm sai lầm trong quãng đời còn rất dài phía trước.
Và hơn thế nữa, câu chuyện của vợ chồng ông lão trồng dưa, dù không biết chữ những cũng đọng lại nhiều điều để mỗi chúng ta một lần nhìn lại. Trong công việc và cuộc sống hàng ngày, liệu có khi nào đáng ra phải làm như vậy mà ta đã không làm?
Bởi khi đối mặt với những sự việc khiến ta đau lòng, uất ức, tổn thương, dễ mấy ai bình tĩnh được để nghĩ trước, nghĩ sau, để lựa chọn cách phản ứng ít tiêu cực nhất, nhân văn nhất?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận