Đô thị

Bàn giải pháp quản chặt xe hợp đồng

21/08/2024, 18:38

Số lượng xe hợp đồng, xe biển trắng hoạt động như tuyến cố định ngày càng rầm rộ làm gia tăng ùn tắc, tăng nguy cơ mất ATGT.

Xe hợp đồng, biển trắng hoạt động như tuyến cố định

Tại tọa đàm "Quản lý xe hợp đồng: Giải pháp nào hiệu quả" diễn ra ở Hà Nội hôm nay (21/8), bà Đỗ Hương Giang - Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hà Nội thông tin, ở Hà Nội hiện có trên 37.000 xe hợp đồng, trong đó 18.000 xe dưới 9 chỗ. Xe tuyến cố định có 3.300 xe. Lượng xe hợp đồng gấp nhiều lần xe tuyến cố định, xe hợp đồng dưới 9 chỗ nhiều hơn xe taxi. 

Bàn giải pháp quản chặt xe hợp đồng- Ảnh 1.

Xe hợp đồng hoạt động trá hình đón trả khách như tuyến cố định.

Theo bà Giang, trên địa bàn còn tình trạng xe biển trắng đang hoạt động chở khách âm thầm, không đúng quy định nhưng chế tài quản lý vô cùng khó khăn. 

"Số lượng xe tư nhân hiện nay rất lớn, hàng trăm nghìn xe, lớn hơn xe hợp đồng rất nhiều, để họ tự do kết nối với nhau, khó quản lý. Hà Nội đã có chuyên đề 05, chống xe dù bến cóc, nhưng chỉ trong phạm vi xe biển vàng, không kiểm soát được xe biển trắng, do có nhiều yếu tố dân sự", bà Giang nói và khẳng định đây là điều cơ quan quản lý rất trăn trở.

Chia sẻ về hoạt động kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, một doanh nghiệp tuyến cố định vào bến phải đăng ký biểu đồ, lốt, giờ, được hiệp thương… 

Quy trình rất phức tạp. Trong khi đó, limousine không phải đăng ký. Vì thể xe limousine cứ thế bùng phát. 

Một tỉnh nhỏ như Phú Thọ nhưng có tới 1.000 xe ghép. Ngay cạnh sân bay Nội Bài cũng có hơn 1.000 xe ghép, số lượng ngang với trong sân bay.
Ông Nguyễn Công Hùng

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó trưởng Phòng quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam bày tỏ, xe khách trong bến đang làm theo luật là xuất phát theo giờ cố định nhưng xe hợp đồng lại có thể "xé rào", có thể chạy tùy ý. Hiện các nhà xe hiện nay bán vé trực tuyến nên không cần lo việc xếp hàng mua vé gây ách tắc. Thế nên cứ xe nào đủ khách thì cho đi.

Theo ông Hoàng Anh, xe hợp đồng vận chuyển nhiều loại hành khách như thăm quan, du lịch, công nhân, học sinh. Phạm vi hoạt động rộng, thường xuyên, tuyến đường, ngõ ngách, nhiều khung giờ. Từ đó nảy sinh việc xe hợp đồng chạy như xe cố định. 

Việc xác định xe hợp đồng thu thuế, hiện nay chỉ nộp mỗi thuế môn bài. Xe tuyến cố định phải nộp các loại thuế khác. Để xác định xe này chở khách hợp đồng phải có nghiệp vụ giỏi. Một xe xác định xe chạy hợp đồng nhưng lái xe nói đi sửa chữa hoặc chở người nhà, để xác định hành vi rất vất vả.

Đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh

Cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động xe hợp đồng, biển trắng nếu không thời gian tới nguy cơ xe taxi bỏ mào, xe cố định bỏ bến để hoạt động linh hoạt, ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam bày tỏ: Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu xe dưới 9 chỗ là loại hình mới. Loại hình này cần có tên gọi rõ ràng, mới thu thuế được.

Cùng đó, theo ông Hùng: Cần xác định rõ khái niệm xe hợp đồng, nếu gom khách là vi phạm, còn nếu vào bến, các đơn vị kinh doanh có khó khăn gì cần nêu ra để địa phương điều chỉnh. Chúng tôi đề nghị địa phương quy định cụ thể để doanh nghiệp chấp hành.

Ôông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc nhà xe Vân Anh bày tỏ, bản chất xe hợp đồng và xe tuyến cố định không khác nhiều, nhưng vận hành xe hợp đồng hiệu quả hơn rất nhiều về đầu tư. Đầu tư như nhau, nhưng vận doanh của xe hợp đồng gấp nhiều lần, xe vào bến tốn nhiều loại thuế, phí: bến, VAT vé, thuế thu nhập doanh nghiệp… Doanh nghiệp gánh nhiều thuế phí khó giảm giá cạnh tranh với xe hợp đồng. Xe hợp đồng không phụ thuộc giờ giấc, không có gì hạn chế khách hợp đồng với doanh nghiệp, quay đầu nhiều thì giá vé xe giảm xuống.

"Cơ quan quản lý cần cởi mở cho xe cố định bằng hình thức nào đó, để xe cố định linh hoạt hơn, cạnh tranh được với loại hình mới. Đơn vị của tôi vận doanh 70.000 - 80.000 khách/tháng, phải vào bến, nếu không được đi xuyên tâm, mất cả chục xe trung chuyển, phát sinh nhiều chi phí", ông Dũng đề xuất. 

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH và Dịch vụ Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) cho rằng: "Hiện Công ty Sao Việt chạy 21 xe bến xe Mỹ Đình. Chúng tôi phải tăng 41 xe mới đủ nhu cầu khách hàng, nhưng việc phát triển 41 xe không phải là một câu chuyện dễ vì Iên quan đến quy hoạch. Hành khách đi xe không chờ được mình và lựa chọn hình thức khác, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng nhu cầu hành khách. Việc mở thêm xe hợp đồng chúng tôi phải tuân theo quy định với giấy phép kinh doanh, hợp đồng khách…".

Vì vậy, ông Bằng cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh tuyến cố định và hợp đồng đều cần được tồn tại, phục vụ nhu cầu của hành khách. Nhưng quan trọng là quản lý đảm bảo hài hoà về mặt lợi ích, bình đẳng. 

Ở góc độ quản lý bến xe, ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm bày tỏ: Giải pháp hiện cần bàn là chỗ đỗ xe, điểm trả khách cho xe hợp đồng. Tôi nghĩ rằng bến xe không nên chỉ dành cho xe tuyến cố định mà còn có thể các xe chở khách hợp pháp khác vào bến. Nếu làm như thế thì không có thiệt gì cho bến xe mà các doanh nghiệp hoạt động sẽ hợp pháp hơn. Như thế hài hòa hơn lợi ích cho các phương tiện khác. Cơ quan thuế cũng dễ quản lý hơn khi các xe vào bến. Bên cạnh đó có thể thay đổi việc đỗ xe trả khách không cần chỉ 1 sàn, mà có thể nâng lên nhiều sàn.

"Cơ quan nhà nước cần xử lý hài hòa giữa xe tuyến cố định và xe hợp đồng. Cho xe hợp đồng vào bến chỉ cần quy định giờ đỗ 10-15 phút ra ngay. Như thế việc doanh nghiệp không vướng mắc việc thời gian xuất bến, chỉ cần đủ khách thì cho phép xe chạy", ông Lập đề xuất.

Ông Nguyễn Xuân Thuỷ - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cho rằng: Chúng ta định hướng thị trường chứ không để thị trường định hướng. Chúng tôi sẽ tham mưu để tổ chức giao thông với xe hợp đồng. Chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu hành khách nhưng phải theo giờ.

Liên quan đến ý kiến chế tài mạnh với doanh nghiệp về thu hồi phù hiệu và ý kiến xử lý đưa ra thực hiện hay không, ông Thuỷ bày tỏ sẽ tiếp tục được nghiên cứu, đưa vào khi soạn thảo quy định pháp luật. Chúng tôi sẽ đưa theo hướng giảm xử phạt doanh nghiệp nhưng đủ sức răn đe. Với xe dưới 8 chỗ được đi xe ghép trong khi taxi kê khai giá, sẽ thực hiện theo hướng dẫn của nghị định hướng dẫn Luật Giá và do UBND tỉnh, thành phố quyết định.

Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội là đơn vị đầu tiên thực hiện kiểm tra sai phạm qua thiết bị giám sát hành trình. Các tổ liên ngành đã đến tận doanh nghiệp đề nghị các doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình và các số hiệu phương tiện để giám sát hành trình

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã xử phạm hơn 1.870 trường hợp sai phạm, xử phạt 6,5 tỷ đồng, tạm giữ 27 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 300 trường hợp, tước phù hiệu hàng chục phương tiện

Thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra tại các đơn vị doanh nghiệp, kiểm tra qua các thiết bị giám sát hành trình để xử lý vi phạm.



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.