Ảnh minh họa |
Thực tế, vừa qua có một số cá nhân đang công tác ở các cơ quan, đơn vị, một số địa phương sử dụng xe ô tô giá trị lớn, không đúng định mức do doanh nghiệp biếu, tặng mà dư luận đã phản ánh, báo chí lên tiếng.
Và để hạn chế tình trạng này, luật đã đưa ra quy định cấm.
Trước hết, trong điều kiện nước ta còn khó khăn, việc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biếu, tặng xe ô tô và các loại tài sản khác cho các cơ quan, tổ chức trong nước là việc làm cần được ghi nhận, nhất là các loại xe chuyên dụng phục vụ công cộng như: Xe cứu thương, xe chuyên dụng phòng, chống bão lụt... Và tài sản đó đã được xác lập quyền sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện quyền chủ sở hữu, được pháp luật công nhận.
Vấn đề đặt ra ở đây là động cơ, mục đích tặng, cho có trong sáng hay không. Việc tặng xe hoặc tài sản cho địa phương liệu có phải để được sự ưu ái trong quan hệ có lợi cho mình hay không? Vì vậy, theo tôi, cách thức xác lập, chuyển giao quyền sở hữu và xác định rõ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận là ai, đồng thời việc quản lý, sắp xếp, phân bổ lại để sử dụng như thế nào cho đúng và hợp lý mới là nội dung cốt lõi của vấn đề này.
Thứ hai, tài sản do các chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu Nhà nước tức là tài sản đó đã được xác lập quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Khi đưa vào sử dụng phải đảm bảo đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức và theo quy định. Nếu ai đó cố tình sử dụng không đúng mục đích, khi phát hiện thì phải được xử lý một cách kiên quyết, thu hồi điều chỉnh cho phù hợp.
Từ những phương thức nêu trên, tôi đề nghị không cần thiết phải bổ sung hành vi nghiêm cấm này mà chúng ta nên thiết lập một cơ chế tiếp nhận tài sản và tập trung tại một đầu mối do một cơ quan quản lý thống nhất trong toàn quốc. Sau đó, có sự sắp xếp, phân bố, sử dụng tài sản đó một cách bảo đảm đúng tiêu chuẩn định mức, chế độ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất.
Về sử dụng tài sản được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trang bị để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế và mục đích cho thuê, kinh doanh dịch vụ liên kết, liên doanh, việc này sẽ góp phần hạn chế lãng phí nguồn lực tài sản trong quá trình phát triển đất nước.
Tuy nhiên, các quy định như trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn quá chung chung, thiếu tính cụ thể, còn nhiều lỗ hổng pháp lý có thể dẫn tới Nhà nước chẳng thu được gì từ việc khai thác ấy, mà thậm chí còn dẫn đến việc thất thoát tài sản công. Do đó, đề nghị ban soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, cân nhắc thấu đáo để quy định chặt chẽ hơn bằng các cơ chế, chế tài cụ thể.
ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận