Cách đây ít hôm, sau trận đấu nghẹt thở với U22 Thái Lan, tiền đạo Tiến Linh tiết lộ: “Bị dẫn trước 0-2, thầy Park nói với chúng tôi rằng hãy chiến đấu và cho mọi người thấy mình là người Việt Nam”.
Trước đó nữa, họp báo sau trận thắng ngược Indonesia tối 1/12 tại vòng bảng, ông Park cũng nói rằng: “Chúng tôi đã cho thấy tinh thần Việt Nam. Chúng tôi phải nhận bàn thua trong hiệp 1, nhưng không từ bỏ. Cả đội đã chiến đấu và chiến thắng. Đó là tinh thần Việt Nam - tinh thần không bao giờ bỏ cuộc”.
Và hôm qua, trước trận chung kết lịch sử với chính đối thủ này, sau khi chứng kiến tuyển nữ giành HCV, HLV Park Hang-seo quả quyết: “Tôi mơ hai đội tuyển cùng mang HCV trở về”. Cuối cùng, ông và các học trò, bằng nỗ lực, quyết tâm cháy bỏng, đã biến giấc mơ thành hiện thực, sau trận thắng thuyết phục 3 - 0 trước Indonesia trong trận chung kết. Cả đất nước Việt Nam vỡ òa với chiếc HCV lịch sử.
“Trước trận đấu, chúng tôi đã nói với các cầu thủ rằng phía sau lưng họ là nhân dân Việt Nam. Các học trò của tôi đã khắc phục được khó khăn để chiến đấu và giành chiến thắng xứng đáng”, ông Park nói và khi được hỏi đâu là bí quyết chiến thắng của U22 Việt Nam ở giải năm nay, vị HLV người Hàn Quốc không ngần ngại nhấn mạnh: “Đó chính là tinh thần Việt Nam”.
Trên khán đài hôm qua có bóng dáng những nữ cầu thủ - những người trước đó hai hôm cũng bằng sự quả cảm, bản lĩnh, kiên cường, chiến đấu như những chiến binh suốt 120 phút trên sân Rizal Memorial (Philippines) để bảo vệ thành công chiếc HCV SEA Games lần thứ hai liên tiếp và lần thứ 6 trong lịch sử các kỳ đại hội.
Nhưng kỳ SEA Games này, đoàn Việt Nam không chỉ có sự quả cảm, bản lĩnh của những cô gái, chàng trai đá bóng.
Để có được chiếc HCV cự ly 400m, Nguyễn Thị Huyền đã trở lại tập luyện chỉ sau ba tháng sinh con và ba tháng sau con gái cô đã phải cai sữa mẹ. “Con gái tôi vì thế chịu thiệt thòi. Tấm HCV này là mồ hôi, nước mắt của hai mẹ con”, Huyền tâm sự.
Thay vì rạng rỡ trên bục nhận HCV, người ta thấy VĐV môn cử tạ Vương Thị Huyền òa khóc. Huyền nhớ về người cha mất trước ngày cô lên đường dự SEA Games.
Trên đất Philippines, nhiều người cũng rớt nước mắt trước hình ảnh Phạm Thị Hồng Lệ cấp cứu trong phòng y tế, phải thở oxy sau khi cán đích trên đường chạy marathon 42km. 4 con dốc cao, có dốc dài đến 600m trong khi trời nắng nóng khủng khiếp, cô gái quê Bình Định vẫn không bỏ cuộc. Lệ mới 21 tuổi, chỉ nặng 42kg và lần đầu tham dự SEA Games.
Hay như Trần Thị Thêm, khi biết mình chiến thắng tuyệt đối 5-0 trước đối thủ người Indonesia Kause Jeni Elvis và giành tấm HCV Pencak Silat hạng cân dưới 55kg, cô đã òa khóc ngon lành. Hồi tháng 8, tại Đại hội Võ thuật châu Á, chính Kause Jeni Elvis đã thi đấu rất tốt, thậm chí còn khiến Thêm bị chấn thương. Tại SEA Games 30, Thêm vẫn còn đang đau nhưng đã cố gắng hết sức để đánh bại đối thủ này.
“Tôi chạy xe ôm mỗi ngày hai tiếng, sau giờ tập luyện. Có lúc còn chuyển sang làm phụ bếp. Hoàn cảnh khó khăn nên phải vậy thôi”, Phạm Thị Thu Trang nở nụ cười hiền khi chia sẻ sau khi xuất sắc giành HCV nội dung đi bộ 10.000m nữ.
Còn Phạm Thị Thanh, sau khi bị đối thủ chủ nhà dẫn trước ở nội dung cử tạ hạng 64kg, đã quyết định táo bạo nâng mức cử đẩy lên 124kg để giành chiến thắng. Thanh mới 20 tuổi và cũng lần đầu dự SEA Games.
Đấu trường thể thao có những giọt mồ hôi, nhưng cũng có cả máu và nước mắt. Ở đó, có kẻ thắng, người thua, nhưng tinh thần quả cảm, nỗ lực tột cùng là thứ sẽ không lẫn vào đâu được. Hơn ai hết, mỗi VĐV hiểu rằng, hàng triệu con tim đang dõi theo, động viên và hy vọng.
Giây phút đặt tay lên ngực trái, nơi có lá cờ đỏ sao vàng và hát vang Quốc ca Việt Nam mãi là điều thiêng liêng, tự hào và trân quý nhất của tinh thần, của bản lĩnh Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận