Tài chính

Bán nợ từ vài triệu tới trăm tỷ, ngân hàng tất bật thu tiền cuối năm

17/12/2021, 06:25

Nhiều khoản nợ nhỏ từ vài triệu, lớn tới trăm tỷ đồng được ngân hàng tới tấp rao bán để tăng cường thu nợ...

Giữa tháng 12, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang. Khoản nợ này bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi, phí phát sinh với giá khởi điểm hơn 487,2 tỷ đồng.

Công ty Đầu tư Thành Quang được biết đến là chủ đầu tư của dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh (Hà Nội) với công suất xử lý chất thải 500 tấn/ngày, có tổng mức đầu tư của dự án là hơn 768 tỷ đồng.

img

Nhà máy xử lý rác thải huyện Đông Anh

Cùng thời điểm này, một khoản nợ lớn nữa tại BIDV của Công ty TNHH Thép Việt Nga cũng được mang ra đấu giá. Tổng dư nợ của khoản vay được đấu giá tính đến ngày 2/7/2021 là hơn 475 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là gần 267 tỷ đồng.

Một khoản nợ có giá trị cao hơn nữa vừa được Vietcombank khẩn trương thu hồi khi ngân hàng này thông báo phát mại tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen Việt Nam với giá khởi điểm hơn 1.184 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nhà xưởng; hệ thống thiết bị máy móc sản xuất sợi tại các nhà máy của công ty Evergreen Việt Nam… tại các thửa đất ở KCN VSIP II và KCN Việt Nam – Singapore (huyện Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Đây là ba trong số các khoản nợ có giá trị cao nhất mà bản thân BIDV cũng như các ngân hàng ồ ạt mang đấu giá thời gian gần đây.

Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước, thời điểm gần đây không chỉ các khoản nợ lớn có đơn vị tỷ đồng được rao bán mà nhiều khoản nợ rất nhỏ thuộc nhóm tiêu dùng cũng được ngân hàng rao bán.

Đi đầu trong bán các khoản nợ tiêu dùng có giá trị nhỏ là Vietinbank khi ngân hàng này vừa rao bán một khoản nợ chỉ hơn 1 triệu đồng. Đây được xem là món nợ nhỏ nhất trong số gần 80 khoản nợ tiêu dùng mà Vietinbank rao bán vừa qua, cũng là món nợ nhỏ nhất mà các ngân hàng rao bán từ trước tới nay.

Theo các ngân hàng, do tác động của dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động sản xuất - kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, không thể thanh toán được nợ vay ngân hàng khi đến hạn, biến các khoản nợ này thành nợ xấu.

Tuy nhiên, việc bán nợ hay tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cũng không dễ trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Nhiều khoản nợ được các ngân hàng rao bán nhiều lần vẫn không thành.

Như khoản nợ của Công ty thép Việt Nga nói trên, BIDV đã rao bán đến lần thứ 7 là giá khởi điểm đã giảm phân nửa khi chỉ còn hơn 289 tỷ đồng nhưng vẫn khó bán.

Hay khoản nợ của Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang ban đầu có giá khởi điểm gần 700 tỷ đồng nhưng sau nhiều lần rao bán đã hạ giá còn hơn phân nửa nhưng vẫn đọng lại.

Nhiều khoản nợ khác tại ngân hàng này và nhiều ngân hàng khác có giá trị lớn, liên quan tới tài sản thế chấp là đất đai, nhà xưởng, máy móc… cũng được rao nhiều lần, thậm chí có khoản nợ rao bán hơn 10 lần nhưng vẫn không dứt điểm.

Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO, Việt Nam đang thiếu thị trường mua bán nợ. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mua bán nợ của các ngân hàng như hiện nay theo ông Hải thực ra chỉ là sự đảo nợ có can thiệp của Ngân hàng Nhà nước chứ chưa phải là mua bán nợ theo cơ chế thị trường.

Liên quan đến tài sản thế chấp là bất động sản, ông Hải cho rằng, thị trường mua bán nợ bất động sản hướng tới tài sản bảo đảm của các khoản nợ.

“Nếu pháp lý về tài sản rõ ràng thì khoản nợ có thể mua bán thuận lợi và ngược lại. Tuy nhiên hiện tại pháp luật đất đai còn tồn tại không ít bất cập nên chưa khuyến khích thị trường mua bán nợ bất động sản phát triển, mà việc cấp giấy tờ sở hữu bất động sản là một minh chứng”, ông Hải nói.

Nếu mở rộng cho phép nguồn lực đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ, theo ông Hải lại gặp phải vướng mắc liên quan đến quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được trở thành bên nhận thế chấp bất động sản tại Việt Nam.

Ngoài ra, ông Hải cũng cho rằng, sự kém hiệu quả trong khâu xử lý nợ liên quan đến tố tụng tòa án, thi hành án hiện nay cũng làm cho việc xử lý nợ của các ngân hàng khó khăn.

“Tiến trình đưa một khoản nợ xấu ra tòa án các cấp giải quyết cho đến khi nhận được tiền từ cưỡng chế thi hành mất rất nhiều thời gian, phí tổn của người xử lý nợ. Đây là một vướng mắc pháp lý khác cản trở sự phát triển của thị trường xử lý nợ xấu”, Giám đốc Công ty Luật BASICO nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.