Tuy nhiên, có luồng ý kiến hoài nghi khả năng báo chí kiến tạo có thể vượt lằn ranh giữa đưa tin và vận động hành lang.
Độc giả chỉ cần thông tin chất lượng
Cách đây 60 năm, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là John F.Kennedy thăm thành phố Dallas, bang Texas, ông đã chuẩn bị sẵn một bài phát biểu trong túi áo ngực. Nhưng chưa kịp đọc, ông đã bị ám sát và bài phát biểu chưa đến được với công chúng.
Ông Ulrik Haagerup chia sẻ tại Hội nghị Báo chí Kiến tạo toàn cầu năm 2017
Sau đó, bài phát biểu này được tìm thấy trong chiếc áo vest sũng máu và bất ngờ thay, trong đó có một lời cảnh báo ông chưa có dịp chia sẻ với thế giới: “Sự dốt nát và thông tin lệch lạc có thể tác động tới an ninh quốc gia Mỹ. Trong một thế giới đầy rẫy những vấn đề phức tạp, ngập tràn những bức xúc và bất mãn, thì nước Mỹ cần phải được dẫn dắt bằng ánh sáng của sự hiểu biết và lý trí”.
Lời cảnh báo này đã được ông Ulrik Haagerup, cựu CEO Tập đoàn Truyền hình Đan Mạch (DR) và là người sáng lập, CEO Học viện Kiến tạo (nơi đào tạo các nhà báo theo hướng kiến tạo) dùng làm câu chuyện mở đầu trong cuốn sách mang tên “Tin tức kiến tạo” của ông. Cuốn sách viết về xu hướng báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp.
Theo ông, những bản tin tiêu cực, lệch lạc về lâu dài sẽ ngầm tác động mạnh tới niềm tin của xã hội, thậm chí suy giảm an ninh quốc gia.
Năm 2015, hãng phân tích toàn cầu Ipsos Mori đã phát hiện khoảng cách rất lớn giữa sự thật và cảm nhận của công chúng về sự thật. Khi nghe nói quá nhiều đến thất nghiệp, người Ý cho rằng, gần nửa dân số nước này đang trong tình trạng không có công ăn việc làm nhưng thực tế, tỷ lệ thất nghiệp năm 2014 chỉ ở mức 12%.
Trong khi không ít người bao gồm cả một số nhà lãnh đạo, đưa ra quyết định không dựa trên thực tế mà dựa trên cái họ cho là sự thật hay điều họ muốn là sự thực.
Bản thân nhà báo Ulrik Haagerup tâm sự, từ cương vị là một phóng viên, tổng biên tập cho đến giám đốc tin tức cho tổ chức báo chí lớn nhất đất nước Đan Mạch, ông đã nhiều lần tự dằn vặt, hỏi mình đã làm được điều gì có ích cho xã hội, hay ước vọng đó đã dần nhường chỗ cho việc làm hài lòng văn hóa đưa tin.
Ông chỉ ra, báo chí truyền thông hiện đang ở bước ngoặt và “thuốc chữa” không phải là những ứng dụng mới, thời hạn viết bài gấp gáp hơn hay những nội dung na ná nhau.
Người dân không cần thêm thông tin. Họ cần thông tin có chất lượng hơn. Báo chí cần đưa tin phù hợp, có ý nghĩa với cuộc sống.
Điển hình về báo chí kiến tạo
Báo chí cần đưa tin phù hợp, có ý nghĩa với cuộc sống (Ảnh minh họa)
Trên thế giới, xu hướng này thực sự đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Sự chuyển đổi của Đài truyền hình ABC News (Australia) là một điển hình. Hãng tin này từng chia sẻ, họ đang hướng theo cách tiếp cận báo chí kiến tạo, tập trung vào giải pháp.
Nhà báo Angela Ross của ABC News cho biết: “Cách tiếp cận này không có nghĩa chúng tôi tăng cường sản xuất những câu chuyện sướt mướt hay lờ đi vấn đề, hoặc chọn cách nhìn thiếu gai góc, bình luận.
Những người làm báo tại ABC News đang chuyển theo hướng làm cách nào để có thể đưa ra những bức tranh chính xác hơn về thế giới, đồng thời đặt trong bối cảnh rõ ràng”.
Angela Ross dẫn ví dụ, khi thông tin về tình hình Covid-19, thay vì chỉ đưa tin có bao nhiêu người tử vong thì các nhà báo phải có ý thức đưa thêm số người đã hồi phục để tránh gây hoang mang, sợ hãi.
Ngoài ra, hãng tin này cũng sản xuất thêm những bài viết về cách con người đối phó, phản ứng với các vấn đề lớn trên thế giới thay vì chỉ nêu bật những vấn đề tồn tại.
Với mục tiêu đó, ABC News đã thành lập riêng một nhóm phóng viên trong phòng tin tức TP Hobart, bang Tasmania, Australia để đi đầu theo hướng tích cực khi đưa tin về các vấn đề giá nhà và béo phì.
Trước đây, những chủ đề này thường được đưa tin theo kiểu đó là vấn đề cần chính phủ phải khắc phục, khiến cho độc giả về lâu dài cảm thấy bất lực, không có giải pháp và thiếu tin tưởng vào chính phủ.
Hậu quả, nhiều cuộc khảo sát cho thấy, niềm tin vào chính trị gia tại Australia đã ở mức thấp nhất mọi thời đại (theo khảo sát năm 2020). Người dân phàn nàn rằng chính phủ thất hứa, không chịu trách nhiệm và không giải quyết các vấn đề quan trọng.
Trong khi đó, những cá nhân, cộng đồng đã tìm được cách giải quyết được những vấn đề này lại ít được nhắc tới.
“Điều quan trọng là chúng tôi không vận động cho bất cứ giải pháp nào mà xác định vai trò của mình là dùng cách tiếp cận này để đưa ra thêm giải pháp và giải thích những hạn chế của giải pháp đó để rút kinh nghiệm”, nhà báo Angela Ross nói.
Có lẽ cũng nhờ cách tiếp cận như vậy, mà theo một cuộc khảo sát thực hiện năm 2020, đa phần người được hỏi đều cho biết họ tin tưởng ABC hơn các đài báo khác tại Australia.
Nhìn rộng hơn, ABC không phải là đài đầu tiên trên thế giới đi theo xu hướng kiến tạo, nhiều hãng tin lớn trên thế giới như New York Times cũng đang đi theo hướng báo chí xây dựng.
Lằn ranh giữa giải pháp và vận động hành lang
Tại Diễn đàn Truyền thông toàn cầu, nhiều nhà báo đi đầu về xu hướng báo chí kiến tạo như bà Gerd Maria May, nhà sáng lập công ty tư vấn Room of Solutions và nhà quản lý Hệ thống Báo chí giải pháp châu Âu - Nina Fasciaux đã tham dự.
Họ đều cho rằng, báo chí giải pháp hay kiến tạo là cách viết đặt trong bối cảnh chung, nhìn theo nhiều chiều hướng, đưa ra giải pháp thay vì chỉ nhăm nhe theo hướng giật gân, tiêu cực.
Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra có nhiều luồng ý kiến hoài nghi khả năng báo chí kiến tạo có thể vượt lằn ranh giữa đưa tin và vận động hành lang.
Do đó, bà Fasciaux nhấn mạnh, điều quan trọng là nhà báo cần thật tỉnh táo để tránh sa đà vào xu hướng vận động hành lang và lợi ích nhóm.
“Người làm báo không nên nghiêng theo bất cứ chủ nghĩa hành động nào mà cần phải có cái nhìn khách quan khi đưa ra giải pháp để không trở thành người định hướng, lôi kéo dư luận theo chủ ý của nhóm lợi ích phía sau”, bà Fasciaux nói.
Nhiều tổ chức như Hệ thống Báo chí giải pháp và Học viện Kiến tạo đã được thành lập để khuyến khích xu hướng thay đổi.
Nhiều chuyên gia báo chí truyền thông trên thế giới đều nhận định, báo chí kiến tạo sẽ là xu hướng tất yếu trên thế giới. Đó là con đường mà báo chí phải đi, nếu muốn giữ chân độc giả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận