Do đặc thù công việc, nên tôi rất hay phải rời cơ quan vào tối muộn.
Trên quãng đường di chuyển từ phố Kim Mã về nhà, tôi tuần tự lưu thông qua Ngọc Khánh- Đê La Thành- Xã Đàn- Giải Phóng- Minh Khai… Và trong những lần đó, tôi đều đặn chứng kiến tổ CSGT thường xuyên chốt trực tại một ngã ba khá đông đúc. Họ liên tục dừng các xe ô tô qua đây để kiểm tra nồng độ cồn.
Và cho đến lần vừa rồi, chính tôi cũng bị dừng xe. Tuy nhiên, do điều khiển xe máy nên tôi cũng cảm thấy khá bối rối. Lâu nay tôi nghĩ ở chốt trực này, CSGT chỉ dừng ô tô mà thôi.
Với việc xử lý của ngành công an như bây giờ, chắc chắn rất nhiều người sẽ không dám lái xe khi đã uống rượu bia. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, tôi chỉ mất chưa đầy 1 phút cho việc dừng xe kiểm tra. Sau khi thông báo tôi không vi phạm sau khi đo nồng độ cồn, chiến sĩ CSGT nói cảm ơn vì đã hợp tác và mời tôi tiếp tục lưu thông.
Quan sát kỹ, tôi mới thấy có rất nhiều xe máy đang bị tạm giữ trên vỉa hè. Chủ nhân của những chiếc xe đó chắc hẳn vừa bị lập biên bản lỗi nồng độ cồn.
Trên quãng đường mà tôi vừa di chuyển, có khá nhiều nhà hàng, quán nhậu, dường như tối nào cũng rất đông khách. Và với việc đi xe máy ra đường vào khung giờ muộn như vậy, việc tôi bị CSGT dừng xe kiểm tra có lẽ không có gì là lạ!
Sau lần này, tôi cũng chuẩn bị sẵn tinh thần cho mình là có thể bị cảnh sát yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn bất cứ khi nào, ở trên bất cứ quãng đường nào. Và vì thế, chắc chắn tôi sẽ đi xe ôm hay taxi về nhà, thay vì tự điều khiển xe máy nếu như có đi nhậu với bạn bè hay đồng nghiệp.
Tôi nhớ, khi chiến dịch xử lý vi phạm nồng độ cồn còn chưa quyết liệt như hiện nay, tôi rất hay tự đi xe máy về nhà kể cả khi đã say không còn biết gì nữa. Nhiều sáng tỉnh dậy, tôi hoàn toàn không nhớ mình đã về nhà bằng cách nào, đã điều khiển xe thế nào trên đường.
Đôi khi nhớ lại, tôi không khỏi rùng mình và tự hỏi, nếu một trong số những lần như thế, tôi không làm chủ được tay lái thì sẽ thế nào?
Và sau lần bị CSGT dừng xe kiểm tra vừa rồi, tôi lại cảm thấy yên tâm hơn khi rời cơ quan vào đêm muộn. Tôi bớt sợ hơn so với trước, khi nghĩ đến một chiếc xe nào đó tự dưng mất lái, hay lao từ đằng sau như tên bắn tông vào đuôi xe tôi. Lý do là tài xế say rượu.
Với việc xử lý của ngành công an như bây giờ, tôi tin rất nhiều người sẽ không dám lái xe khi đã uống rượu bia. Trong số những người bạn của tôi, những người vốn hay nhậu nhẹt, 100% đi ô tô không còn dám uống giọt nào nữa. Duy chỉ có vài người đi xe máy là vẫn chủ quan. Họ cũng giống tôi dạo trước, nghĩ rằng cảnh sát ít khi dừng xe máy, nhất là vào ban đêm.
Có lẽ, những người như một số bạn của tôi không phải là ít.
Thậm chí, tôi vừa đọc trên một diễn đàn mạng, có người còn công khai hỏi nhau rằng “muốn báo chốt đo nồng độ cồn ở đường nào thì nên nói kiểu gì?”.
Ý họ là thông báo một cách trừu tượng nhưng “dễ hiểu”, kiểu như “đường X, có X”, “đường Y biến”…. Còn nếu thông báo công khai kiểu “đường Láng có chốt”, “Giảng Võ có đo nồng độ cồn”…, họ sẽ phải đối mặt với việc phải nộp phạt 7,5 triệu đồng.
Không rõ mục đích của người đăng tải nội dung trên là gì, nhưng bị rất nhiều người phản đối. Đa phần đều cho rằng “báo chốt” xử lý nồng độ cồn là hành vi đáng lên án. Thậm chí, có người còn cho rằng đó là một tội ác!
Nói như thế có lẽ cũng không quá. Bởi với việc thông báo như vậy, “ma men” biết được cảnh sát đang lập chốt ở đâu, từ đó thay đổi lộ trình, rồi không may gây tai nạn, đó không phải là tội ác thì là gì?
Tại sao lại đi đối phó với một việc làm đem lại sự bình yên cho bản thân mỗi người, mỗi gia đình, cho cả xã hội như thế?
Hà Anh Huy
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận