Mỗi mùa hoa gạo đến, người ta lại vẫn cứ xốn xang
Tháng Giêng đã trôi đi quá nửa. Trên cành cây cao, những nụ hoa gạo lố nhố xếp hàng. Phải nói ngay là hoa gạo không đẹp, từ hình dáng thô mộc đến màu sắc không lấy gì làm đặc biệt, thế mà mỗi mùa hoa gạo đến, người ta lại vẫn cứ xốn xang.
Có lẽ bởi thời điểm xuất hiện của nó.
“Bao giờ cho đến tháng ba
Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”.
Nghĩa là nó báo hiệu ngày xuân đang dần cạn. Mùa xuân đi qua người ta hay buồn vì ý niệm tuổi trẻ bị đánh cắp, bao nhiêu việc cần phải làm đang chờ đợi ở phía trước. Những tiếng trống cuối cùng của hội xuân đã có phần uể oải vì mưa xuân đã hết, ngoài đồng lúa đã bén rễ xanh um…
Cái sự rụng của hoa gạo cũng thật buồn cười. Bộp… bộp, cứ thoải mái buông mình từ cành cao xuống không câu nệ sự nhẹ nhàng, dịu dàng, bay bổng vốn có của loài hoa. Rơi xuống, bông thì nguyên dạng nấp vào đám cỏ, bông thì bầm dập vì nền đá, nền xi măng. Có con trâu, con bò nào đi qua gốc gạo không may bị hoa rơi trúng lưng thì hốt hoảng tưởng bị ai đánh, lồng lên chạy bừa xuống bờ ruộng. Người đi làm đồng dính đòn hoa gạo thả, có khi thủng cả chiếc nón cũ.
Từng bông gạo không đẹp, nhưng nhìn trong tổng thể, nó lại là một loài cây làm cảnh rất thú vị. Nó làm đẹp cả một vùng xung quanh, đầu làng hay ngoài bến sông hoặc giữa cánh đồng, thậm chí ở giữa sân trường như ở nơi tôi làm việc.
Cái dáng gầy guộc khẳng khiu của gạo cộng với lớp vỏ ngoài mốc meo vừa gợi lên vẻ lam lũ quê mùa vừa khiến người ta liên tưởng tới sự vững chãi của một người đàn ông từng trải. Và trên những cánh tay dài lòng khòng ấy, mỗi khi có mưa xuân là lại bật lên những cái nụ tròn tròn xanh biếc, rồi một ngày đủ lớn, bung nở đỏ rực như cây đèn nến trên cành.
Cây gạo mọc ở nhiều nơi nhưng không ai lấy gỗ vì thân thì to nhưng gỗ thì mềm xộp, nhưng khi nó đã án ngữ ở không gian nào đó thì rất ít khi bị chặt. Có lẽ vì người ta vẫn sợ cái điều “thần cây đa, ma cây gạo”.
Không ai mang hoa gạo về nhà để bày, bông gạo trắng muốt, nhẹ tinh nhưng cũng chẳng thấy ai kì công nhặt về làm gối. Đôi lần, tôi được sai đi đẽo vỏ cây gạo về để làm thuốc chữa chứng quai bị. Vỏ gạo sắc với đỗ đen uống khi bị mắc chứng bệnh này sẽ giúp giảm đau và sưng tấy. Hữu dụng cũng chỉ bằng ấy nhưng đến làng quê nào mà không thấy bóng dáng cây gạo là vẫn có cảm giác thiếu thốn điều gì.
Mùa xuân này, nắng nhiều, mưa bụi gần như không thấy. Nhưng từ trên những con đường, bến bãi, gạo vẫn đơm bông và vẫn nhắc nhớ một vị xuân đậm đà.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận