Thời sự Quốc tế

Báo Mainichi: Thực tập sinh Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn tại Nhật Bản

06/10/2022, 14:45

Theo báo Mainichi, tình trạng vi phạm quyền lợi lao động trong hệ thống đào tạo thực tập sinh kỹ thuật đang diễn ra trên khắp nước Nhật.

Trước thực trạng này, tờ Mainichi, Nhật Bản đã đặt ra vấn đề rằng liệu hệ thống đào tạo vốn được cho là sẽ giúp người nước ngoài trau dồi kỹ năng công việc tại Nhật Bản, có thực sự giúp ích cho những lao động nước ngoài đến với nước Nhật hay không.

Trong bài viết đăng tải ngày 4/10, báo Nhật dẫn rất nhiều câu chuyện khó khăn của nhiều thực tập sinh Việt Nam. Đầu tiên là câu chuyện của Ngô Đăng Toàn, 22 tuổi, vốn là một thực tập sinh kỹ thuật người Việt Nam làm thợ mộc tại thành phố Takamatsu, tỉnh Kagawa.

img

Thực tập sinh Ngô Đăng Toàn, 22 tuổi chia sẻ với báo Mainichi. Ảnh - Mainichi

Trong kỳ nghỉ lễ tháng 8/2021, Toàn bị mắc Covid-19 khi đang ở nhà một người bạn ở Tokyo. Toàn khi đó bị sốt trên 39 độ C và phải nằm liệt giường. Do đơn vị phụ trách giám sát hoạt động của các thực tập sinh này tại Nhật Bản không có thông dịch viên nên Toàn không thể thông báo cho công ty về việc phải nghỉ làm.

Hai tuần sau, khi Toàn trở lại ký túc xá của công ty ở Takamatsu, Chủ tịch công ty đã trách thực tập sinh này vì không liên lạc với công ty và nói: "Chúng tôi không cần những người như vậy. Hãy ra khỏi ký túc xá."

Sau đó, Toàn liên hệ với đơn vị phụ trách, chia sẻ anh không có nơi nào để đi thì một nhân viên trả lời: "Đó không phải việc của tôi."

Bỗng dưng trở thành người vô gia cư nơi đất khách, Toàn dùng điện thoại công cộng để gọi đến văn phòng của Tổ chức Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật (OTIT) tại Takamatsu, nơi giám sát chương trình thực tập sinh. Vấn đề của anh cũng không được giải quyết và Toàn được khuyên hãy đến gặp cảnh sát.

Cuối cùng, nhờ bạn bè sắp xếp, Toàn đã nhận được sự hỗ trợ của Fukuyama Union Tampopo, một liên đoàn lao động ở tỉnh Hiroshima.

Khi báo Mainichi tiếp cận với OTIT liên quan tới sự việc của Toàn, cơ quan này cho biết: "Đối với các học viên không có chỗ ở do hoàn cảnh của các các tổ chức giám sát và đơn vị tiếp nhận học viên thì OTIT sẽ có nhiệm vụ cung cấp chỗ ở trong một thời gian nhất định" nhưng họ không thể giải thích liên quan tới việc tư vấn cho các cá nhân.

img

​​Ba nữ thực tập sinh giấu mặt chia sẻ với báo Mainichi của Nhật Bản. Ảnh - Mainichi

Cũng trong bài báo, Mainichi dẫn câu chuyện khác xảy ra vào tháng 4/2022 trong đó ba nữ thực tập sinh Việt Nam đã bị buộc nghỉ việc ở một công ty chế biến thủy hải sản ở Ishinomaki, tỉnh Miyagi. Dù họ đã tham gia một liên đoàn lao động tại đây nhưng văn phòng OTIT ở Sendai đã kêu gọi họ rút khỏi tổ chức này. Ba nữ thực tập sinh này cũng bị buộc phải rời khỏi nơi làm việc.

Sau khi thông tin này được báo chí địa phương đăng tải, OTIT đã thừa nhận rằng hành động của họ là "không phù hợp" và OTIT cho biết họ sẽ hỗ trợ ba thực tập sinh thay đổi nơi làm việc. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn nửa năm, ba nữ thực tập sinh vẫn thất nghiệp và rất thất vọng vì không được giúp đỡ.

Chương trình thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài bắt đầu được thực hiện từ năm 1993 với lý tưởng cao đẹp là đóng góp cho cộng đồng quốc tế bằng cách chia sẻ công nghệ của Nhật Bản cho các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, chương trình này bị chỉ trích là tận dụng các thực tập sinh làm nguồn lao động chân tay giá rẻ, theo Mainichi.

Tính đến cuối năm 2021, đã có khoảng 276.000 thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản, tham gia vào 86 lĩnh vực công việc từ xây dựng, chế biến thực phẩm, may mặc, nuôi trồng. Theo chương trình này, các thực tập sinh có thể được làm việc tới 5 năm.

Các tổ chức giám sát có trách nhiệm chọn lựa thực tập sinh, sẽ nhận được phí từ công ty tuyển dụng thực tập sinh và có trách nhiệm giám sát các công ty này cũng như tư vấn cho các thực tập sinh.

Sau nhiều trường hợp lao động không được trả lương, bị tấn công, lạm dụng, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập OTIT vào năm 2017 để tăng cường hướng dẫn cho các công ty và tổ chức giám sát.

Các thực tập sinh được phép liên lạc trực tiếp với các đơn vị cố vấn do OTIT thành lập. Tuy nhiên, tổ chức phi lợi nhuận POSSE tại Tokyo cho rằng: “Rất nhiều trường hợp khi OTIT không phản hồi đề nghị của thực tập sinh mà không được báo cáo. Trường hợp Miyagi chỉ là một phần nổi trong tảng băng chìm”.

Song theo ông Ippei Torii, 69 tuổi, Giám đốc đại diện của Mạng lưới đoàn kết với người di cư Nhật Bản (SMJ) dù các nhân viên OTIT làm việc rất chăm chỉ nhưng tổ chức này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự.

Theo kế hoạch kinh doanh của OTIT cho năm tài khoá 2022, nhân viên hợp đồng chiếm 60% tổng nhân sự của công ty, còn các nhiệm vụ nhận cuộc gọi bằng tiếng nước ngoài thì thuê ngoài.

Để giải quyết tình trạng này, ông Torii kiến nghị việc giám sát các công ty tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, hỗ trợ thực tập sinh thay đổi công việc... nên được phối hợp với các văn phòng kiểm tra tiêu chuẩn lao động và văn phòng an ninh việc làm công cộng.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ việc liên quan đến chương trình đào tạo thực tập sinh này, Chính phủ Nhật Bản cũng rốt ráo tìm cách giải quyết. Hồi tháng 7, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản khi đó là ông Yoshihisa Furukawa cho biết Chính quyền Tokyo có kế hoạch đánh giá toàn diện hệ thống thực tập sinh của nước này.

Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản dự kiến ​​thành lập một hội đồng chuyên gia sớm nhất là vào mùa thu tới. Hiện tại, các cơ quan liên quan đã bắt đầu thảo luận về việc đánh giá lại hệ thống thực tập sinh.

Tuy nhiên, một đại diện của Cơ quan Nhập cư Nhật Bản cho biết: "Ở giai đoạn này, chúng tôi chưa thể đưa ra câu trả lời về thời điểm các cuộc họp trên sẽ được tổ chức và ai sẽ là người trong hội đồng chuyên gia".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.