Thị trường

Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng thế nào?

02/11/2022, 07:00

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra.

Điều dư luận quan tâm là lần sửa đổi này, những bất cập trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được giải quyết thế nào.

Luật hiện hành bộc lộ nhiều bất cập

Với vai trò là đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo luật sửa đổi lần này, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, bất cập, hạn chế của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh từ bối cảnh trong nước và quốc tế đã và đang có nhiều thay đổi; xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số...

img

Theo dự báo, Việt Nam sẽ trở thành thị trường phát triển thương mại điện tử nhanh nhất ASEAN vào năm 2026. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Cụ thể, theo ông Tuấn, một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính truyền thống mà chưa tính đến một số phương thức mới, theo sự phát triển của thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số, nền tảng chia sẻ và công nghệ 4.0.

Bởi vậy, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan phát sinh mới trong thực tiễn chưa được quy định, điều chỉnh cụ thể.

Ngoài ra, các quy định liên quan đến trách nhiệm thực hiện bảo hành, thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật… còn chưa đầy đủ, rõ ràng khiến cho việc triển khai, giám sát còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ khiến cho nhiều khiếu nại khó được giải quyết kịp thời.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho rằng, sự phát triển nhanh và mạnh của thương mại điện tử hiện nay dẫn đến việc mua bán trên không gian mạng phát triển tự do, lộn xộn, nhiều lỗ hổng, nảy sinh các hành vi vi phạm mà bản thân cơ quan quản lý cũng khó xử lý.

Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành thị trường phát triển thương mại điện tử nhanh nhất ASEAN vào năm 2026. Do đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là yêu cầu cấp bách.

Còn theo ĐBQH Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), thời gian vừa qua, tình trạng cung cấp thông tin cho người tiêu dùng có những dấu hiệu vi phạm như việc quảng cáo, cung cấp thông tin thổi phồng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, sản phẩm, chương trình khuyến mại... Nếu sửa luật thì đây là điều cần lưu tâm trong bối cảnh TMĐT đang tăng tốc.

Đảm bảo kinh doanh lành mạnh trên không gian mạng

Theo ông Tuấn, để thực hiện sửa đổi, cơ quan liên quan đã có nghiên cứu, đánh giá quy định hiện hành và thực tiễn thực thi trên toàn quốc để xác định rõ những hạn chế, bất cập nêu trên. Đồng thời, cũng đã nghiên cứu pháp luật và kinh nghiệm của rất nhiều nước trên thế giới.

Các hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ được đưa vào điều khoản cấm (Điều 17). Dự thảo sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định mới về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng như: Trách nhiệm trong bảo vệ thông tin của người tiêu dùng (như thu thập, lưu trữ, sử dụng, chia sẻ, tiết lộ và chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba, kiểm tra, chỉnh sửa, cập nhật, hoặc hủy bỏ thông tin); trách nhiệm cung cấp thông tin (bao gồm trách nhiệm của bên thứ 3); trách nhiệm đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; trách nhiệm tuân thủ các quy định đảm bảo điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có hiệu lực, trách nhiệm bảo hành hàng hóa.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng


Bộ Công thương cũng tiếp nhận ý kiến đóng góp của 21/28 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 54/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều ý kiến đóng góp của các công ty luật, doanh nghiệp, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước…

Dự thảo cũng qua rất nhiều lần chỉnh sửa, hoàn thiện sau quá trình thẩm định, cho ý kiến của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, toàn thể các Ủy ban của Quốc hội và Ủy ban thường trực của Quốc hội.

Do đó, ông Tuấn cho rằng, những nội dung ở dự thảo mới rất cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn khi tham gia giao dịch trên các nền tảng số, cũng như đảm bảo hoạt động kinh doanh lành mạnh trên không gian mạng.

“Dự thảo lần này đặt ra yêu cầu sửa đổi về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng, quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng. Đây là phần xương sống, cốt lõi trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Tuấn nói và cho biết, trong dự thảo dành riêng một chương (Chương II) để quy định về nội dung này.

Trả lời câu hỏi của PV về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trên nền tảng thương mại điện tử – một nền tảng khó kiểm soát chất lượng khi người mua không biết mặt người bán, ông Tuấn cho biết, dự thảo Luật mới đã bổ sung một chương mới quy định về giao dịch đặc thù với người tiêu dùng.

Theo đó, dự thảo đã quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số đối với người tiêu dùng, trong đó tập trung vào các chủ thể là tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua các nền tảng số; tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số.

Đánh giá về nội dung dự thảo mới lần này, ĐBQH Trần Văn Khải nhận định, Luật sửa đổi lần này đã bổ sung, chỉnh sửa những thiếu sót, bất cập của Luật năm 2010: “Đây là tín hiệu đáng mừng để người tiêu dùng có thêm kênh bảo vệ quyền lợi khi tham gia mua sắm”.

Những thông tin bắt buộc cung cấp cho người tiêu dùng

Các tổ chức, cá nhân bên cạnh việc phải tuân thủ các trách nhiệm chung như đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh khác thì còn phải tuân thủ các trách nhiệm bổ sung như:

Khi thực hiện hiện giao dịch từ xa, phải cung cấp chính xác và đầy đủ cho người tiêu dùng những thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc của đại diện theo pháp luật tại Việt Nam; giá cả, chất lượng; phương thức thanh toán, giao hàng; quy trình xử lý việc trả lại sản phẩm, hàng hóa hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết; quy trình tiếp nhận và xử lý khiếu nại của người tiêu dùng.

Trường hợp cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ các thông tin này, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng, người tiêu dùng có quyền thỏa thuận lựa chọn cách thức xử lý hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết.

Người tiêu dùng không phải trả bất kỳ chi phí nào để chấm dứt hợp đồng và chỉ phải trả chi phí đối với phần sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng.

Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian có các trách nhiệm thêm như: Chỉ định, công bố công khai đầu mối liên hệ, người đại diện được ủy quyền phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chỉ định, công bố công khai đầu mối tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm, dịch vụ; xây dựng, công bố công khai quy chế hoạt động của nền tảng cho người tiêu dùng trong đó phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.