Bất động sản

Bất động sản vẫn chờ giảm lãi tín dụng

23/06/2023, 19:15

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, kéo hạ mặt bằng lãi suất huy động song tín dụng cho bất động sản vẫn đắt đỏ.

Lãi vay bất động sản vẫn cao

Sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần 4, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động.

Đơn cử như: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố biểu lãi suất mới, đưa lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng xuống còn 3,4%/năm; kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng cũng giảm còn 4,1%/năm.

img

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản sẽ phục hồi khi giảm lãi suất tín dụng

Không chỉ với các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất các kỳ hạn khác tại VietinBank và BIDV cũng được điều chỉnh. Hiện lãi suất kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng niêm yết là 5%/năm; từ 12 tháng trở lên là 6,3%/năm. So với trước đó, lãi suất huy động tại VietinBank và BIDV đã giảm từ 0,5 - 0,7%/năm tùy từng kỳ hạn.

Các mức huy động trên cũng tương đương với biểu lãi suất tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa được điều chỉnh trước đó.

Đáng nói, dù lãi huy động giảm, nhưng lãi cho vay với bất động sản vẫn chưa giảm. Đơn cử, MSB chào mời vay mua nhà thổ cư với mức lãi suất từ 4,99%/năm, Shinhan Bank cho vay mua nhà với lãi suất 7,99%/năm, TPBank cho vay với lãi suất 8%/năm… Tuy nhiên, đây chỉ là lãi suất “mồi” khách hàng.

Theo khảo sát cho thấy, mức lãi suất dưới 10%/năm chỉ áp dụng trong 3 - 6 tháng, cao nhất là 1 năm. Sau đó, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng lãi suất thả nổi, phổ biến ở mức 12 – 13,5%.

Theo NHNN, tính đến hết tháng 5/2023, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 3,17%. Trước đó, tính đến ngày 25/4/2023, tín dụng toàn ngành tăng 2,75% so với cuối năm 2022, trong đó, tín dụng bất động sản tăng 3,51%.

Giảm lãi suất để đưa tiền vào thị trường

Trước thực trạng trên, các chuyên gia kỳ vọng ngân hàng sẽ giảm lãi vay cho lĩnh vực bất động sản, giúp thị trường này sớm phục hồi.

TS. Châu Đình Linh, chuyên gia kinh tế cho rằng, đóng góp của ngành bất động sản với tăng trưởng kinh tế ở nước ta là rất lớn. Do đó, sự hỗ trợ với thị trường bất động sản lúc này là cần thiết để giúp thị trường phục hồi, bao gồm cả chính sách về vốn, tín dụng.

Trước mắt, khó khăn của thị trường bất động sản còn rất lớn. Lãi suất giảm sẽ tiếp sức cho thị trường, giúp đầu tư bất động sản quay trở lại.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, tín dụng bất động sản mới chiếm khoảng 20% tổng dư nợ toàn hệ thống, cơ cấu cho vay lành mạnh (65% cho vay người dân mua nhà, sửa nhà; 35% cho vay kinh doanh bất động sản). Chính vì vậy, các ngân hàng hoàn toàn có thêm dư địa mở rộng tín dụng bất động sản. Ông Lực dự báo, với việc lãi suất huy động, cho vay liên tiếp giảm và các chính sách hỗ trợ dần đi vào cuộc sống, thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ nét hơn từ cuối năm nay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kỳ vọng, lãi vay rẻ sẽ giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong thực hiện các dự án mới và giúp người mua nhà có thêm động lực vay vốn mua nhà.

Ông Phạm Anh Khôi, Viện nghiên cứu Kinh tế, tài chính, bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho rằng, lãi suất ngân hàng cao đã thu hút người dân đổ tiền vào gửi tiết kiệm. Đến cuối năm 2023, một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Nếu lúc đó các ngân hàng thực hiện cả việc giảm lãi suất tiết kiệm thì sẽ thúc đẩy nguồn tiền này quay lại thị trường.

“Khi dòng tiền quay trở lại thị trường, nhiều người sẽ tìm đến các kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với kênh gửi tiết kiệm. Thông thường thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trước, sau đó sẽ đến thị trường bất động sản”, ông Khôi cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.