Âm nhạc

Bất ngờ những nhóm nhạc Hàn bằng trí tuệ nhân tạo

11/05/2021, 06:51

Eternity trở thành một nhóm nhạc nữ gây xôn xao thời gian qua khi phát hành MV đầu tay “I’m real”. Chỉ sau hơn 1 tháng, sản phẩm đã thu hút...

img

Nhóm nhạc “thần tượng ảo” Eternity với các thành viên giống hệt người thật

Sự xuất hiện của những “thần tượng ảo” được tạo ra từ công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và có ngoại hình giống hệt người thật, đang làm phong phú hơn cho thế giới giải trí. Nhưng, đó có phải tương lai của ngành giải trí Kpop?

Ồ ạt thần tượng công nghệ ảo

Eternity trở thành một nhóm nhạc nữ gây xôn xao thời gian qua khi phát hành MV đầu tay “I’m real”. Chỉ sau hơn 1 tháng, sản phẩm này đã thu hút hơn 68.000 lượt xem cùng hàng nghìn lượt bình luận.

Thoạt nhìn, khán giả có thể thấy đây như MV của một nhóm nhạc nữ bình thường nhưng thực tế, nhóm nhạc này lại là sản phẩm của công nghệ trí tuệ nhân tạo do Pulse9 - một thương hiệu AI tại Hàn Quốc thực hiện. Eternity gồm 11 thành viên, không ai trong số các thành viên thực sự là người thật, hoặc thậm chí dựa trên khuôn mặt của người thật.

Theo Koreaboo, 11 thần tượng ảo trong Eternity được tạo ra bằng Deep Real AI - một công nghệ hình ảnh ảo dựa trên Deepfake do Pulse9 phát triển có tính hiện thực, chi phí thấp và thời gian sản xuất ngắn. Công nghệ này cho phép các “cô gái” bắt chước nét mặt của con người thông qua thao tác mọi thứ từ ánh mắt, góc mặt và khóe miệng.

Gương mặt của các thành viên trong nhóm được chọn thông qua “AI.dol Challenge” - tổng hợp hàng trăm nhân vật ảo cả nam lẫn nữ có ngoại hình giống người thật. Do đó, các thành viên trong Eternity đều sở hữu nhan sắc khá xinh đẹp và độc đáo, thậm chí có nét quyến rũ và cá tính riêng biệt.

“Họ sẽ tiếp tục tích lũy sức hấp dẫn của riêng mình và bộc lộ sự phát triển như một thần tượng”, phía công ty chia sẻ.

Đây không phải lần đầu Kpop xuất hiện nhóm nhạc “thần tượng ảo”. Cuối năm 2020, “ông lớn” SM Entertainment ra mắt nhóm nhạc Aespa với hai phiên bản người thật và ảo cho từng thành viên. Phiên bản ảo được gọi là ae - Aespa.

Điểm khác biệt giữa ae - Aespa và Eternity là cả 4 thành viên của Aespa (Karina, Giselle, Winter và NingNing) đều là người thực. Nhóm chỉ đơn thuần xây dựng khái niệm kết hợp con người và avatar, cũng như nhân cách hóa các hình đại diện ảo giống với các thành viên.

Phần đồ họa phiên bản ảo của Aespa không khác nhiều so với nhóm nhạc ảo K/DA được ra mắt từ năm 2018. K/DA là nhóm có bốn thành viên trong tựa game “Liên minh huyền thoại” . Nhóm này đã ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc và các MV của K/DA thường thu hút được hàng chục triệu tới trăm triệu lượt xem, ví như “More” (hơn 91 triệu lượt xem), “Pop/Star” (hơn 437 triệu lượt xem)…

Sự xuất hiện ồ ạt của các “thần tượng ảo” mang tới một màu sắc mới cho Kpop. Giáo sư James Patrick Williams - nhà xã hội học văn hóa và nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định trên CNBC, điều độc đáo nhất là mức độ thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của mọi người của những “thần tượng ảo”. Nó tạo ra một thế giới âm nhạc trực tuyến mà ở đó, có thể có nhiều người cùng tham gia.

Nhiều điều hay, cũng lắm éo le

img

Phiên bản ảo của nhóm nhạc Aespa

Mặc dù là những nghệ sĩ ảo nhưng Eternity khiến khán giả khó phân biệt được đó là người ảo hay thật. Trong MV, các thành viên có thể hát, chuyển động và biểu cảm, vũ đạo tương đối tự nhiên dù chưa hoàn toàn được như người thật.

Tuy nhiên, điều này đã là một sự bất ngờ. Không chỉ vậy, nhóm này còn có tham vọng “tấn công” Kpop khi sẽ được thành lập thành các nhóm nhỏ, phát hành các bài hát solo.

Người hâm mộ Kpop yêu thích người nổi tiếng không chỉ vì âm nhạc hay màn trình diễn của các nghệ sĩ, mà còn vì tính nhân văn, tính tương đối và sự dễ mến của họ. Covid-19 dạy chúng ta rằng con người khao khát các mối quan hệ, sự tiếp xúc và kết nối giữa con người với nhau. Đó là thứ mà công nghệ không thể cung cấp.
Giáo sư Lee Hye Jin, trường Báo chí và Truyền thông USC Annenberg (Đại học Nam California)


Trên hết, thành viên của Eternity còn được phát triển để trở thành “người” có ảnh hưởng, làm người mẫu thương hiệu, YouTuber. Một trong những thành viên của nhóm nhạc ảo này là Chorong đã xuất hiện trong một quảng cáo cho công ty môi giới.

Tại Diễn đàn Công nghiệp Văn hóa Thế giới 2020, Chủ tịch SM Lee Soo Man đã gọi Aespa là “sự khởi đầu của tương lai giải trí”, mở ra một thế giới thần tượng ngoài đời tồn tại với phiên bản ảo.

Các “thần tượng ảo” sẽ có thể dành thời gian cho người hâm mộ theo nhiều cách mà các “ngôi sao” người thật không thể làm được, có thể tương tác và chia sẻ mọi điều như một người thật.

“Sự phát triển của công nghệ AI sẽ cho phép các “thần tượng ảo” được tùy chỉnh để giống như một người thật thực thụ, phù hợp với cuộc sống của mọi người”, Chủ tịch SM chia sẻ.

Các chuyên gia về văn hóa đại chúng Hàn Quốc cho rằng, khả năng của nhóm nhạc ảo là vô tận. Theo CNBC, Lee Hye Jin - Giáo sư tại Trường Báo chí và Truyền thông USC Annenberg (Đại học Nam California) nhận định, khi thần tượng thực bị ốm hoặc kiệt sức vì lịch trình dày đặc, “thần tượng ảo” có thể thay mặt biểu diễn và tương tác với người hâm mộ cho tới khi nghệ sĩ thực hồi phục sức khỏe.

Alberto Todeschini, giảng viên về trí tuệ nhân tạo tại Đại học California, Berkeley phân tích, trong trường hợp của nhóm Aespa khi hoạt động song song phiên bản người thật và phiên bản ảo, một rủi ro có thể xảy ra là hình ảnh của các thành viên trong nhóm bị điều khiển và chuyển sang khuôn mặt của những diễn viên trong các clip có nội dung khiêu dâm.

Điều này có thể tạo ra một loạt rắc rối về sau, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các nghệ sĩ ngoài đời thực. Bên cạnh đó, người hâm mộ cũng có thể so sánh các “thần tượng ảo” với nghệ sĩ thật. Từ đó, có thể làm trầm trọng thêm áp lực hiện có đối với các thần tượng để trở nên hoàn hảo về ngoại hình và tài năng.

Sự phát triển của các nghệ sĩ và nhóm nhạc AI đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải là tương lai của ngành giải trí Kpop hay không? Điều này được những người trong nghề nhận định ở nhiều mức độ.

Giáo sư Lee Hye Jin bày tỏ lo ngại, người dùng công nghệ có thể cảm thấy ít tội lỗi hơn khi sử dụng hình ảnh của các “thần tượng ảo” cho những mục đích không lành mạnh. Và vì đây là những “thần tượng ảo” nên họ không được bảo vệ hợp pháp khỏi tội phạm tình dục kỹ thuật số hoặc quấy rối tình dục.

Trong khi đó, cây bút Marissa Anne đánh giá trên Fly FM: “Việc thấy công nghệ có thể bắt chước con người là điều hết sức thú vị nhưng công nghệ không thể tái tạo mối liên kết tình cảm và sự ấm áp mà những người ngoài đời thực gây dựng với nhau qua các câu chuyện, tính cách và con người của họ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.