Ngày 9/5, lãnh đạo UBND xã Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) cho biết, từ sáng 8/5, người dân phát hiện hiện tượng nhiều loài cá, tôm trên sông Đáy chết và trôi dạt vào bờ.
Khu vực từ phía trên nhà máy nước Mai Thanh đến giáp ngã ba với kênh Quần Liêu (thuộc huyện Nghĩa Hưng) còn xuất hiện hiện tượng tôm càng xanh, cá lành canh và rạm dạt vào ven bờ sông Đáy nhưng chưa chết.
Tại khu vực này nguồn nước có màu xanh nhờ nhờ. Ngoài ra có khu vực từ ngã ba kênh Quần Liêu đến Bơn Ngạn và khu vực từ Bơn Ngạn đến Đò Mười cũng phát hiện tình trạng tôm, cá trôi dạt vào ven bờ sông Đáy.
"Mấy năm gần đây, vào thời gian này, năm nào cũng xuất hiện hiện tượng cá chết như trên. Đến sáng 9/5 do mực nước sông Đáy dâng cao nên không còn hiện tượng tôm cá dạt vào bờ, nguồn nước màu xanh nhờ nhờ cũng biến mất", lãnh đạo xã Nghĩa Sơn cho biết.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết, đã nắm được thông tin sự việc tôm cá dạt vào bờ trên sông Đáy. UBND huyện đã thành lập một đoàn kiểm tra đi khảo sát và ghi nhận tình trạng cá tôm dạt vào bờ trải dài từ địa phận xã Nghĩa Trung đến thị trấn Quỹ Nhất (cùng thuộc huyện Nghĩa Hưng).
"Dòng nước có màu xanh khác thường nhưng chỉ xuất hiện ở dòng chảy xa bờ, phía địa phận tỉnh Ninh Bình. Dòng chảy gần bờ phía Nghĩa Hưng màu nước vẫn bình thường", ông Hiếu cho biết.
Trước thông tin nghi vấn có công ty xả thải trộm ra môi trường, ông Hiếu khẳng định, ven sông phía giáp ranh với huyện Nghĩa Hưng chỉ có các hộ dân sản xuất nông nghiệp, chỉ có duy nhất nhà máy nước Mai Thanh. Tuy nhiên, hiện tượng lạ xuất hiện phía trên, cách nhà máy nước Mai Thanh 3 - 4km nên không có chuyện nhà máy này xả thải ra môi trường.
Ở phía đối diện huyện Nghĩa Hưng là huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cũng xuất hiện tình trạng cá, tôm chết. Ông Trần Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, từ chiều 8/5, đã phát hiện dọc bờ sông Đáy thuộc địa phận huyện Kim Sơn có cá chết trôi dạt vào bờ.
"Cá chết trôi dạt vào bờ sông Đáy từ chiều 8/5, đến hôm nay đã giảm. Các loài cá chết phát hiện chủ yếu là cá nước ngọt, như cá mè, cá trắm... chứ không phải cá nước lợ hay nước mặn. Do đó, có thể cá chết ở khu vực nào đó phía thượng nguồn và trôi dạt về đây. Chúng tôi đang cho các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát và tìm hiểu nguyên nhân cá chết", ông Trường cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận