Vừa thi công vừa “hốt bùn” do mưa lớn sạt lở từ vách núi
Khi nhìn những đoạn tuyến đã được rải base, thảm nhựa đen mượt gọn gàng, sạch sẽ; những tấm chắn bê tông phẳng phiu nằm sát bên bờ vực, thật khó hình dung chỉ cách đây mấy tháng, mỗi ngày vẫn có hàng trăm kỹ sư, công nhân “đội nắng, dầm mưa” san đồi bạt núi, hay ngồi trên từng cỗ máy cheo leo bên bờ vực thẳm để thi công cọc khoan nhồi...
Việc vừa thi công, vừa phải dọn dẹp bùn đất là chuyện thường ở công trường nâng cấp, sửa chữa QL 8A. Ở đây thường xuất hiện những cơn mưa lớn bất chợt.
Kỹ sư Kiều Vĩnh Phương - Cán bộ Ban QLDA 4, phụ trách Dự án nâng cấp sửa chữa QL8A cho biết, gói thầu số 7 (làm rãnh thoát nước dọc, nâng cấp mặt đường đoạn qua thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng công việc. Các nhà thầu đang phấn đấu đến ngày 30/10 hoàn thành nốt 30% của phần thảm lớp 2 cuối cùng và mất khoảng 1 tháng nữa để hoàn thiện hạng mục ATGT.
"Gói 5, gói 6 (xã Sơn Kim) cũng đã bước vào giai đoạn nước rút; chúng tôi đang chỉ đạo các nhà thầu phấn đấu cơ bản hoàn thành trước 30/12 năm nay. Gói 8, gói 9 cũng đã đấu thầu xong, đang triển khai GPMB và làm thủ tục chuyển đối 11,7 ha rừng trồng, rừng tự nhiên. Gói 10 đang duyệt kế hoạch vốn, dự kiến cuối năm có thể tiến hành đấu thầu", kỹ sư Phương thông tin thêm.
Gói thầu số 7 (làm rãnh thoát nước dọc, nâng cấp mặt đường đoạn qua thị trấn Phố Châu) đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng công việc.
Dự án nâng cấp sửa chữa QL8A được triển khai từ năm 2010 với tổng số vốn dự kiến là 1.662 tỉ đồng. Do gặp khó khăn về nguồn vố, dự án được phân đoạn đầu tư theo diện ưu tiên làm trước những đoạn qua cấp thiết, đoạn có nguy cơ mất ATGT. Vì vậy, các gói 1 - 3 đã đưa vào sử dụng từ năm 2014. Gói 4 đoạn thị trấn Phố Châu cơ bản thảm xong nhựa; gói 5, 6 xử lý nhiều khúc cua ở đoạn cuối tuyến sát Cửa khẩu Cầu Treo đã hoàn thành 70% khối lượng công việc. Các gói 8, 9, 10 là các đoạn còn lại được tiếp tục nâng cấp, sửa chữa, nắn cải tuyến... Dự kiến hoàn thành trong Quý I/2024.
Trực tiếp đưa phóng viên đến các đoạn tuyến đang lu lèn để chuẩn bị thảm nhựa, kỹ sư Lâm Quốc Tuấn, Phó Giám đốc điều hành dự án, cười hào sảng: “Bây giờ các chú nhìn xem tuyến đường đã khác trước nhiều chưa? Đã gọn gàng nên vóc nên hình chưa?”.
Tuyến QL 8A độc đạo nối với Cửa khẩu Cầu Treo đã có diện mạo, vóc dáng mới sau thời gian vượt khó thi công của các đơn vị
Đúng như lời kỹ sư Tuấn nói, toàn bộ tuyến từ thị trấn Phố Châu lên cửa khẩu giờ đã thông thoáng, xe cộ đi lại dễ dàng. Nếu như trước đi từ thị trấn lên cửa khẩu phải mất tới 2 - 3 tiếng (chưa tính tắc đường), giờ thời gian giảm 1 nửa. Nền đường toàn tuyến cơ bản đã lên base, lên nhựa phẳng lì. Bên taluy âm nơi khúc cua tay áo được mở rộng bán kính và kiên cố hoá bằng tường chắn bê tông giúp mọi người thêm phần yên tâm khi đổ dốc.
Kỹ sư Tuấn nhớ lại, đợt mưa lớn ngày 8-11/8, gây ra 4 điểm sạt trượt lớn (từ Km 82+415 đến Km 82+417; Km 82+742 đến Km 82+794; vị trí Km83; Km 84+267 đến 84+320) làm trôi mất 1.650 m3 base cấp phối và còn hàng chục điểm sạt trượt nhỏ lẻ khác.
“Có những đêm toàn bộ cán bộ Ban điều hành phải thức trắng đêm cùng kỹ sư, công nhân xúc đất đá sạt lở từ taluy dương xuống mặt đường. Vì đây là tuyến đường độc đạo, hàng ngày có hàng trăm lượt xe trọng tải lớn thông thương từ nước bạn Lào, nếu việc đất, đá sạt trượt không có phương án dọn kịp thì sẽ ách tắc dài, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên tuyến”, ông Tuấn nói.
Tăng ca, tăng kíp làm ngày làm đêm để kịp tiến độ
Kỹ sư Lâm Quốc Tuấn cho rằng, thời tiết cực đoan, địa hình thi công phức tạp, không còn cách nào khác là tận dụng thời gian từng ngày nắng và kéo dài thời gian làm đêm, tăng ca kíp và các mũi thi công...
Theo Chỉ huy trưởng Đinh Hữu Cương - Công ty CPXD Đường bộ I Hà Tĩnh, thời tiết ở trên này rất thất thường, đang nắng chang chang bỗng mây vần vũ kéo về, trời đổ mưa.
"Ví như hôm qua, công nhân vừa rải khoảng 150m base thì gặp mưa lớn phải sửa lại. Để sửa lại, chúng tôi phải mất nguyên một ngày cào bóc, sau đó lại tốn thêm tiền nhân công, vật liệu và cũng thêm bấy nhiêu thời gian làm lại. Vượt lên khó khăn, đến nay phần việc gồm: làm 1.5km đường và 4 đơn nguyên tường chắn, đơn vị đã làm đạt 77%, cố gắng đến ngày 31/12 thì hoàn thành, sẽ vượt 3 tháng theo tiến độ đề ra", ông Cương chia sẻ.
Gặp bất lợi về thời tiết nên mỗi khi trời quang thông, Ban dự án yêu cầu các đơn vị thi công làm ngày làm đêm; tăng ca kíp để đảm bảo tiến độ đề ra
Theo ông Cương, nếu như làm ở đồng bằng, với khối lượng công việc như vậy, đơn vị chỉ mất một nửa thời gian.
Kỹ sư Phạm Minh Đức - Chỉ huy trưởng công ty 484, đang thi công tuyến Km 75+850 đến Km 80+250 cho biết: Đến thời điểm hiện nay, đơn vị đã làm được 81% khối lượng công việc, tỉ lệ giải ngân tiền đạt 37/40 tỉ đồng. Mục tiêu của đơn vị cố gắng trong vòng 1 tháng nữa sẽ thi công xong và bàn giao 1,3 km đường và 7 điểm kè tường chắn.
Tư vấn trưởng dự án, kỹ sư Nguyễn Phong Thành nói thêm: Hàng chục năm làm tư vấn, lần đầu tiên tôi tham gia một dự án có tính chất đặc thù như thế này. Ngoài vấn đề địa hình, khan hiếm vật liệu thì thời tiết vẫn là cản trở lớn nhất.
Những điểm sạt trượt taluy dương trên tuyến đường xảy ra như cơm bữa
"Nếu cũng với dự án như thế này (318 tỉ đồng, 6 nhà thầu) mà làm ở dưới đồng bằng, thời tiết nắng ráo, chỉ cần 6 mũi thi công, làm tốc lực 2 - 3 tháng là xong. Tuy nhiên ở đây huy động tới 15 mũi mà làm 1 năm rồi mới được 80%", kỹ sư Thành nêu ví dụ.
Còn khi nói về cách khắc phục những khó khăn, bất lợi mà vẫn đảm bảo chất lượng kỹ thuật, kỹ sư Thành nói: Cách duy nhất là xắn tay cùng nhà thầu. Thứ 1 là phải tận dụng tốt các thời điểm thời tiết thuận lợi để dồn lực thi công. Thứ 2, thi công mũi, phần việc nào cuốn chiếu luôn ở đó, tư vấn có mặt tại chỗ để hướng dẫn kỹ thuật rồi đánh giá kỹ thuật, nghiệm thu. Thứ 3 là linh hoạt trong điều phối giữa các gói, các nhà thầu.
“Nếu gặp thời tiết bất lợi như mưa lớn thì cho công nhân nghỉ, sau khi ngớt, anh em bù số base bị trôi, bóc và làm lại các đoạn đất k98 bị sình. Và đặc biệt, luôn linh hoạt trong điều phối máy móc thiết bị giữa các nhà thầu. Lu của nhà thầu 484 đang giúp Đường bộ I Hà Tĩnh xử lý điểm base bị xói trôi khi đêm”, ông Thành nói.
Ở dự án này, toàn bộ kỹ sư công nhân không phân biệt chức vụ, luôn đoàn kết và nêu cao tinh thần bám trụ "làm vì công việc".
Kỹ sư Đức tâm sự: Tôi 20 năm trong nghề, từng làm dự án ở khắp mọi miền tổ quốc, chưa gặp dự án nào khó nhằn như thế này. Mang tiếng đường lên cửa khẩu Quốc tế, các thị trấn Phố Châu có hơn 30km mà thiếu thốn đủ bề. Khi Covid-19 bị phong toả, trên này biệt lập hoàn toàn, đến con gà, mớ rau cũng không có mà mua. Giờ mở lại giao thương, tuy đỡ hơn nhưng giá cả đắt đỏ, nhiều cái gấp đôi ở thành phố. Anh em chủ yếu nhờ tiếp tế từ dưới xuôi lên.
Đó là chưa kể nguy cơ càng làm càng lỗ. Đặc thù địa hình chật hẹp, thời gian thi công có hạn, không huy động nhiều nhân công, thiết bị thì không đảm bảo tiến độ, mà đưa lên gặp mưa không có sản lượng cũng chết. Giai đoạn này, phía công ty xác định làm nhanh, làm gọn đảm bảo lấy ngắn nuôi dài.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A đoạn Km 0 - Km 85+250 (tổng chiều dài 85,3km) bắt đầu từ ngã ba TX Hồng Lĩnh đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư vào năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 1.662 tỷ đồng do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 4 được giao nhiệm vụ quản lý dự án.
Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên dự án phải kéo dài thời gian thực hiện. Đoạn tuyến từ Km 0 - Km 37 đã được đầu tư nâng cấp mở rộng và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2016. Hiện nay, dự án đang triển khai 5 gói thầu còn lại. Thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh đến năm 2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận