Trẻ tím tái sau rửa mũi tại nhà được cấp cứu tại BV (ảnh BVCC)
Trẻ tím tái sau rửa mũi bằng bơm xilanh tại nhà
Bé trai Hà Khang A. (khoảng 2 tháng tuổi, trú tại TP Bắc Giang) được đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang ngày 5/1 trong tình trạng tím tái toàn thân, thở gắng sức và nhịp tim nhanh.
Gia đình cho biết, bé bị sặc sau khi cha mẹ dùng xilanh bơm nước muối sinh lý, rửa mũi cho trẻ.
Trước đó, A. bị nghẹt mũi, quấy khóc, khó chịu nên gia đình đã dùng cách trên. Khi đang được vệ sinh mũi, bé xuất hiện cơn ngừng thở và tím tái toàn thân. Ngay lập tức, người nhà hô hấp nhân tạo, đưa cháu bé đi cấp cứu.
Nói về tình huống này, bác sĩ "yêu con nít" Nguyễn Thanh Sang (BV Nhi đồng thành phố HCM) cho biết: "Bé hơn 2 tháng tuổi, bố mẹ bơm nước muối sinh lý là đẩy một lượng lớn nước muối vào 1 bên mũi để đẩy đàm nhớt sang mũi bên kia và ra ngoài.
Lý thuyết là vậy, nhưng phương pháp này chỉ áp dụng cho bé lớn, biết hợp tác. Mà nhiều khi người lớn thử lấy xi-lanh bơm còn sặc. Bé 2 tháng sẽ bị giật mình do động tác bơm của cha mẹ và hít sặc nước muối gây tím tái. May mắn là bé đã được cấp cứu tạm thời".
Cũng theo BS. Sang, hiện nay, rất nhiều người mở phòng tập “long đàm” chưa có chứng chỉ hành nghề và việc này rất nguy hiểm cho trẻ. Bởi nếu trẻ bị hít sặc, tím tái, ngưng thở, không cấp cứu đúng cách, có thể di chứng chết não sau 4 phút thiếu oxy tương tự trường hợp chết đuối nhưng trong phổi hoàn toàn không có nước.
Lí do là vì khi đột ngột rơi xuống nước, chỉ cần 1 giọt nước rơi vào khí quản sẽ gây phản xạ co thắt và đóng chặt nắp thanh môn và khiến nạn nhân ngưng thở do phản xạ đóng chặt đường thở. Đặc biệt nếu giọt nước đó có tính mặn hay chua (nước biển, vắt chanh vào miệng). Người đó chết do ngạt chứ không phải do nước vào phổi...
Bác sĩ chỉ cách rửa mũi cho trẻ sao cho đúng
Theo lưu ý của BS. Sang, trẻ sổ mũi nếu được khám bởi bác sĩ chẩn đoán viêm mũi họng do siêu vi hay cảm thường thì trong 2-3 ngày đầu sẽ sổ mũi nhiều và trắng trong. Sau đó, nước mũi sẽ đặc dần và có thể chuyển sang màu xanh. Tuy nhiên, đó không phải là biểu hiện của bé bệnh nặng hơn. Bé chỉ nặng hơn khi sốt cao hơn, đừ hơn, thở mệt hơn hay có bất thường gì khác, còn nếu chỉ là đàm mũi đặc và xanh thì không đáng lo.
Mũi nghẹt khiến trẻ quấy và khó ngủ. Nước mũi tái lập lại rất nhanh, hầu như đâu vào đấy sau 2-3 tiếng hút mũi nên việc hút rửa mũi chỉ giúp bé bú dễ dàng hay bé vào giấc ngủ ngon hơn thôi. Việc hút rửa mũi không nên làm thường xuyên.
Với bé dưới 2 tuổi, BS Sang lưu ý cách vệ sinh mũi tại nhà như sau:
1. Đặt bé nằm ngửa
2. Hơi ngửa đầu bé nhẹ ra sau (có thể dùng 1 gối nhỏ chèn sau cổ)
3. Nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý hoặc xịt 1-2 xịt nước muối vào 1 bên lỗ mũi
4. Đợi 30-40 giây
5. Nghiêng bé sang bên phải và để nước mũi chảy ra hoặc dùng dụng cụ hút mũi và nước muối chảy ra
6. Dùng khăn giấy lau sạch nước mũi chảy ra từ mũi và miệng.
Cách tự làm nước muối để rửa mũi tại nhà:
1. Đun sôi 200 ml nước sạch
2. Thêm ¼ muỗng cà phê muối vào và khuấy đều
3. Để nguội nhiệt độ phòng
4. Cho vào lọ xịt hoặc lọ sạch
BS. Thanh Sang đặc biệt lưu ý, nếu bé sổ mũi thì cha mẹ hút xong khoảng 2-3 tiếng sau cũng sẽ chảy mũi lại. Điều quan trọng là khi hút sạch mũi, bé bú hay ngủ sẽ dễ dàng và dễ chịu hơn. Việc rửa hút mũi chỉ nên thực hiện 3-4 lần/ngày, không nên lạm dụng vì có thể làm khô và trầy xước niêm mạc mũi của bé.
Nước muối tự làm nên lưu trữ 1-2 ngày, sau đó phải làm lại nước muối mới. Cuối cùng, việc hút rửa mũi có thể làm ở nhà với mục đích giảm đàm mũi cho con, giúp con bú hay ngủ thoải mái hơn. Nhưng tất cả trẻ không nên áp dụng các phương pháp như vỗ rung đàm, bơm nước muối rửa mũi... tại nhà vì nguy cơ hít sặc và tai biến rất cao. Tất cả kỹ thuật nên làm tại bệnh viện với chuyên viên có chuyên môn và nguồn oxy cấp cứu khi cần thiết.
"Đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho nhiều bố mẹ đang tự ý áp dụng các video trên mạng mà chưa qua kiểm chứng. Hãy nhớ: Thời gian sống của não con người nếu thiếu oxy chỉ là 4 phút. Tính mạng con nằm trong tay cha mẹ”, BS. Sang nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận