Toàn cảnh bế mạc Hội nghị - Ảnh: TTXVN |
Hôm qua (10/5), phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 5 BCH T.Ư Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh việc hội nghị lần này đã nhất trí ban hành 3 nghị quyết có tính đột phá cho nền kinh tế là: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”; “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước”; “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung ương đã thảo luận sôi nổi, quán triệt sâu sắc, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới, quan trọng của Nghị quyết Trung ương 6 khoá X. Trung ương cho rằng, kinh tế thị trường định hướng XHCN là vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản trong đường lối phát triển kinh tế ở nước ta, một sáng tạo mới của Đảng ta về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam.
Về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư cho biết, điểm mới của việc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần này là đã gắn việc kiểm điểm công tác năm với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; việc tiến hành kiểm điểm đã được chuẩn bị rất nghiêm túc, chu đáo, bài bản; diễn ra trong không khí thẳng thắn, chân tình, cầu thị; là hình mẫu cho cấp dưới noi theo. Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao và hoan nghênh việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình trước Ban Chấp hành Trung ương về những hạn chế, khuyết điểm |
“Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta xây dựng vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Tổng Bí thư khẳng định và yêu cầu tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ then chốt: Một, hoàn thiện thể chế về huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; Hoàn thiện thể chế về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Hoàn thiện thể chế về phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, về giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để tranh thủ những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Đổi mới vai trò, chức năng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nền kinh tế và năng lực kiến tạo sự phát triển của Nhà nước; Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, tinh giản bộ máy, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...
Đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước
Thời gian qua, mặc dù còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục, nhưng nhìn tổng thể, doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, không ngừng đổi mới, đạt được nhiều kết quả.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước để doanh nghiệp Nhà nước thực sự phát huy vai trò, vị trí then chốt trong khu vực kinh tế Nhà nước, là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Các giải pháp cụ thể là: Đẩy mạnh chuyển đổi hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước thành doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cơ cấu lại, đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; thật sự hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp Nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau” thao túng hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp. “Người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và Nhà nước về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp”, Tổng Bí thư lưu ý và cho biết, Ban kiểm soát, kiểm soát viên phải thực sự là công cụ giám sát hữu hiệu của chủ sở hữu, hoạt động độc lập và không chịu sự chi phối vô lý nào về lợi ích của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và ban điều hành của doanh nghiệp.
Kinh tế tư nhân động lực phát triển quan trọng
Đánh giá vai trò của lĩnh vực kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân “là một trong những động lực” và đến nay “là một động lực quan trọng” để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Trên thực tế, kinh tế tư nhân ngày càng phát triển; tỉ trọng trong GDP chiếm 39 - 40%; đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. “Trung ương hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cả nước, phát triển kinh tế tư nhân, góp phần quan trọng làm cho kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Tổng Bí thư đánh giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận