Sân bay có "cú hạ cánh nguy hiểm nhất thế giới"
Một số hành khách có mặt trong chuyến bay đến đây nhận xét, hạ cánh xuống sân bay Paro là một trải nghiệm không dễ dàng.
Đến Bhutan bằng chuyến bay charter flight (chuyến bay thuê riêng) của hãng Bhutan Air, bay thẳng từ Hà Nội tới Bhutan với máy bay A319 có 126 chỗ, đón chúng tôi là một đoàn ca múa dân tộc trình diễn các điệu múa dân gian.
Sân bay Paro nằm ở độ cao 2.235m chỉ có 1 đường băng dùng cho cả cất cánh và hạ cánh dài 2.265m, chỉ dùng cho những máy bay nhỏ như A319. Trước khi hạ cánh được xuống sân bay, chiếc máy bay phải "len lách" giữa những dãy núi cao 5.500m của dãy Himalaya.
Vào những ngày đẹp trời, có thể thấy toàn bộ dãy Himalaya với những đỉnh núi cao quanh năm tuyết phủ, đỉnh Everest cao 8.848,86m.
Nhìn qua cửa kính thấy máy bay lúc liệng bên phải tránh sườn núi bên trái, lúc lại liệng sang trái tránh đồi, tưởng như đang trong một bộ phim hành động của Mỹ.
Nhưng không cần phải quá lo lắng, các phi công dường như đã quá quen thuộc với đường bay này.
Thực tế, hiện chỉ có 17 phi công được cấp chứng chỉ hạ cánh xuống sân bay này và người ta coi hạ cánh ở đây là "nguy hiểm nhất thế giới" (the most dangerous flight landing in the world).
Bởi thế, hành khách thường bay đến Bangkok hoặc Ấn Độ trước rồi chuyển máy bay của Bhutan Air hoặc Druk Air mới đến được đây, nếu như không dùng charter flight. Đường băng cũng không có đèn tín hiệu nên chỉ hoạt động vào ban ngày và trong điều kiện thời tiết cho phép.
Ly kỳ lịch sử hình thành dãy Himalaya
Bhutan nằm trên khu vực dãy Himalaya hùng vĩ được biết đến với tên Hán Việt là Hy Mã Lạp Sơn. Đây là hệ thống núi cao nhất thế giới, có 14 đỉnh cao trên 8.000m, trong đó đỉnh cao nhất thế giới là Everest.
Ở Bhutan cũng có 20 đỉnh núi cao hơn 7.000m, trong đó đỉnh cao nhất là Gangkhar Puensum, nằm giữa Bhutan và Tibet. Gangkhar Puensum mệnh danh đỉnh núi cao nhất thế giới chưa có ai leo lên được tới đỉnh tuy chỉ cao 7.570m.
Lịch sử hình thành dãy Himalaya và Bhutan cũng không kém phần ly kỳ. Trước tiên là về cấu tạo vỏ Trái đất. Phần ngoài cùng nhất của Trái đất được cấu tạo bởi thạch quyển nằm trên và quyển mềm bên dưới.
Thạch quyển bao gồm vỏ Trái Đất và phần trên cùng nhất của quyển manti. Quyển manti ở trạng thái rắn, nhưng có độ nhớt và ứng suất cắt tương đối thấp nên có thể chảy giống như chất lỏng nếu xét theo thời gian địa chất hàng triệu năm. Phần sâu nhất của manti bên dưới quyển mềm thì cứng hơn do chịu áp suất lớn hơn.
Thạch quyển bị vỡ ra thành các mảng kiến tạo và chúng trượt trên quyển mềm. Các mảng này di chuyển tương đối với nhau theo một trong ba kiểu ranh giới mảng: hội tụ hay va chạm; tách giãn, cũng được gọi là trung tâm tách giãn; và chuyển dạng.
Các trận động đất, hoạt động núi lửa, sự hình thành các dãy núi, và rãnh đại dương đều xuất hiện dọc theo các ranh giới này.
Cách đây hàng trăm triệu năm, Bhutan còn đang nằm dưới đáy biển, nằm trên mảng kiến tạo hình thành bởi đá trầm tích dưới đáy đại dương Tethys cổ đại, bên rìa phía đông bắc của tiểu lục địa Ấn - Úc.
Qua các hoạt động kiến tạo, nó được nâng dần lên. Đồng thời cả khối tiểu lục địa Ấn - Úc kia, cũng đang nằm giữa đại dương Tethys bao la, cách lục địa Á - Âu tới 6.000 km ở thời điểm 70 triệu năm trước.
Tạo hóa vốn trớ trêu, khi xảy ra hiện tượng lục địa trôi dạt, làm cho cả lục địa Ấn - Úc kia trôi dần về phía Đông Bắc, hướng về phía Tây Tạng của Trung Quốc, với tốc độ khoảng 18 - 19 cm một năm, và khi chạm vào lục địa Á - Âu thì tốc độ giảm dần, còn khoảng 4 - 6 cm mỗi năm, và mảng phía Đông Bắc của nó, bao gồm Nêpan, Bhutan bị đẩy trồi lên, hình thành dãy Himalaya hùng vĩ.
Quá trình dịch chuyển này đến nay vẫn chưa chấm dứt, cho nên dãy Himalaya vẫn đang tiếp tục được nâng cao thêm khoảng 1 cm mỗi năm. Sự dịch chuyển này cũng gây nên nạn động đất thường xuyên ở Nêpan. Cho nên người ta cũng nói dãy Himalaya là dãy núi trẻ, vì tuổi của có chỉ có... vài chục triệu năm.
Điều này giải thích lý do của việc xuất hiện những hóa thạch cá và vỏ sò trên những đỉnh núi cao ngất trời trên dãy Himalaya, mà nhiều người viện dẫn Kinh Thánh để minh chứng như là dấu vết của trận Đại hồng thủy trong Kinh Thánh.
Đất nước không đèn tín hiệu giao thông
Không có đường sắt và đường cao tốc, vì thế để đến những thành phố chính của Bhutan phải men theo những sườn núi quanh co hiểm trở. Chỉ có một dự án đường sắt nằm trên giấy từ lâu, đến nay có lẽ đã đi vào quên lãng.
Hầu hết con đường tới những thành phố lớn của Bhutan như thủ đô Thimphu, Paro nơi có sân bay quốc tế, cố đô Punakha… chỉ là đường hai làn xe không có dải phân cách cứng, mỗi hướng 1 làn, ngoằn ngoèo đầy những cua tay áo bám theo những sườn núi chênh vênh.
Trên khắp Bhutan, du khách có thể thấy đủ loại xe lưu thông. Xe ô tô tay lái nghịch. Xe cộ đi lại hiền hòa, nhường nhịn.
Trên đường từ sân bay về thành phố, tôi bắt gặp một phương tiện vượt sông rất độc đáo chỉ trên 1 sợi dây cáp.
Một phương tiện vượt sông độc đáo của người Bhutan mà tác giả đã chứng kiến.
Nhà cửa nơi đây thường chỉ cao khoảng 5-6 tầng và... không có thang máy, trừ những khách sạn dành cho khách nước ngoài.
Dân Bhutan dường như đã quen leo núi nên thường đi thang bộ một cách thoải mái. Những ngôi nhà ở đây thường có kết cấu đỡ mái rất độc đáo.
Nhà ở thường chỉ 5-6 tầng trở lại và... không có thang máy
Đất nước của những huyền thoại
Tu viện phật giáo nổi tiếng nhất của Bhutan mà bất cứ du khách nào cũng đến thăm là Tiger's Nest - Paro Taktsang, một tu viện cổ nằm cheo leo trên vách đá dựng đứng cao 900m, ngay trên miệng thung lũng Paro, chênh vênh trên độ cao 3.108m so với mực nước biển.
Truyền thuyết kể rằng, vị thượng sư Guru Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) ở thế kỷ VIII đã được một con hổ cái đưa ông từ Tây Tạng tới đây. Vì thế nơi đây mang tên Hang hổ - Tiger Nest. Tại đây ông đã ngồi thiền trong ba năm, ba tháng, ba tuần, ba ngày và ba giờ.
Sau khi hoàn thành thiền định, thượng sư Liên Hoa Sinh đã hàng phục 8 loại linh hồn ma quỷ và cải đạo người Bhutan sang Phật giáo, trở thành vị thánh bảo hộ của đất nước. Ngài có thể hóa thân thành 8 hình tượng.
Cái tên "Taktsang" trong tiếng Bhutan có nghĩa là "Hang Hổ" và được bắt nguồn khi người dân địa phương bắt gặp một con hổ cái trú ngụ ở một trong những hang động.
Người dân Bhutan cho rằng, khi đó Thượng sư Liên Hoa Sinh đã hóa thân thành ngọn lửa Dorje Drolo (một trong tám hình tượng của ông) và con hổ chính là người vợ Yeshe Tsogyal của ông, hóa thân để bảo vệ và khuất phục những linh hồn quỷ dữ tại đây.
Tu viện Paro Taktsang được xây dựng xung quanh động Taktsang Senge Samdup.
Tu viện Paro Taktsang được xây dựng xung quanh động Taktsang Senge Samdup, nơi được cho là ngài Liên Hoa Sinh đã tọa thiền lúc đến tịnh tu tại Paro Taktsang. Mỗi người dân Bhutan đều hành hương đến tu viện linh thiêng này ít nhất một lần trong đời.
Người ta tin rằng mọi lời cầu nguyện ở đây sẽ được nghe thấu và trở thành hiện thực. Những ai lên đây có được sức mạnh thể chất và tinh thần để vượt qua những gian nan thử thách ở phía trước cuộc đời.
Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Không nặng về tăng trưởng kinh tế mà quan trọng hơn là có "chỉ số hạnh phúc" cao, Bhutan được biết đến bởi gần như tách biệt với thế giới hiện đại với rất nhiều không: Không nhà tù, không tham nhũng, không đèn tín hiệu giao thông, không có ma túy, trộm cắp, mại dâm, ăn xin…
Những cung đường mòn xuyên qua cánh rừng thông tuyệt đẹp.
Năm 2020, tạp chí Lonely Planet đã bình chọn Bhutan là một trong những điểm hấp dẫn nhất cần ghé thăm, và là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Nơi đây có nhiều cung đường mòn xuyên qua những cánh rừng thông ở đây đẹp như Thụy Sỹ thu nhỏ. Du khách thấy bông hoa dại ven rừng, định hái, cô hướng dẫn viên người bản xứ khẽ nhắc: Xin đừng động vào nó.
Bhutan chỉ đón khoảng 300.000 khách du lịch/năm.
Tôi đã đọc được một câu ngạn ngữ ở Bhutan: Happiness is not about getting all you want. It is about enjoying all you have… (Hạnh phúc không phải là việc có được tất cả những gì bạn muốn mà là tận hưởng tất cả những gì bạn có).
Chỉ số hạnh phúc quốc gia (GNH) rất được chú trọng và đây là cách họ theo dõi mức độ hài lòng của dân chúng với cuộc sống được miễn phí toàn bộ chi phí y tế và giáo dục.
Hàng năm Bhutan chỉ đón khoảng 300.000 khách du lịch bởi quan niệm nếu đông đúc quá thì… sẽ không còn giữ được sự thanh bình cho nơi đây.
Cung đường mòn mang vẻ đẹp ban sơ thu hút những người ưa thích khám phá vẻ đẹp thiên nhiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận