Thế giới giao thông

Bí ẩn chuyến bay chở tỷ phú lừng danh gần 100 năm chưa lời giải

02/05/2022, 07:24

Mùa hè năm 1928, một trong những quý ông giàu nhất thế giới đã lên chuyến bay cuối cùng của đời mình và biến mất một cách bí ẩn.

Vị tỷ phú lừng danh

Đầu giờ chiều 4/7/1928, một doanh nhân giàu có tên là Alfred Loewenstein lên máy bay cá nhân tại sân bay Croydon, Anh.

img

Ông Alfred Loewenstein là một người đam mê máy bay

Đó là một chuyến bay thường lệ đưa ông qua vùng biển của Anh và Pháp trước khi hạ cánh xuống Brussels, Bỉ - nơi Loewenstein sống cùng vợ tên là Madeleine Loewenstein.

Tất cả nhân viên tại sân bay đều biết và nhận ra Loewenstein vì ông không chỉ là khách quen mà còn là người giàu thứ 3 thế giới thời điểm đó.

Alfred Léonard Loewenstein lúc ấy 51 tuổi, xuất thân từ một gia đình có địa vị cao trong xã hội. Nối gót cha - một nhà tài chính người Đức gốc Do Thái, Loewenstein đã thành lập Ngân hàng Société Internationale d’Énergie Hydro-Électrique tại Bỉ với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trên toàn cầu.

Qua các dự án cung cấp hạ tầng điện cho các nước đang phát triển, Loewenstein đã kiếm được bộn tiền. Ông cũng khôn ngoan đầu tư vào các mặt hàng như lụa, trước thời điểm mặt hàng này tăng giá chóng mặt.

Đặc biệt, Loewenstein có đam mê di chuyển bằng máy bay, từng đi tới hàng trăm chuyến bay riêng, trong khi cách đây 1 thế kỷ, việc di chuyển bằng máy bay dân dụng thôi đã là điều quá xa xỉ. Nhắc đến Loewenstein, người ta đều nhớ ngay đến biệt danh “nhà tài chính bay” của Bỉ.

Khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Loewenstein trở thành một trong những người đàn ông quyền lực nhất châu Âu. Chỉ riêng một khoản đầu tư trong những năm 1920 đã mang về cho ông hơn 1 triệu USD.

Ông còn từng đề nghị mua tất cả các khoản nợ của Bỉ với giá 50 triệu USD vào thời điểm chính phủ nước này phải lưu vong do bị Đức tấn công.

Sau khi lời đề nghị này bị từ chối, ông chuyển đến Anh và thành lập Tập đoàn International Holdings and Investments vào năm 1926, huy động số vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư giàu có. Song song với quyền lực, nổi tiếng và được rất nhiều nguyên thủ toàn cầu săn đón, ông cũng có nhiều kẻ thù nhăm nhe tìm cách cản trở.

Năm 1928 - thời điểm trước khi xảy ra tai nạn - ông vướng phải mâu thuẫn với các cổ đông của Công ty International Holdings and Investments. Họ hối thúc, muốn nhận được cổ tức càng sớm càng tốt, không theo lộ trình của công ty. Cùng năm, mối quan hệ của ông với vợ cũng chẳng ngọt lành.

Chuyến bay kỳ lạ

img

Báo chí đưa tin về vụ tai nạn của ông Alfred Loewenstein

Ngày 4/7/1928, Loewenstein lên chiếc máy bay cá nhân cỡ nhỏ Fokker FVII. Điều kiện thời tiết rất đẹp, trời trong không gợn chút mây. Phi công Donald Drew đảm bảo đây sẽ là một chuyến bay suôn sẻ.

Trên máy bay lúc đó, ngoài Alfred Loewenstein, có tổng cộng 6 người, đó là Fred Baxter, người giúp việc trung thành của Loewenstein, Arthur Hodgson - thư ký và hai nữ nhân viên chuyên tốc ký Eileen Clarke và Paula Bidalon. Trong buồng lái có Drew và Robert Little, thợ máy.

Buồng lái là khu vực khép kín và khi máy bay cất cánh, Drew và Little không thể sang cabin.

Với kiểu máy bay cũ, ở phía sau cabin, có một cánh cửa dẫn vào nhà vệ sinh nhỏ. Nhà vệ sinh này còn có một cánh cửa khác mở ra bên ngoài.

Cánh cửa này được đánh dấu EXIT, có gắn một chốt lò xo điều khiển từ bên trong. Khi máy bay hành trình, phải cần đến hai người đàn ông khỏe mạnh cùng hợp lực mới có thể mở cánh cửa này do áp suất rất lớn từ luồng không khí bên ngoài.

Loewenstein đã dành thời gian đầu chuyến bay để viết ghi chú. Khi máy bay di chuyển qua eo biển Manche, ông đi đến khoang vệ sinh ở phía sau.

Nhưng 10 phút trôi qua, Loewenstein vẫn không trở lại chỗ. Theo lời khai của Baxter, người này đã đi tới gõ cửa nhà vệ sinh nhưng không thấy phản hồi. Nghi chuyện chẳng lành, Baxter buộc phải mở cửa. Nhà vệ sinh trống không và Alfred Loewenstein đã biến mất.

Theo lẽ thường, phi công Drew cần chuyển hướng hạ cánh tại khu St Inglevert, nằm giữa Calais và Dunkirk. Tại đây, phi công có thể báo ngay cho lực lượng tuần duyên về việc ông Loewenstein mất tích.

Nhưng thay vào đó, Donald Drew hạ cánh xuống một bãi biển hoang vắng gần Dunkirk.

Bãi biển này do một đơn vị quân đội Pháp sử dụng để huấn luyện. Phát hiện chiếc Fokker chuẩn bị hạ cánh, họ lập tức đi tới kiểm tra.

Lực lượng chức năng có mặt và trực tiếp thẩm vấn, nhưng họ cũng vô cùng khó hiểu trước các dữ kiện trên.

Họ không tạm giữ ai và cho phép máy bay tiếp tục hành trình. Các sử gia đánh giá, giới chức lúc đó đã xử lý vụ việc rất lộn xộn và đây có thể là nguyên nhân khiến cái chết của Loewenstein không được làm rõ một cách thỏa đáng.

Hai tuần sau, người ta mới phát hiện thi thể của Loewenstein gần thành phố cảng Boulogne. Thi thể được đưa đến thành phố Calais bằng thuyền đánh cá và được xác minh danh tính qua chiếc đồng hồ đeo tay.

Qua khám nghiệm tử thi, chuyên viên pháp y kết luận ông Loewenstein bị tổn thương một phần hộp sọ và gãy xương. Họ cho rằng, ông Loewenstein vẫn còn sống khi rơi xuống nước.

Hàng loạt giả thuyết

Sau nhiều năm, giới chức địa phương vẫn không thể giải mã bí ẩn về việc Loewenstein tử vong dù có rất nhiều giả thuyết được đưa ra.

Một số người nói rằng, Loewenstein lơ đãng nên vô tình mở nhầm cửa và rơi xuống đất tử vong. Kịch bản này là khó xảy ra nhất, vì gần như không thể mở được chiếc cửa ra ngoài khi máy bay đang di chuyển.

Một giả thuyết cho rằng, ông tự tử vì lo sợ hoạt động kinh doanh mờ ám sắp bị phanh phui.

Hoặc Loewenstein đã bị người giúp việc và nam thư ký hợp sức ném ra khỏi máy bay, có thể là theo lệnh của Madeleine - vợ của Loewenstein hoặc của các đối tác kinh doanh đối địch với Loewenstein.

Mối quan hệ của bà Madeleine với chồng vào thời điểm đó rất xấu và có thể bà cũng muốn sớm chiếm được khối tài sản của chồng.

Có giả thuyết cho rằng, tất cả 6 người trên máy bay gần như chắc chắn đã biết về vụ giết người và họ có thể đã lên kế hoạch cẩn thận từ trước.

Trong đó, nhiều người chú ý tới chi tiết chiếc Fokker hạ cánh trên bãi biển vắng và nghi ngờ các thủ phạm cố tình tới đây để lắp lại cánh cửa mới trên máy bay, thay cho cánh cửa đã đưa Loewenstein đến cái chết. Khả năng, cánh cửa này đã bị thả xuống đâu đó tại eo biển Manche.

Điều này hoàn toàn phù hợp với lời kể của một ngư dân Pháp, rằng ông đã nhìn thấy một thứ giống như một chiếc dù từ trên trời rơi xuống vào đúng thời điểm Loewenstein mất tích. “Chiếc dù” này rất có thể là cánh cửa của máy bay.

Nếu cánh cửa và Loewenstein đều bị thả rơi trên biển, đó là một tội ác được che đậy hoàn hảo khi không ai bị buộc tội giết người.

Về phần Loewenstein, dù là tỷ phú nức tiếng với khối tài sản lên tới đỉnh điểm là 12 triệu bảng Anh (tương đương 728,34 triệu bảng Anh so với tỷ giá hiện tại, tương đương 952 triệu USD) nhưng đến cuối đời, ông không được chôn cất trang trọng mà nằm dưới một nấm mồ không có cả bia. Bà Madeleine - vợ ông cũng không xuất hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.