Giao thông

Bị nợ nghìn tỷ, doanh nghiệp giao thông “chết yểu”

31/07/2019, 06:22

Hàng nghìn tỷ đồng bị nợ đọng tại các công trình, dự án hoàn thành nhiều năm chưa được thanh quyết toán, khiến hàng loạt DN giao thông lao đao.

img
Nhiều năm qua, số tiền chủ đầu tư và Nhà nước nợ một số doanh nghiệp giao thông lên đến hàng nghìn tỷ đồng

Doanh nghiệp (DN) phải trả lãi vay ngân hàng ứng vốn thi công trước và bị các nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật liệu kiện ra tòa do không có tiền trả nợ.

“Ông lớn” giao thông lo phá sản do chậm được thanh toán

Khoảng 5 năm trước, CIENCO1 (Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1) vẫn còn là cái tên đình đám trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông. Hầu hết các công trình giao thông tầm cỡ từ Bắc chí Nam như các cầu: Vĩnh Tuy, Đông Trù, Rạch Miễu, Rồng, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… đều gắn với tên tuổi doanh nghiệp cầu đường có bề dày hơn 50 tuổi đời này. Thế nhưng, hiện nay CIENCO1 rơi vào tình cảnh khó khăn, nợ nần. Hình ảnh các nhà thầu phụ đem người căng băng rôn, biểu ngữ đòi nợ tại trụ sở của CIENCO1 và các công ty con của doanh nghiệp này diễn ra như cơm bữa.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT CIENCO1 cho hay, tình cảnh hiện nay của doanh nghiệp phần lớn do nợ đọng xây dựng cơ bản, bắt đầu từ việc Nhà nước, chủ đầu tư nợ CIENCO1, rồi CIENCO1 nợ lại các nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật liệu, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Theo ông Hòa, tổng số tiền Nhà nước, chủ đầu tư nợ đọng tại các dự án do CIENCO1 thi công đến nay khoảng 1.531 tỷ đồng. Trong đó, nhiều công trình nợ đọng kéo dài 6-7 năm nhưng nhà thầu vẫn chưa được thanh toán với số tiền lớn như: Cầu Hòa Trung (150 tỷ đồng), gói thầu PK1C cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (68 tỷ đồng), Ngã ba Huế (38,8 tỷ đồng)…

img
Đưa vào sử dụng gần 4 năm nhưng đến nay doanh nghiệp đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vẫn bị nợ hơn 4.000 tỷ đồng. Ảnh: Khánh Linh

Ngoài các dự án sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ, ngân sách Trung ương, nhiều công trình khác dùng vốn ngân sách địa phương cũng đang nợ CIENCO1 như: Cầu Hàn (Hải Dương) 12 tỷ đồng, cầu Châu Giang (Hà Nam) 21,8 tỷ đồng… khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị rất khó khăn. “Nói ra rất khó tin nhưng trường hợp cầu Vĩnh Tuy đưa vào khai thác hơn chục năm đến nay CIENCO1 vẫn còn bị nợ đọng ở đấy hơn 26 tỷ đồng chưa thanh toán được”, ông Hòa nói và cho biết Nhà nước nợ CIENCO1 nên số tiền CIENCO1 nợ lại các nhà thầu phụ, nhà cung cấp nguyên vật liệu cũng lên tới trên 1.000 tỷ đồng.

“Số tiền Nhà nước, chủ đầu tư nợ đọng tại các dự án đã gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu của CIENCO1. Để triển khai thi công các dự án chúng tôi phải đi vay ngân hàng và nợ tiền các nhà thầu phụ, đơn vị cung cấp nguyên vật liệu. Doanh nghiệp đi vay ngân hàng phải trả lãi, nợ tiền bảo hiểm xã hội cũng bị tính lãi, nhưng số tiền Nhà nước nợ chúng tôi tại các dự án lên tới hàng nghìn tỷ đồng suốt nhiều năm trời chưa trả thì lại không được tính lãi. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, tiền nợ thi công tại các dự án hoàn thành không được thanh toán, chúng tôi sẽ phá sản”, ông Hòa chia sẻ.

Cũng theo ông Hòa, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài, nguồn tiền mất cân đối khiến CIENCO1 bị chảy máu chất xám và rơi vào vòng xoáy của hơn 20 vụ kiện tụng từ phía các nhà thầu phụ, nhà cung cấp.

“Khi ra tòa, họ không quan tâm đến việc Nhà nước nợ chúng tôi tại các công trình, dự án mà chỉ căn cứ vào hợp đồng giữa CIENCO1 và nhà thầu phụ để xử CIENCO1 thua kiện. Đây là điều rất bất công và tạo ra áp lực lớn với chúng tôi”, ông Hòa nói.

Một đầu tàu khác trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông là Tập đoàn CIENCO4 cũng đang gặp nhiều khó khăn về việc thu hồi nợ tại các dự án, công trình giao thông. Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4 cho biết, tiền nợ đọng tại các dự án CIENCO4 thi công đã hoàn thành khoảng 240 tỷ đồng, tại các dự án đang thi công dở dang là 525 tỷ đồng và tiền bảo hành giữ lại ở các dự án là 459 tỷ đồng. Trong đó, cầu Hòa Trung (Cà Mau) là dự án nợ đọng kéo dài với số tiền 74,2 tỷ đồng.

“Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định xây dựng cầu Hòa Trung nối TP Cà Mau với huyện Đầm Dơi, địa phương này khi đó là huyện duy nhất trong cả nước chưa có đường bộ đi qua. Thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn hình thức chỉ định thầu và liên danh CIENCO1 - CIENCO4 được Bộ GTVT chỉ định thi công. Nhà thầu ứng tiền trước và Nhà nước sẽ hoàn trả từ năm 2016 - 2020. Chỉ sau 6 tháng triển khai, đầu tháng 1/2016, liên danh nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ công trình. Thế nhưng, đến nay đã gần 4 năm, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ đồng nào từ Nhà nước, mà hàng tháng vẫn phải trả lãi khoản vay để thi công dự án này”, ông Thọ chia sẻ.

Quốc hội đã giao Chính phủ xử lý

img
Nhà thầu phụ đưa người căng băng rôn, biểu ngữ đòi nợ trước trụ sở CIENCO1 tháng 6/2019

Cũng liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, thông tin từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), hiện nay, Bộ GTVT còn 69 dự án có nợ đọng với giá trị khoảng 2.237 tỷ đồng, chủ yếu là nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và bổ sung giai đoạn 2014 - 2016 như: Đường 12B, tỉnh Hòa Bình; QL14 đoạn qua TX Chư Sê, tỉnh Gia Lai; QL14 đoạn qua TX Kon Tum, tỉnh Kon Tum; QL6 đoạn Sơn La - Tuần Giáo, tỉnh Sơn La… và các dự án còn thiếu vốn để quyết toán do không được kéo dài kế hoạch 2015 trở về trước, dự án nợ đọng do thay đổi hình thức đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT còn thiếu khoảng 16.766 tỷ đồng để hoàn trả, trong đó 6.089 tỷ đồng cho 6 dự án đã được các địa phương hoặc doanh nghiệp ứng vốn thực hiện và 10.677 tỷ đồng hoàn trả cho 4 dự án BT trong giai đoạn 2016 - 2020.

Cụ thể, các dự án đã được địa phương hoặc doanh nghiệp ứng vốn trước gồm: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (4.069 tỷ đồng), đường nối hai cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Hà Nội - Hải Phòng (1.122 tỷ đồng), dự án cầu Hòa Trung, Cà Mau (269,9 tỷ đồng), dự án QL54 qua Đồng Tháp (232 tỷ đồng), dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, mở rộng sân đỗ CHK Pleiku (300 tỷ đồng), dự án QL3 Km 34+500 - Km 38+500 (97 tỷ đồng). Còn lại, 4 dự án BT cần bố trí vốn để hoàn trả trong giai đoạn 2016 - 2020 gồm: La Sơn - Túy Loan (5.133 tỷ đồng), dự án QL20 - thành phần 1 (1.796 tỷ đồng), dự án Ngã ba Huế (2.290 tỷ đồng) và dự án QL20 - thành phần 2 (1.458 tỷ đồng).

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, riêng phần nợ của các dự án BT phải trả trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, khóa XIV vừa diễn ra. Sau đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 84 giao cho Chính phủ rà soát lại để cân đối phương án sử dụng nguồn dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương trong nước còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

“Tương tự, đối với các khoản nợ xây dựng cơ bản, tiền hoàn trả các dự án đã được các địa phương hoặc doanh nghiệp ứng vốn, Bộ GTVT cũng đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Sau đó, Quốc hội đã ban hành các tiêu chí, nguyên tắc chung và ủy quyền giao lại cho Chính phủ xử lý. Trên cơ sở các quy định trong Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ phê duyệt phương án sử dụng phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chung”, ông Lâm nói và cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Bộ KH&ĐT đang tiến hành rà soát, hoàn thiện phương án để trình Chính phủ quyết định.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội:
Ưu tiên bố trí vốn trả nợ cho các dự án

img

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Theo Nghị quyết, Quốc hội đã giao lại cho Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế về vốn và khả năng cân đối vốn để bố trí vốn cho các dự án đầu tư xây dựng đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, ưu tiên bố trí vốn trả nợ cho các dự án, công trình đã hoàn thành, các dự án có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đang dở dang còn thiếu vốn, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, số còn lại phân bổ cho các dự án mới”.

TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam:

Phân loại nợ đọng thành 3 nhóm

img

Theo tôi, để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản giao thông cần phân loại thành 3 nhóm dự án.

Thứ nhất, nhóm các dự án làm đúng trình tự, đầy đủ thủ tục nhưng Nhà nước không bố trí vốn để trả nhà thầu. Điển hình cho nhóm này là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, Nhà nước cũng đã cam kết bố trí hơn 4.000 tỷ đồng tiền GPMB cho dự án cao tốc từ năm 2009 nhưng đến nay bảo rằng chưa có tiền nên chưa trả, như vậy là rất vô lý. Để giải quyết nợ đọng đối với các dự án nhóm này, Nhà nước cần phải bố trí vốn trả ngay, nếu không sẽ gây ra rất nhiệu hệ lụy cho doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Thứ hai là các dự án có cơ sở thực hiện, có ý kiến của cấp thẩm quyền nhưng chưa đầy đủ thủ tục hoặc chưa có kế hoạch vốn đã tiến hành đầu tư xây dựng dẫn tới nợ đọng. Để giải quyết, các cơ quan liên quan phải giải trình, làm rõ, nhận khuyết điểm, sau đó hoàn thiện các thủ tục để được bố trí vốn xử lý nợ đọng.

Cuối cùng, là nhóm các dự án không có cơ sở pháp lý, thiếu thủ tục nhưng vẫn triển khai xây dựng thì việc xử lý nợ đọng sẽ rất khó khăn.

Tình trạng nhà thầu đi vay để làm trước khi dự án là đặc thù của nghề xây dựng cơ bản giao thông. Nhưng nếu dự án thuộc nhóm không có cơ sở pháp lý, không đúng thủ tục, làm theo lệnh, bây giờ không thể giải trình, dẫn tới nợ đọng thì chỉ có ông ra lệnh và ông tuân lệnh chịu với nhau. Từ đó, các nhà thầu sẽ rút ra được bài học về tính tuân thủ luật pháp, cụ thể là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng

.Đ.Quang (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.