Thế giới

Biển Đông: Thiếu kềm chế một chút xung đột đã nổ ra

18/11/2014, 21:07

Tham vọng hướng biển của Trung Quốc có thể nhìn thấy tại những vùng biển Hoa Đông và Biển Đông...

Toàn cảnh Hội thảo Biển Đông
Toàn cảnh Hội thảo Biển Đông

Tại hội thảo, nhiều học giả đến từ Việt Nam, Philippines, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia… cho rằng, với tầm quan trọng chiến lược, Biển Đông đã trở thành không gian cạnh tranh chiến lược gián tiếp giữa các cường quốc. Trung Quốc có tham vọng nâng tầm năng lực biển và sức mạnh hải quân của mình để cho thế giới thấy những biểu hiện hữu hình của một siêu cường. Tham vọng hướng biển của Trung Quốc có thể nhìn thấy tại những vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nói: “Năm 2014 tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Có những vụ việc lần đầu tiên xảy ra nhưng hết sức nghiêm trọng, kéo dài, dồn dập về diễn biến. Có những vụ việc đã từng xảy ra nhưng được lặp lại với cường độ và nhịp độ lớn hơn nhiều so với trước. Tình hình căng thẳng tới mức mà các bên liên quan nếu chỉ thiếu kềm chế một chút thì xung đột đã nổ ra”.

Cũng có một số học giả cho rằng, tình hình phức tạp ở Biển Đông cũng mở ra các cơ hội để các nước ASEAN và các đối tác của ASEAN trong và ngoài khu vực đóng vai trò tích cực hơn trong hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Điển hình như Liên minh Châu Âu, một đối tác ASEAN có nhiều lợi ích chiến lược tại Biển Đông và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc phòng chống, quản lý xung đột, sáng lập và thực hiện các quy tắc luật quốc tế, có thể chia sẻ các kinh nghiệm của mình, giúp các nước trong khu vực Biển Đông quản lý và giải quyết tranh chấp tại khu vực.

Ông Myint Thu, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao My-an-ma, nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm khẳng định, lãnh đạo ASEAN đã ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), Tuyên bố nguyên tắc 6 Điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Các học giả đã phân tích quá trình hình thành quy định về Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Theo đó, các quốc gia ven biển có thẩm quyền đặc biệt để phát triển và quản lý quy chế bảo tồn các nguồn tài nguyên trong Vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trên cơ sở các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý là có cơ sở pháp lý vững chắc theo luật pháp quốc tế.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh trong tình hình căng thẳng hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn; với triển vọng biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, hoặc thành lập vùng nhận dạng phòng không để khẳng định yêu sách của mình không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột.

Phát biểu tại Hội thảo, ông văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, các sự cố xảy ra với ngư dân Việt Nam khi đánh bắt trên Biển Đông nói chung và ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa nói riêng gây ra nhiều bức xúc trong dân chúng, ảnh hưởng xấu đến tình cảm hữu nghị của người dân. “Điều chúng tôi quan tâm hơn là sự suy giảm lòng tin. Công cụ ngăn ngừa xung đột hiệu quả nhất không phải là sự hiện diện của quan hệ thương mại và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia, mà là lòng tin giữa các quốc gia có liên quan”, ông Chiến nói.

Lam Trình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.